How I Manage: Linh Thái và những chiến lược thập kỷ

How I Manage: Linh Thái và những chiến lược thập kỷ

How I Manage: Linh Thái và những chiến lược thập kỷ

Được viết bởi Vietcetera.


“Từ năm 18 tuổi, tôi đã biết mình muốn trở thành một doanh nhân, chứ không phải một vận động viên bóng rổ,” Linh Thái nhớ lại. 


Trong vai trò một nhà đầu tư chiến lược, Linh Thái sử dụng kỹ năng và kiến thức tích lũy qua hai thập kỷ để gặt hái hàng loạt thành công ở Mỹ và Việt Nam. Kỷ niệm bài viết thứ mười trong series How I Manage, chúng tôi tìm đến Linh Thái để nghe chị chia sẻ những bài học về cuộc sống và lãnh đạo.

Ba từ mô tả phong cách quản lý của chị?

Cởi mở, dẫn dắt, và chú trọng kết quả.


Tôi khá cởi mở khi tuyển những người không thỏa mãn tất cả những yêu cầu trong bảng tuyển dụng, miễn là họ chủ động học hỏi trong công việc. Tôi cũng thường giải thích đường đi nước bước của công ty cho nhân viên của mình. Tôi không muốn để nhân viên làm việc như rô-bốt.


Tôi dành nhiều thời gian để giải thích cặn kẽ một vấn đề trong lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Các nhân viên phải ghi chú thật kỹ và vận dụng những điểm chính yếu để tự suy luận vấn đề lần sau. 


Tuy nhiên, nhân viên chưa có kinh nghiệm thực thi không có nghĩa deadline sẽ nhân nhượng với họ. Nếu họ đã có kinh nghiệm làm việc, một công việc chỉ mất hơn một giờ để giải quyết xong. Nếu không, họ buộc phải dành mười giờ làm việc để cho ra kết quả như yêu cầu mà không có bất kỳ ngoại lệ nào.

Ai là người ảnh hưởng nhiều nhất đến con đường sự nghiệp của chị?

Trong những công việc tôi từng làm, tôi may mắn luôn gặp được một người cấp trên dành thời gian chỉ bảo tôi. Họ giúp tôi có những góc nhìn thấu đáo, nhưng đồng thời cũng mong đợi rất nhiều từ tôi. 


Một điều nữa mà tôi muốn nói đến, đó chính là đừng bao giờ cảm ơn người hướng dẫn và quên hết những gì họ nói trong buổi sáng hôm sau. Bạn cần phải ghi nhớ những gì được dạy, ứng dụng nó trong công việc và biến lời dạy đó thành một kết quả thỏa đáng. 


Hiện tại, chính tôi cũng đang dẫn dắt đội ngũ của mình như cách tôi từng được dẫn dắt.

Hãy mô tả một nhân viên lý tưởng của chị.

Một người ham học hỏi, đã chứng minh được năng lực của mình trong những chức vụ trước đó. Một nhân viên lý tưởng của tôi có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên với tối đa hai công việc. Điều này nghĩa là họ đã và đang đào sâu chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể. 


Khi đã được trang bị chuyên môn, họ mới sẵn sàng làm việc với tôi ở những thử thách cao hơn. 


Thông thường, chất lượng kinh nghiệm quan trọng hơn số năm làm việc. Nếu như bạn có 10 năm kinh nghiệm nhưng đổi việc mỗi 6 tháng, tôi dám chắc bạn chưa thật sự đào sâu vào ngành. Bởi vì trong 6 đến 12 tháng đầu tiên, kiến thức bạn có được chỉ là kiến thức nền tảng mà thôi.

Đâu là lời khuyên chị sẽ đưa ra với một người mới bắt đầu vị trí quản lý?

Bạn cần phải thay đổi tư duy từ một người thực hành trở thành một người quản trị, từ trực tiếp thực thi đến điều hướng và giám sát.


Khi bạn là cấp dưới, công việc chỉ dừng ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng khi trở thành một cấp quản lý, công việc của bạn chính là tìm cách giúp mọi người hoàn thành công việc. Những nhiệm vụ thường ngày sẽ được thay thế bởi những cuộc họp và quy trình theo dõi cố định. 


Điều này đưa đến lời khuyên tiếp theo từ tôi: Làm tất cả đế tuyển dụng đúng nhân sự. Mục đích cuối cùng của việc tuyển nhân viên chính là để hoàn thành được nhiều việc hơn một mình bạn. Nếu thuê nhầm người, bạn phải tự mình hoàn thành công việc, tốn tiền, mất thời gian, thiếu ngủ, và chất lượng công việc sẽ giảm sút.

Đâu là những khó khăn chị gặp phải trong công việc của mình?

Yếu tố con người luôn là một thử thách. Không phải ai cũng có cùng một tính cách, mục tiêu và nguyện vọng làm việc giống nhau. Một khi người nhân viên qua được phần tuyển dụng, họ trở thành một dự án mới. Bạn, trong vai trò một nhà lãnh đạo, cần dành thời gian tìm hiểu về nguyện vọng và nhu cầu của họ. Sau đó tìm cách cân bằng những nhu cầu đó với hoạt động công ty.

Có bao giờ chị ‘đầu hàng’ trước một nhân viên khó đào tạo?

Có một nghiên cứu đánh giá nhân viên trên hệ quy chiếu với hai trục tọa độ là thái độ và độ hiệu quả (hay kết quả trong công việc). Tất nhiên ta giữ lại những nhân viên vừa có thái độ tốt vừa mang lại hiệu quả cao và sa thải những nhân viên thiếu sót cả hai. Còn những nhân viên với thái độ không tốt nhưng luôn đem lại hiệu quả công việc cao thì sao? 


Tôi đã từng ‘chịu đựng’ những nhân viên kiểu này bởi vì cá nhân tôi quan trọng kết quả. Nhưng về sau tôi nhận ra thái độ cũng rất quan trọng, đặc biệt trong các công ty khởi nghiệp hay những nhóm làm việc nhỏ. Một nhân viên với thái độ làm việc không tốt, không kể hiệu quả công việc ra sao, sẽ ảnh hưởng rất xấu tới văn hóa công ty và kéo tất cả mọi người đi xuống. 


Hiện tại, tôi chỉ tuyển dụng những nhân viên vừa có thái độ tốt vừa mang lại kết quả tích cực cho công ty.

Chị có thấy mình ngày càng thiếu kiên nhẫn với con người?

Đúng. Tôi không có nhiều thời gian nên tôi phải chọn những vấn đề của mình khéo léo hơn. Có những chuyện không đáng để tôi giải quyết.


Khi lên làm quản lý cấp cao, tôi phải đáp ứng nhiều kỳ vọng hơn, nên tôi cũng đẩy mạnh yêu cầu với đội ngũ của mình. Dây chuyền này luôn cần được đáp ứng. Nếu không, cả công ty sẽ không thể tiến lên được.

Theo chị, trong kinh doanh, quyền lực nên được phân tán cho mọi người hay chia theo cấp bậc?

Mỗi tổ chức phải tự tìm cho mình một điểm cân bằng giữa hai thái cực quản lý này. Theo lẽ thường tình, một người quản lý tốt phải đảm bảo đội ngũ của mình vừa chủ động vận hành trôi chảy, vừa biết lúc nào nên hỏi ý kiến sếp.

Chị có hay nghĩ về những mục tiêu dài hạn không?

Mỗi tuần một lần. Không cần thiết phải vạch ra chi tiết cụ thể, nhưng tôi luôn cần hướng đi cho tương lai. Bạn nên có tầm nhìn cho khoảng một tới hai thập kỷ tiếp theo và luôn nhớ rằng mọi thứ đều có thể thay đổi.


Tôi thích hỏi mọi người về kế hoạch tương lai của họ. Khi còn 18 tuổi, tôi đã lên kế hoạch cho những năm mình 40 tuổi. Và bây giờ khi đã 40 tuổi, tôi tiếp tục định vị bản thân ở tuổi 60. Ai cũng nói họ sẽ nghỉ hưu, nhưng nghỉ hưu đâu có nghĩa là nghỉ hẳn, không làm gì nữa. 


Ở tuổi 60, chúng ta vẫn có thể trẻ trung và đầy năng lượng. Tại sao phải dừng ở đó?

Chị có nghĩ mình còn ở Việt Nam 20 năm sau không?

Đó là điều mà tôi vẫn bàn với chồng mình. Chúng tôi chưa chắc chắn được. Tôi thích nghĩ mình là một một công dân toàn cầu. Hầu hết gia đình tôi ở Mỹ và tôi thường di chuyển qua lại khá thường xuyên. Ngoài ra, tôi cũng muốn sinh sống ở Tây Ban Nha trong một vài năm để học ngôn ngữ và trải nghiệm văn hóa nơi đây. 


Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là chốn thân thương trong lòng tôi. Dù đi đâu, một phần tâm hồn tôi vẫn luôn ở lại.


Để đọc thêm nhiều bài viết thú vị, bạn có thể truy cập website của Vietcetera.

Back to blog

Leave a comment

Please note, comments need to be approved before they are published.