Để lại ấn tượng trong công việc với cấp trên hay với đối tác là một cách giúp bạn thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp của mình. Đặc biệt là khi bạn vừa đi làm, số năm kinh nghiệm còn ít, bạn cần chú trọng đến điều này hơn nữa để có thể nhanh chóng tạo ra những bước nhảy xa trong công việc. 

Dưới đây là 4 phương pháp bạn có thể rèn luyện để tạo được ấn tượng trong môi trường làm việc của mình. Từ đó, giúp bạn gia tăng hiệu quả công việc và sẵn sàng cho những vị trí cao hơn.

1) HÃY PHÁT BIỂU VÀ ĐẶT CÂU HỎI CÓ CHIỀU SÂU

Nghe qua có vẻ rất cơ bản nhưng Linh nghĩ điều này cần sự rèn luyện trong một thời gian dài. Khi còn trẻ, có thể sẽ hơi khó để bạn phát biểu đóng góp với những ý tưởng nổi bật. Vậy nên, luôn đặt câu hỏi là một trong những cách mà bạn có thể đóng góp tốt nhất. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn cứ giơ tay lên và hỏi bất kỳ vấn đề nào. Tác giả người Mỹ Tony Robbins từng nói: “Những câu hỏi chất lượng tạo nên cuộc đời chất lượng.” Để tạo được ấn tượng và thể hiện tính chuyên nghiệp của mình, bạn cần phải đặt ra những câu hỏi thông minh. 

Theo Linh thì quy trình trong một buổi họp thường diễn ra theo hai chiều, bạn nghe, bạn suy nghĩ tổng quan, rồi sau đó hỏi lại. Có một nguyên tắc mà Linh thường dùng là nguyên tắc số 3. Tức là nếu bạn vừa mới tốt nghiệp và đi làm trong khoảng 1 - 3 năm, thì trong một buổi họp bạn cố gắng đặt ra câu hỏi hoặc phát biểu tối đa 3 lần. Vì bạn cũng cần dành phần lớn thời gian để lắng nghe những ý tưởng của cấp trên hay những đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn.

Và có lúc, trong một buổi họp bạn không biết cách để đóng góp thì việc này cũng hoàn toàn không có vấn đề gì. Tuy nhiên bạn không nên để 3 buổi họp trôi qua liên tục mà mình chưa phát biểu hay đặt ra một câu hỏi nào. Mọi người đều hiểu rằng bạn chưa có quá nhiều kinh nghiệm, nên họ hoàn toàn vui vẻ khi bạn chỉ phát biểu một vài lần. Điều quan trọng là bạn phải cố gắng để mọi người thấy sự nỗ lực và chủ động của bạn.

2) TRÌNH BÀY VẤN ĐỀ CHI TIẾT, KHOA HỌC

Nghiên cứu cho thấy, người nghe sẽ nhớ chính xác 40% thông tin nếu bài trình bày có kết cấu. Khi góp ý hay trình bày một vấn đề, bạn cần nói càng hệ thống, càng chi tiết càng tốt. Bạn cũng nên tránh các cụm từ chung chung như “Quan điểm của em là…”, “Em cảm giác là…”. Vì thông thường, một quan điểm được đưa ra dựa trên kinh nghiệm của bạn, nhưng khi bạn còn trẻ, bạn chưa có nhiều kinh nghiệm bằng những người đi trước. Thay vào đó, bạn nên đổi lại thành “Theo tôi nghiên cứu…”, “Theo tôi đã đọc…”. Những cụm từ bắt đầu này sẽ đem lại tính khách quan, làm gia tăng thêm uy tín cho những thông tin bạn phát biểu. Đồng thời bạn cũng thể hiện cho người khác biết bạn đã chủ động tìm hiểu thêm và đang chia sẻ theo đúng chủ đề phù hợp với cuộc họp. 

Bạn cũng có thể thể hiện cách trả lời chi tiết, có cấu trúc của mình thông qua việc trả lời email. Bạn nên hệ thống các ý cần truyền đạt với các số đầu mục 1, 2, 3 hay a, b, c thay vì các dấu chấm đen hay gạch đầu dòng. Điều này sẽ dễ dàng hơn cho người khác khi đọc email và phản hồi lại cho bạn. Họ có thể đề cập chính xác đến những đầu mục họ đang có ý kiến hoặc cần đánh giá chỉnh sửa (ví dụ mục 1b, mục 2a) mà không phải mất thêm thời gian mô tả. 

3) CÓ MẶT SỚM TRƯỚC GIỜ HỌP

Thông thường mọi người thường nghĩ đến một cuộc họp hay một cuộc hẹn đúng giờ chính là thể hiện tính chuyên nghiệp của bản thân. Tuy nhiên với Linh điều này chưa thực sự an toàn hay có thể giúp bạn gây ấn tượng với cấp trên và đối tác. Bạn nên đến sớm hơn ít nhất 15 phút trước khi buổi họp bắt đầu để chuẩn bị tinh thần và có thời gian xem lại những thông tin sắp thảo luận. Nếu là buổi họp với các đối tác quan trọng, bạn cần đến sớm hơn khoảng 30 phút để có thể chuẩn bị kỹ tài liệu, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát mọi thứ tránh khỏi những sự cố, vậy nên khi có mặt sớm hơn, bạn có thời gian để rà soát lại và đảm bảo tất cả đã sẵn sàng.

4) ĐỪNG CHỈ HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC. HÃY HOÀN THÀNH XUẤT SẮC!

Việc bạn hoàn thành công việc được giao thôi chưa đủ để tạo được ấn tượng và cho mọi người thấy những nỗ lực của mình. Bạn hãy tập trung để hoàn thành phần việc của mình trước thời hạn được giao. Sau đó bạn dành thời gian để suy nghĩ thêm, mở rộng thêm các giải pháp khác, thuộc phạm trù nhiệm vụ của bạn hay kể cả của đồng nghiệp. Ví dụ, nếu bạn được giao một công việc phải hoàn thành trong 3 ngày. Bạn hãy cố gắng để hoàn thành nó trong 1 ngày. Với 2 ngày còn lại, bạn có thể tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ sâu hơn để có thể đưa ra những thông tin hay giải pháp mới hiệu quả hơn. Bạn có thể đọc thêm về Làm thế nào để tăng tốc độ hoàn thành công việc nhanh chóng tại đây.

Tác giả người Mỹ Katrina Mayer từng phát biểu: “Người tạo ra sự khác biệt lớn nhất thường là người làm những điều nhỏ nhặt một cách kiên định”. Điều đó có nghĩa là mỗi sự chú ý quan sát, sự cẩn trọng của bạn trong công việc dù nhỏ bé cũng sẽ góp phần mở ra cho bạn những cơ hội lớn. Chỉ cần bạn kiên định với chúng và với chính mình. Như vậy, bạn sẽ tạo nên sự khác biệt trong công việc, để lại ấn tượng với cấp trên và mang đến cho mình cơ hội được đề bạt lên những vị trí mới cao hơn.