LÀM SAO ĐỂ CẢI THIỆN GIỌNG NÓI KHI THUYẾT TRÌNH?

Làm sao để cải thiện giọng nói khi thuyết trình?

Theo một nghiên cứu của trường Đại học California, trong một bài thuyết trình, có tới 36% thông điệp được truyền tải hiệu quả qua giọng nói. Giống như việc học nhạc cụ, bạn cũng có thể rèn luyện giọng nói của mình để tăng tính thuyết phục trong bất cứ bài phát biểu hay cuộc hội thoại nào. Linh chia sẻ với bạn 3 mẹo để cải thiện yếu tố này.

1) CHÚ Ý TỚI TỐC ĐỘ NÓI VÀ ÂM LƯỢNG

Thật dễ dàng khi bạn muốn đọc lại một câu hoặc đoạn văn trong một cuốn sách. Tuy nhiên, trong một bài thuyết trình trực tiếp, người nghe không thể muốn nghe lại lúc nào cũng được. Ở vị trí là người thuyết trình, bạn cần duy trì tốc độ nói vừa phải, cho phép người nghe có thời gian tiếp thu nội dung. Khi bạn giảm tốc độ nói, giọng nói của bạn sẽ mang nhiều năng lượng và trở nên đáng tin cậy hơn.


Một giọng nói toát lên sự tự tin sẽ khiến lời nói của bạn có sức nặng đối với người nghe. Ngược lại, khi bạn nói quá nhanh với một âm vực lớn, bạn khiến người nghe khó theo dõi, làm giảm sự thuyết phục trong bài thuyết trình của mình.


Ngoài ra, hãy luôn chú ý tới âm lượng khi thuyết trình. Âm lượng tốt nhất khi nói chuyện với bạn bè là 55-60 dB, trong phòng họp là 70 - 75 dB và trên sân khấu là 75 - 80 dB. Để xác định chính xác âm lượng bạn nói đã phù hợp chưa, bạn có thể tải ứng dụng Sound Meter để đo lường.

2) TẬP TRUNG VÀO NHỮNG QUÃNG NGHỈ

Mark Twain đã từng nói: “Sử dụng từ ngữ đúng mang lại hiệu quả nhưng không có từ ngữ nào có sức nặng bằng việc ngừng nghỉ đúng lúc”. Theo nghiên cứu của trường Đại học Colombia, những quãng nghỉ được coi là một phần tự nhiên trong bất kỳ cuộc hội thoại nào. Trong những bài thuyết trình trước đám đông, chúng khiến bài thuyết trình trở nên đáng tin cậy hơn.


Tuy nhiên, lạm dụng việc ngừng nghỉ trong bài thuyết trình sẽ mang tới tác dụng ngược. Bạn có thể dừng lại khi cung cấp một khối lượng thông tin lớn và quan trọng cho người nghe, khi muốn đặt câu hỏi, chuyển slide hay muốn người nghe trở nên tò mò và chú ý hơn. 

3) TẬP CÁC BÀI LUYỆN GIỌNG VÀ GHI ÂM

Giọng nói giống như các cơ bắp trên cơ thể. Như là một kỹ năng, nếu được rèn luyện thường xuyên, chúng sẽ trở nên săn chắc và khoẻ mạnh hơn. Thực tế, nhiều người có giọng nói yếu đã trở thành những người thuyết trình đầy tự tin với giọng nói to, khỏe nhờ nỗ lực rèn luyện. Một bài tập bạn có thể tham khảo là ghi nhớ một bài thơ, đoạn văn, và hãy đọc to nó khi bạn ở một mình, khi đứng trước gương, hay khi đi bộ tập thể dục.


Đừng quên ghi âm lại tất cả những bài tập luyện giọng và nghe lại chúng. Bằng cách đó, bạn có thể phát hiện ra những lỗi sai, điểm yếu, điểm mạnh của bản thân và tiếp tục cải thiện trong những lần luyện giọng tiếp theo.


Dù bạn có trở thành một nhà thuyết trình tài ba hay không, chắc chắn việc luyện tập giọng nói sẽ trở nên hữu ích với bạn trong bất kì tình huống nào, cả trong cuộc sống và công việc. Hãy thường xuyên luyện giọng để luôn tự tin và thành công trình bày ý tưởng, trong các cuộc trò chuyện thường ngày hay thuyết phục người nghe nhé! 🎤