⭐️Cột Mốc⭐️ là chuỗi video podcast 4 tập do Skills Bridge và VietnamWorks hợp tác sản xuất, giúp bạn định hình và chinh phục từng Cột Mốc trong sự nghiệp của mình.
Trong hành trình sự nghiệp của bạn, sẽ có những ngày mọi chuyện rất thuận lợi, và cũng có những ngày mọi thứ khó khăn hơn. Linh nghĩ đây là một điều tốt, vì tại thời điểm đó bạn có cơ hội để dừng lại và ngẫm nghĩ nhiều hơn về những gì mình đã học được. Từ đó bạn sẽ phục hồi lại và chuẩn bị tốt hơn cho những lần sau.
Linh rất hào hứng cùng bạn đến với Cột Mốc thứ 4 - Cột Mốc cuối cùng trong hành trình đánh dấu những bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của tất cả chúng ta, mang tên Những thành tựu đáng tự hào. Đúng là những trải nghiệm trên con đường đi tới Cột Mốc này sẽ không hề dễ dàng. Nhưng 10, 20 năm sau khi nhìn lại như Linh thì bạn sẽ thấy là cảm giác này nó Đau, Đáng, và Không bao giờ đánh đổi.
Khách mời sẽ chia sẻ về chủ đề này cùng Linh và các bạn là chị Chu Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc Tài chính của công ty Navigos Group. Chị Hạnh có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính và hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy chương trình Kế toán Công chứng ACCA. Trước khi đến với Navigos Group, chị Hạnh đã có 6 năm làm việc tại một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất trên thế giới là EY. Chị cũng là người đã đứng sau thành công của quy trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, tài chính của Navigos Group.
Linh mong rằng sau khi tiếp cận với 4 chủ đề của chương trình Cột Mốc, đặc biệt là chủ đề cuối này, hành trình chinh phục Cột Mốc thành tựu trong công việc của bạn sẽ vẫn đáng nhưng bớt đau hơn.
1. THÀNH TỰU TẠO NÊN TỪ NHỮNG “NỖI ĐAU"
Câu hỏi số 1: Để mở đầu cho chủ đề Thành tựu trong sự nghiệp, chị Hạnh có thể chia sẻ một vài thành tựu của chị để mọi người cùng được biết nhé.
Một số Cột Mốc mà mình đã gặt hái được trong quá trình làm việc tại Navigos Group là: (1) Triển khai thành công hệ thống phần mềm kế toán quốc tế, (2) Thực hiện hệ thống kế toán về hoá đơn điện tử ở thời buổi sơ khai chưa có ai làm, (3) Phát triển hệ thống thanh toán điện tử nội bộ, (4) Triển khai robot để nhập liệu hóa đơn đầu vào.
Câu hỏi số 2: Em thấy rất ấn tượng. Vì trong công việc thường rất khó để có thể đạt được một thành tựu. Nhưng chị đã liệt kê ra hàng loạt các thành tựu của mình trong sự nghiệp. Vậy em nhờ chị chia sẻ một vài bí quyết để có thể đạt được nhiều thành tựu liên tiếp trong cùng công ty?
Theo mình bí quyết sẽ xuất phát từ những câu chuyện khó khăn thực tế. Hay mình còn gọi đùa với nhau là những “nỗi đau” phải chịu đựng khi làm việc. Những nỗi đau đó có thể xuất hiện từ những điểm trong quy trình làm việc cần phải cải thiện, hay là những khó khăn mà mình và đồng nghiệp đang gặp phải. Hoặc mình cũng có thể trò chuyện, lắng nghe các bạn để tìm hiểu xem nỗi đau của các bạn ở đâu. Từ những khó khăn phải đối diện, chúng ta sẽ nghĩ về giải pháp để vượt qua nỗi đau đó.
Ví dụ như câu chuyện về hoá đơn điện tử. Ý tưởng đó đến với mình vào năm 2015, xuất phát từ việc các bạn trong phòng ban mỗi ngày phải in hàng trăm tờ hoá đơn, sau đó đóng gói vào bao bì, dán nhãn và gửi đi. Thỉnh thoảng các bạn còn bị khách hàng than phiền vì mất hoá đơn và rất là đau đầu để giải quyết câu chuyện đó. Vậy nên lúc đó mình đã nghĩ đến hoá đơn điện tử.
Câu hỏi số 3: Em nghĩ là bí quyết này rất hay. Vì để có thể đạt được một thành tựu nào đó tự hào, mình phải thực sự tạo ảnh hưởng đến bản thân và những đồng nghiệp.
Vậy chị có thể chia sẻ thêm một chút về cách để nhận ra những khó khăn đó?
Để nhận ra những khó khăn, đầu tiên bạn cần nghĩ về những cải tiến phải thực hiện trong công việc. Điều thứ hai là nghĩ về những khó khăn, vất vả mà mình hoặc các bạn đồng nghiệp cùng gặp phải. Bạn cũng có thể trò chuyện với đồng nghiệp để lắng nghe xem các bạn ấy đang gặp vấn đề ở đâu? Các bạn đang mong muốn điều gì? Và đôi khi, trong khi bạn đang giải quyết một khó khăn thì một khó khăn mới sẽ lại xuất hiện và cứ liên tiếp như vậy.
Câu hỏi số 4: Chị đã chia sẻ là khi mình đang giải quyết một vấn đề, sẽ phát hiện ra thêm những vấn đề khác nữa. Đó là lý do vì sao chị có nhiều thành tựu liên tục như vậy.
Em muốn hỏi thêm là khi nhận thấy một vấn đề, một quy trình cần cải thiện hay một điều gì đó cần làm tốt hơn, phần lớn mọi người sẽ tránh né vì không muốn có thêm công việc. Vậy với chị, chị đã làm những bước cụ thể nào để giải quyết các vấn đề và biến nó thành một Cột Mốc thành tựu của mình?
4 bước để xây dựng nên Cột Mốc thành tựu của mình là: (1) Vẽ giấc mơ > (2) Tự nghiên cứu > (3) Hỏi ý kiến > (4) Tạo ảnh hưởng đội nhóm.
Đầu tiên bạn sẽ phải nhận diện được vấn đề và nghĩ về những lợi ích mình đạt được khi giải quyết được vấn đề đó. Nghĩa là bạn cần nói với chính mình là: Nếu bây giờ giải quyết được khó khăn này thì mình sẽ đạt được điều gì? Mình không nghĩ trước về quy trình, về các bước thực hiện cụ thể, bởi vì đó là một câu chuyện dài và cần nhiều nỗ lực. Nhưng để tạo được động lực thì bạn cần vẽ ra giấc mơ của mình là nếu vượt qua nó bạn sẽ có những lợi ích nào. Giấc mơ đó chính là động lực để thúc đẩy bạn đi về phía trước. Tiếp đó, bạn cũng cần dành thời gian nghiên cứu các giải pháp. Thường ở giai đoạn đầu này, mỗi ngày bạn có thể mất từ 30 phút đến 1 tiếng để tìm hiểu và xây dựng giấc mơ của mình.
Câu hỏi số 5: Em thấy rất thú vị ở chỗ là đầu tiên chúng ta bắt đầu với bản thân. Có nhiều nghiên cứu cho thấy những người thông minh nhất trên giới dù có IQ rất cao nhưng chưa chắc đã thành công. Nguyên nhân là họ không có đủ động lực làm việc. Em đồng ý là mình phải biết cách vẽ giấc mơ của riêng mình và tạo động lực cho bản thân. Bước tiếp theo trong quy trình trên của chị là mình phải nói chuyện với những người khác. Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn không.
Mình sẽ chia sẻ ví dụ về việc triển khai hệ thống phần mềm kế toán quốc tế tại Navigos Group. Thời điểm đó mình có ý tưởng phải thay đổi hệ thống phần mềm của kế toán. Vì lúc đó mình sử dụng một phần mềm kế toán trong nước và nó không đáp ứng được sự phát triển của công việc nên cần phải thay đổi.
Mình đã đưa vào danh sách 3 phần mềm kế toán rồi nghiên cứu về ưu điểm và hạn chế của từng cái. Đồng thời mình cũng nói chuyện với các chuyên gia cung cấp giải pháp phần mềm. Sau thời gian nói chuyện với cả 3 công ty thì gần như là mình đã chọn được một phần mềm rất tâm đắc. Vì phần mềm này vừa giúp giải quyết được những khó khăn trong doanh nghiệp, vừa là một phần mềm chuẩn hóa quốc tế. Bên cạnh đó nó cũng vừa với ngân sách nên gần như 90% là mình chọn rồi.
Nhưng lúc đó mình cũng nghĩ rằng nên chậm lại một chút và tham khảo ý kiến của một người giỏi hơn về phần mềm. Vậy nên mình đã đến gặp anh CTO (Chief Technology Officer - Giám đốc công nghệ) của công ty, trình bày với anh mong muốn và những sự lựa chọn đã có. Anh ấy đồng ý là phần mềm của mình chọn là tốt rồi, phù hợp với ngân sách nữa. Nhưng với chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thì anh thấy là ngôn ngữ của phần mềm này chưa có đủ độ rộng để phát triển thêm những tính năng hiện đại sau này. Và anh ấy đề nghị mình nên cân nhắc một phần mềm khác.
Sau khi nói chuyện với anh, mình nhận ra rằng: về ngôn ngữ lập trình mình hoàn toàn không có kiến thức gì hết. Khi anh CTO nói như vậy nghĩa là anh nhìn thấy trước vấn đề đó. Mình chấp nhận là sẽ bắt đầu lại bằng cách mời chuyên gia về phần mềm từ một công ty mà anh CTO giới thiệu. Sau khi nghe họ trình bày thì mình thấy đúng là độ rộng, độ mở của nó rất lớn và cũng chuẩn hoá. Chính vì sự thay đổi đó mà sau này bộ phận kinh doanh của mình họ cũng triển khai một phần mềm khác là phần mềm quản lý đơn hàng (CRM). Phần mềm này tích hợp được với hệ thống kế toán. Quy trình của nó từ nhận đơn hàng, duyệt đơn hàng đến đưa lên sổ sách kế toán hoàn toàn là tự động hoá.
Câu hỏi số 6: Nghe chị mô tả quy trình như vậy em thấy rất thú vị. Có một câu em thường nói với bản thân là mình chưa biết những gì mình chưa biết. Mình cần phải luôn cố gắng tìm hiểu thêm. Vì trong cái “bong bóng” của bản thân, mình chỉ biết được bấy nhiêu thôi, nhưng vũ trụ này lại rất to lớn. Với chị Hạnh, chị đã bắt đầu với bản thân, sau đó chị nghĩ xong và sẽ đi nói chuyện với đối tác ngoài rồi những lãnh đạo trong công ty. Em thấy những bước này nó rất phù hợp, vì thường các bạn trẻ sẽ nghĩ là khi không biết sẽ đi hỏi sếp. Nhưng vấn đề là làm như vậy sẽ chứng tỏ là bạn thiếu khả năng chủ động, mình không biết cách nghiên cứu.
Với chị, chị đã đi hỏi bên ngoài trước. Chị đã tự nghiên cứu, rồi hỏi các đối tác, sau đó tóm tắt lại thông tin. Đó là cách để chứng tỏ với các lãnh đạo cấp cao là mình có khả năng tự làm. Sau đó em thấy còn thêm một bước nữa là đồng hành. Vì chúng ta không thể thành công nếu đi một mình. Nhờ chị chia sẻ thêm về bước này để mọi người cùng được biết nhé. Cụ thể là khi được lãnh đạo duyệt ý tưởng rồi thì làm thế nào để khuyến khích các bạn trong đội nhóm cùng thực hiện với mình?
Đầu tiên là mình sẽ chia sẻ với các bạn lợi ích khi triển khai giải pháp này. Lợi ích đó không chỉ cho công ty mà còn cho bản thân các bạn khi làm việc. Nghĩa là nó phải giải quyết được nỗi đau của các bạn thì các bạn rất dễ đồng hành cùng mình.
Thứ hai là mình cần dấn thân cùng các bạn để thực hiện. Mình không nên chỉ triển khai giải pháp xong rồi để các bạn tự làm, tự mày mò các bước tiếp theo. Như vậy mọi người sẽ thấy giống như bị “đem con bỏ chợ" và không muốn tiếp tục đi cùng với mình.
Sau đó mình cũng sẽ phải tiếp tục những bước để tạo được niềm tin cho các bạn là những khó khăn chỉ ở trước mắt. Vượt qua những khó khăn này là một tương lai khác nó tươi sáng hơn, thuận tiện hơn, dễ dàng hơn cho các bạn. Việc duy trì niềm tin đó rất quan trọng.
Cảm ơn chị về những ví dụ rất cụ thể. Em xin tóm tắt lại một chút cho các bạn khán giả là: Trong công việc, bạn cần nhận thấy những vấn đề mình có thể giải quyết được. Từ đó bạn không nên né tránh mà phải cố gắng để nắm lấy nó và chuyển nó thành một dự án mà bạn có thể dẫn dắt. Nghĩa là trước khi đề xuất với sếp, bạn phải nghiên cứu với những đối tác ngoài, với những chuyên gia. Sau đó, hãy cấu trúc lại thông tin và vào nói chuyện với sếp: “Đây là những gì em nghiên cứu được. Và em đề xuất dự án mới A, B, hay C này.” Từ đó mình sẽ cố gắng nghiên cứu tiếp rồi triển khai với các đồng nghiệp. Bạn cũng cần đồng hành với mọi người. Bạn cần coi nó như một đứa bé của mình, cần phải nuôi nó từ nhỏ đến lớn. Thì đó là một quy trình để các bạn có những thành tựu trong sự nghiệp
2. TƯ DUY CÔNG NGHỆ
Câu hỏi số 7: Vậy trở lại, em muốn hỏi thêm chị về một chủ đề khác là công nghệ. Gần đây em có đọc được một bài phỏng vấn của chị nói về tư duy công nghệ. Chị mô tả thêm một chút về khái niệm này và cách bạn trẻ có thể sử dụng nó để đạt được những thành tựu trong sự nghiệp của mình nhé.
Cảm ơn Linh. Đó cũng là một chủ đề mình rất thích. Tư duy công nghệ theo mình nghĩ là ý thức nhận thấy rằng công nghệ sẽ có thể giúp ích mình trong công việc. Bất cứ chỗ nào bạn gặp khó khăn, bạn gặp nỗi đau, bạn nghĩ về công nghệ. Hiện tại chúng ta đang nói về thời đại 4.0. Nhưng mình nghĩ rằng thời đại 4.0 này sẽ nhanh chóng bị thay đổi bởi phiên bản 5.0. Trong phiên bản 5.0 sẽ là một mô hình cuộc sống hoàn toàn khác. Ví dụ chúng ta sẽ sống trong không gian ảo. Chúng ta sẽ sống với siêu trí tuệ nhân tạo chẳng hạn. Vậy nên phong cách sống con người trong đó cũng sẽ phải thay đổi.
Chính vì vậy mình nghĩ rằng ngay từ bây giờ các bạn trẻ nên nuôi dưỡng cho mình tư duy công nghệ để có thể bắt kịp tiến độ của tương lai. Bên cạnh đó tư duy công nghệ cũng sẽ giúp bạn nhìn thấy được tương lai trong công việc. Từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nghề, nuôi dưỡng tình yêu với công việc của bạn.
Câu hỏi số 8: Khi nghe chị chia sẻ em thấy có một sự đối lập khá thú vị. Bởi vì chị làm trong lĩnh vực kế toán tài chính, mọi thứ rất là cố định. Mình sẽ thực hiện theo những quy tắc đã thiết lập từ nhiều năm trước. Và mình cứ triển khai theo những quy định đó, phần lớn sẽ không thay đổi. Nhưng với công nghệ nó sẽ khác. Nó sẽ luôn luôn thay đổi. Chị đã rất giỏi khi phối hợp được cả hai điều đó lại.
Vậy chị có lời khuyên nào cho các bạn đang làm tài chính muốn áp dụng tư duy công nghệ trong công việc của mình không?
Trong thời đại hiện nay, người ta hay nói về internet of things (vạn vật internet). Nghĩa là chỗ nào cũng có thể có sự can thiệp của công nghệ. Công nghệ sẽ giúp công việc của các bạn thuận lợi hơn, có lợi nhuận hơn, nhiều tiến triển hơn. Đồng thời nó cũng mang đến nỗi lo là liệu rằng công nghệ có thay thế con người hay không?
Theo mình đọc trong một bài nghiên cứu là công nghệ có thể thay thế 11/15 số công việc của một kế toán đang làm hằng ngày. Ví dụ như mình có thể dùng một vài công nghệ, công nghệ robot, công nghệ blockchain để tự động hoá 11/15 công việc. Nhưng đồng thời công nghệ cũng mở ra những cơ hội mới, như vị trí mới là Digital Accountant.
Với sự thay đổi về công nghệ như vậy thì bạn hãy quan sát những khó khăn, những “nỗi đau” mình gặp phải và xem xem công nghệ có giúp ích được gì không? Và nếu các bạn muốn biết rằng công nghệ thực sự có giúp ích được mình không thì hãy kiên nhẫn tìm hiểu. Bạn cũng đừng ngại phép toán thử và sai. Hôm nay chúng ta thử, chúng ta sai, chúng ta sẽ làm lại. Đừng sợ làm sai rồi mình không dám làm.
Câu hỏi số 9: Em thấy khái niệm này rất hay. Mình phải cố gắng tạo ra những ý tưởng mới. Nhưng em thấy có lúc các bạn trẻ hơi ngại để nói với sếp là: Em sẽ thử cái này, nhưng có khả năng cao là em sẽ làm sai. Nếu bạn trẻ nào trao đổi với chị như vậy, chị sẽ có những lời khuyên nào để họ cố gắng triển khai hết sức. Và mình cũng sẽ chấp nhận là có khả năng bạn ấy không làm tốt quá.
Với những ý tưởng mới, lúc nào cũng sẽ có rủi ro. Khi ở cương vị là một người sếp, mình cần chấp nhận chuyện đó. Mình cần chia sẻ với các bạn một cách cởi mở. Nghĩa là mình sẽ chấp nhận sự sai sót để các bạn không ngại khi trình bày hoặc chia sẻ. Mình cũng sẽ nói với các bạn là: Tất nhiên sẽ thay đổi, sẽ cải tiến nhưng cũng sẽ có rủi ro là nó có thể không đạt được như điều bạn muốn và chị sẵn sàng đón nhận điều đó.
Em thích từ rủi ro. Khi chúng ta đưa khái niệm rủi ro và công thức, có cảm giác như đó là một công việc. Nó không phải là một sự sợ hãi, một cái sai lầm. Vì vậy mình có thể suy nghĩ một cách khoa học hơn, cụ thể từng bước hơn về cách để giảm thiểu rủi ro.
Linh rất đồng cảm với chia sẻ của chị Hạnh là mình phải rất kiên nhẫn trong quá trình chinh phục Cột Mốc thành tựu đáng tự hào này. Vì sao nó là một Cột Mốc đáng tự hào? Vì bạn đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho nó.
Cảm ơn chị Hạnh đã chia sẻ với các bạn và Linh những bài học và câu chuyện thú vị Hôm nay Linh tin rằng các bạn đã học được những cách cụ thể để chinh phục Cột Mốc thành tựu trong sự nghiệp của mình.
Cảm ơn Linh vì buổi trò chuyện ngày hôm nay, khi mình có dịp để chia sẻ với các bạn chặng đường mình đã qua. Mến chúc các bạn luôn duy trì được sự kiên nhẫn, sự mạnh dạn với những phép toán thử và sai. Chúc các bạn luôn duy trì được tư duy công nghệ và lòng yêu nghề của mình để đạt được nhiều thành tựu.
Đây cũng là chủ đề cuối cùng của chuỗi video podcast Cột Mốc. Thay cho lời kết, Linh xin gửi tặng các bạn một câu nói của ông Steve Jobs: “If you really look closely, most overnight successes took a long time.” Tạm dịch là “Nếu nhìn cho thấu suốt thì bạn sẽ thấy rằng phần lớn thành công qua đêm thực chất đều cần rất nhiều thời gian”.
Dù cho bạn đang ở Cột Mốc nào trong sự nghiệp của mình, là công việc đầu tiên, là đang muốn chuyển việc, đổi ngành, là đang cảm thấy vấp ngã, hay vừa chinh phục thêm một thành tựu đáng tự hào, thì hãy luôn tin tưởng và yêu thương bản thân mình. Hành trình sự nghiệp là một con đường dài, hãy tận hưởng từng bước đi của mình. Chúc các bạn thành công.
- Thành tựu to lớn trong công việc sẽ xuất phát từ việc bạn giải quyết được những nỗi đau, khó khăn thực tế của doanh nghiệp.
- 4 bước để xây dựng nên Cột Mốc thành tựu của mình là: Vẽ giấc mơ > Tự nghiên cứu > Hỏi ý kiến > Tạo ảnh hưởng đội nhóm
- Công nghệ sẽ thay thế con người trong một vài lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều công việc mới. Hãy biến công nghệ thành vũ khí giúp bạn chinh phục Cột Mốc thành tựu của mình nhanh hơn.
Mời các bạn cùng đón xem các bài viết tiếp theo của Series Cột Mốc:
⚈ Cột Mốc số 1: Chiến Lược Để Thành Công Trong Công Việc Đầu Tiên?
⚈ Cột Mốc số 2: Làm Thế Nào Để Chuyển Việc, Đổi Ngành Một Cách Chuyên Nghiệp?
⚈ Cột Mốc số 3: Làm Thế Nào Để Giải Quyết Khó Khăn (Của Bạn Và Đồng Nghiệp) Trong Công Việc?