⭐️Học hỏi từ Chuyên gia⭐️ là chuỗi nội dung chia sẻ các mẹo hay thực tế mà các chuyên gia với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc đã áp dụng để phát triển bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp.

Trong các số Học hỏi từ chuyên gia vừa qua, chúng ta đã gặp gỡ nhiều khách mời có bề dày kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh với những bài học vô cùng hữu ích. Đến với Series số 6 này sẽ đặc biệt hơn một chút, chúng ta sẽ lắng nghe chia sẻ của một khách mời hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Linh mời các bạn gặp gỡ cô gái được mệnh danh là Nữ hoàng Hiphop Việt Nam - Nghệ sĩ Suboi. Bạn ấy đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả khi chia sẻ với cựu Tổng thống Mỹ Obama thông qua rap trong năm 2016. Bạn cũng là một trong những người trẻ tài năng lọt top “30 Under 30” của châu Á được Forbes vinh danh năm 2017.

Trong bài phỏng vấn đầu tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tư duy âm nhạc của Suboi và hành trình cô nỗ lực theo đuổi đam mê của mình ở thị trường Việt Nam và thế giới.

Bạn Cần Làm Gì Khi Tự Làm Sản Phẩm Riêng?

1. Linh biết làm trong nghề sáng tạo rất khó. Với kinh doanh, khi làm một dự án, mình đang phân tích về số. Nếu lên một kế hoạch, ví dụ kế hoạch tiếp thị, mình đang nói về một công ty, một thương hiệu, một sản phẩm. Với ngành sáng tạo, như một nghệ sĩ, khi mình đưa ra một album, giống như mình đưa bản thân mình vào trong đó. Khi xem album No Nê gần nhất của Suboi, Linh đánh giá rằng đây là 1 album cực kỳ sáng tạo. Linh được biết Suboi đã dành 7 năm để tạo ra album này. Linh cũng muốn hiểu được Suboi đã dùng kỹ năng và cảm xúc nào để tạo ra được album thành công như vậy? Và Suboi đã gặp những thử thách nào trong quy trình này? 

Đây là một album mà em rất mong chờ. Em đã có album đầu tiên, album thứ hai là một bước đệm. Và No Nê là một album mà em nghĩ không phải tự nhiên mà em làm theo concept này. Thực sự mà nói, em đã bắt đầu bằng những bức rức trong lòng của mình. Điều này là nhờ những sự thay đổi khi em làm nhạc ở Việt Nam được một thời gian. Vì em không phải người đóng vai một thần tượng, một người giống như ngôi sao toả sáng hay khái niệm gì đó tương tự. Thứ nhất là em không biết làm. Thứ hai là tư duy của em cũng không được như vậy. Khi nhìn về những khía cạnh đó, em thấy mình thất bại rất nhiều. Và em nghĩ không lẽ thành công chỉ có vậy. Nếu mà bạn không nổi tiếng vang dội thì bạn đã thất bại hay sao?

Thực sự giá trị của em nằm ở việc chia sẻ những nhìn nhận của bản thân. Em có đọc được một số bài báo viết, có lẽ những người này họ đã nghe album No Nê rất qua loa. Nghe album, họ chỉ biết về đời tư của bản thân em, nhưng thực sự điều này không đúng. Tư tưởng của em luôn là một người trẻ Việt Nam khi ở Việt Nam nhìn Việt Nam, và khi ra thế giới nhìn thế giới sẽ có thay đổi như thế nào? Rồi mình đã học được những gì? 

Em chỉ muốn chắt lọc lại những điều này. Em muốn album No Nê sẽ trở thành một cuốn nhật ký ghi lại hành trình của một người trẻ Việt Nam, mà không phải chỉ là Suboi. Thời gian thực sự làm album này là 3 năm tính từ lúc bắt tay vào làm. Vì em phải tìm một số nhà sản xuất ở nước ngoài, phải đi New York. Để mà đi được như vậy, em phải kiếm tiền, phải đi hát một số bar, quán bia hay làm một số công việc khác. Em cố gắng làm và dành dụm tiền để qua bên đó, gặp được người làm sản xuất và ngồi trao đổi tại studio cùng họ. 

2. Linh thì chỉ biết về kinh doanh thôi. Vậy nên khi nói chuyện với một người nghệ sĩ, Linh thấy rất thú vị. Khi Suboi làm album thì phải đi làm những việc mà có thể mình không cảm thấy thích thú. Nhưng đó là điều buộc phải làm để có đủ tiền đi qua New York, để tìm những người sản xuất giỏi. Vậy cho Linh hỏi, trong quá trình 7 năm này, bao nhiêu phần trăm Suboi đã làm những việc mà Suboi thích, và bao nhiêu phần trăm Suboi phải làm những việc mà mình không thích? 

a. Bắt đầu từ việc nhỏ nhất

Em nghĩ tất cả những gì xảy ra đều rất quý giá. Và em không thể nói trong bảy năm đó em đã làm gì. Nhưng em nghĩ em đã làm một số nghề rất khác. Ví dụ như, em làm chú hề sinh nhật từ năm 17 tuổi. Gia đình em khó khăn, em cảm thấy mình đi học tốn nhiều tiền của cha mẹ, mình cần tự chăm sóc bản thân bằng cách nào đó? Nói chung là em không muốn xin tiền ba mẹ nên em nghĩ tới việc đi làm thuê để kiếm tiền. Bắt đầu từ tư tưởng này, em bán thiệp ở trường học. Mãi tới khi em quyết định mở công ty, nghe nó to lớn vậy thôi nhưng sau đó em mới nghĩ bây giờ mở công ty thì công ty này sẽ làm gì? Vì em không phải một người kinh doanh, em kinh doanh rất dở nên khá lo lắng. 

b. Tìm người đồng hành hỗ trợ

Rồi khi càng làm, mình càng biết điều này hợp với mình, điều kia mình chưa giỏi. Mình biết mình phải tìm kiếm một người nào đó để làm cùng những việc mình chưa làm được. Vậy nên, em mới hiểu là cần một người đồng hành tin cậy và có khả năng. Quá trình đi tìm người đó rất khó khăn. Em đã gặp những người mà đôi khi họ không làm gì hết, có một số người thì giữ tiền và lừa tiền của em. Em đã từng mất tiền, mất lòng tin. Và cả album thứ hai của em, em coi đó là một sự thất bại. Nhưng khi nghĩ lại, đó là một bài học rất quý giá cho em về cách nhìn nhận con người và cách suy nghĩ về điều mình đang mong muốn. Nhiều khi đó là điều chưa phù hợp với mình, hoặc mình đang tham lam một cái người khác làm được nhưng mình không làm được. Em đã nhận được rất nhiều bài học ngay lúc đó. 

c.  Ý thức chủ động về tài chính

Sau thời gian đó, em hiểu được để làm ra dòng nhạc mà mình thích, và truyền tải được thông điệp mình muốn gửi gắm mà không bị ảnh hưởng bởi bất kì yếu tố nào thì cần phải có tiền. Ví dụ, khi em làm với một đơn vị quảng cáo, điều tất yếu người ta muốn là đưa sản phẩm của người ta lên cho người xem quan tâm, không phải là việc mình muốn nói gì với xã hội thông qua bài nhạc. Bây giờ, em thấy mọi người đã bắt đầu kết hợp sản phẩm quảng cáo và nội dung âm nhạc với nhau rồi. Em thấy rất hay khi bây giờ mọi người đã có nhiều cách sáng tạo khác. 

Nhưng em vẫn nghĩ với mình, để giữ được những gì mình muốn nói thì phải có tiền. Vì nếu không có tiền, làm sao mình có thể thu một bài hát? Làm sao mình có thể đi vô phòng thu? Làm sao em có thể trả công cho những người cùng làm với mình? Vậy nên em bắt buộc phải suy nghĩ về chuyện tài chính. Và bây giờ, tài chính cho bản thân em còn chưa xong, làm sao em có thể làm một bài nhạc khác lạ? Rồi album đó kéo dài đến ba năm. Ba năm, em phải làm những dự án khác nhau để có đủ tiền. Ba năm là chính thức bắt tay làm, còn bảy năm là thời gian nuôi nấng những tư tưởng, điều chỉnh những định hướng chưa đúng hay hoàn thiện yếu tố nào đó mà em cần phải học hỏi thêm. 

3. Mình có thể nói thêm chi tiết một chút nữa. Vì Linh nghĩ các bạn trẻ cũng muốn tìm hiểu về quy trình để sáng tạo ra một bài hát sẽ ra sao? Trong thời gian hoạt động nghệ thuật của mình, Suboi đã sáng tác như thế nào? Suboi sẽ chờ đợi cảm hứng hay cần phải đi tìm một nơi riêng tư để tập trung sáng tạo?

Có rất nhiều cách để viết một bài hát, nhưng quan trọng mục đích chính của mình khi viết bài nhạc đó là gì. Một bài nhạc cần thời gian để phát triển. Với một số chủ đề, em chưa “sống đủ”, em phải trải qua nhiều kinh nghiệm để viết được bài nhạc đó. Ví dụ, bài “Công" là em viết về tiền, về cách mọi người làm việc với nhau hay cách đối nhân xử thế và cách nhìn nhận của xã hội. Đối với những bài hát này, đôi khi em viết được một khúc hoặc viết một khổ thơ rồi để đó. Hoặc khi em nghe một giai điệu nào đó hay, em sẽ viết lại. Nhưng đến cuối cùng, em cảm thấy mình không viết nhạc chỉ để gieo vần cho nó nghe hay hoặc để chứng tỏ tài năng. Em muốn mình phải nói được thông điệp gì đó nên em chọn cách “ngâm” hơi lâu đến khi nó có đủ cảm xúc và trải nghiệm để hoàn thành rồi mới cho phát hành.

Lời kết

Nghe lộ trình của Suboi Linh thấy rất thú vị. Không phải chỉ với các bạn muốn làm nghệ sĩ, những bài học đó cũng dành cho các bạn đang làm trong những tổ chức lớn, doanh nghiệp nhỏ hay đang muốn tự khởi nghiệp. Nghĩa là khi có đam mê, phần lớn mình sẽ đam mê về một sản phẩm. Nhưng sau đó, mình phải suy nghĩ về phương pháp kinh doanh. Ngoài kỹ năng chuyên môn ở lĩnh vực nào đó, mình phải học hỏi thêm nhiều thứ xung quanh. Các bạn cần phải hiểu rằng để thành công trong sự nghiệp là một lộ trình dài. Suboi đã mô tả rất hay vì mình phải vừa suy nghĩ, sáng tạo về một tác phẩm. Sau đó, mình cũng cần tìm hiểu cách để kinh doanh và hợp tác phát triển. 

Thực sự giá trị của em nằm ở việc chia sẻ những nhìn nhận của bản thân. Em có đọc được một số bài báo viết, có lẽ những người này họ đã nghe album “No Nê" rất qua loa. Nghe album, họ chỉ biết về đời tư của bản thân em, nhưng thực sự điều này không đúng. Tư tưởng của em luôn là một người trẻ Việt Nam khi ở Việt Nam nhìn Việt Nam, và khi ra thế giới nhìn thế giới sẽ có thay đổi như thế nào? Rồi mình đã học được những gì? 

Em chỉ muốn chắt lọc lại những điều này. Em muốn album No Nê sẽ trở thành một cuốn nhật ký ghi lại hành trình của một người trẻ Việt Nam, mà không phải chỉ là Suboi. Thời gian thực sự làm album này là 3 năm tính từ lúc bắt tay vào làm. Vì em phải tìm một số nhà sản xuất ở nước ngoài, phải đi New York. Để mà đi được như vậy, em phải kiếm tiền, phải đi hát một số bar, quán bia hay làm một số công việc khác. Em cố gắng làm và dành dụm tiền để qua bên đó, gặp được người làm sản xuất và ngồi trao đổi tại studio cùng họ. 

Có rất nhiều cách để viết một bài hát, nhưng quan trọng mục đích chính của mình khi viết bài nhạc đó là gì. Một bài nhạc cần thời gian để phát triển. Với một số chủ đề, em chưa “sống đủ”, em phải trải qua nhiều kinh nghiệm để viết được bài nhạc đó. Ví dụ, bài “Công" là em viết về tiền, về cách mọi người làm việc với nhau hay cách đối nhân xử thế và cách nhìn nhận của xã hội. Đối với những bài hát này, đôi khi em viết được một khúc hoặc viết một khổ thơ rồi để đó. Hoặc khi em nghe một giai điệu nào đó hay, em sẽ viết lại. Nhưng đến cuối cùng, em cảm thấy mình không viết nhạc chỉ để gieo vần cho nó nghe hay hoặc để chứng tỏ tài năng. Em muốn mình phải nói được thông điệp gì đó nên em chọn cách “ngâm” hơi lâu đến khi nó có đủ cảm xúc và trải nghiệm để hoàn thành rồi mới cho phát hành.

Bài viết này thuộc chuỗi bài Học hỏi từ chuyên gia Suboi - Nghệ sĩ

Bài học 1:  Bạn Cần Làm Gì Khi Tự Làm Sản Phẩm Riêng?

Bài học 2:  Làm sao phát triển sự nghiệp khi đã làm mẹ?