4 Câu Hỏi Bạn Nên Tự Trả Lời Trước Khi Kết Thúc Một Mối Quan Hệ

Không ai bước vào một mối quan hệ với mong muốn rời đi.

Nhưng sự thật là, không phải mối quan hệ nào cũng có thể giữ trọn những kỳ vọng ban đầu. Những điều từng kết nối hai bạn - sự đồng điệu, lý tưởng chung, hay cảm giác thân thuộc - có thể thay đổi theo thời gian, khi mỗi cá nhân không ngừng phát triển, điều chỉnh giá trị sống và nhu cầu cảm xúc của chính mình.

Khi sự đồng điệu không còn được duy trì, việc cố gắng níu giữ một mối quan hệ đã lệch pha có thể tạo ra áp lực tâm lý kéo dài. Sự mâu thuẫn âm ỉ, cảm giác không được thấu hiểu, hoặc đơn giản là khoảng trống ngày càng lớn trong giao tiếp, có thể khiến tinh thần bạn dần trở nên mỏi mệt. Về lâu dài, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cảm xúc cá nhân mà còn làm suy yếu khả năng xây dựng những kết nối lành mạnh trong tương lai.

Vậy làm thế nào để phân biệt giữa giai đoạn bạn cần kiên nhẫn và thời điểm cần dừng lại để không đánh mất chính mình?

Khi đối diện với quyết định khó khăn này, 4 câu hỏi dưới đây sẽ là gợi ý giúp bạn vượt qua màn sương mù của cảm xúc và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Trước khi bạn đọc tiếp…

Những câu hỏi sắp tới không phải để phán xét điều gì đúng hay sai mà là cánh cửa dẫn bạn trở về đối diện với chính mình: bạn đã yêu thế nào, đã cố gắng ra sao, và đang giữ lại điều gì – tình cảm thật sự, hay một hình thức của sợ hãi, của kỳ vọng, của thói quen?
Có thể trong quá trình suy ngẫm, bạn sẽ nhận ra rằng: bạn chưa thực sự nỗ lực theo cách hiệu quả và lành mạnh. Nếu bạn vẫn mong muốn duy trì mối quan hệ này, những câu hỏi sẽ là điểm tựa giúp bạn bắt đầu lại – với một tâm thế chủ động, trưởng thành và có ý thức hơn.
Nhưng cũng có khả năng, khi trả lời một cách trung thực, bạn sẽ thấy rõ rằng: dù đã cố gắng, sự kết nối giữa hai người không còn đủ nền tảng để tiếp tục. Và khi đó, lựa chọn kết thúc như một tiến trình cần thiết – để tôn trọng bản thân, tôn trọng đối phương, và tạo nền tảng cho những mối quan hệ trưởng thành hơn sau này.

Câu hỏi 1: Bạn đã thực sự nỗ lực để cải thiện mối quan hệ này chưa?

Bởi vì điều đầu tiên bạn cần làm khi đối diện với vấn đề là sửa chữa, không phải loại bỏ.
Trước khi đưa ra quyết định, hãy trung thực nhìn lại: bạn đã từng làm gì để thay đổi tình hình? 
(1) Bạn đã thẳng thắn bày tỏ những điều bạn không thoải mái trong mối quan hệ này chưa?
(2) Bạn đã dành thời gian lắng nghe và hiểu quan điểm của đối phương chưa?
(3) Bạn đã sẵn sàng thỏa hiệp trong những vấn đề có thể thỏa hiệp chưa?
(4) Bạn đã tìm kiếm những giải pháp thay thế cho những vấn đề không thể thoả hiệp chưa?

Nếu phần lớn câu trả lời là chưa thì có thể điều bạn cần lúc này chưa phải là rời đi, mà là học cách ở lại một cách trưởng thành hơn. Rất nhiều mối quan hệ đi vào bế tắc, không phải vì thiếu tình yêu thương, mà vì thiếu đi sự thấu hiểu hay vun đắp một cách có ý thức. Điều này không có nghĩa là bạn phải gồng gánh hay chịu đựng đến mức kiệt sức, mà là bạn đã nỗ lực đúng mức, theo cách tử tế và lành mạnh chưa.

Nhà tâm lý học Carl Jung từng nói: "Tất cả mọi thứ khiến bạn khó chịu ở người khác có thể dẫn bạn đến hiểu biết về chính mình." Mọi mối quan hệ đều là tấm gương phản chiếu nội tâm của chính bạn.

Khi thực sự nỗ lực cải thiện, bạn không chỉ đang cố gắng cứu vãn một mối quan hệ mà còn đang học cách hiểu sâu hơn về bản thân mình - về giới hạn của sự kiên nhẫn, khả năng thấu hiểu và về những kỳ vọng tiềm ẩn bạn đặt vào người khác. Vậy nên, quá trình này dù có thành công hay không, đều sẽ giúp bạn phát triển và trưởng thành.

Câu hỏi 2: Mối quan hệ này còn mang lại giá trị tích cực cho cả hai bạn không?

Sự cân bằng tích cực không có nghĩa là không có khó khăn hay thử thách. Nhưng về tổng thể, một mối quan hệ lành mạnh nên là nguồn năng lượng tích cực cho cả hai bên. Khi cân nhắc điều này, hãy nghĩ về:

(1) Liệu cả bạn và đối phương đều được phát triển và trưởng thành thông qua mối quan hệ này hay không?
(2) Hai bạn có thực sự hiểu và đáp ứng nhu cầu của nhau, hay một bên đang hy sinh quá nhiều?
(3) Bạn có cảm thấy đối phương vui vẻ và thoải mái khi ở bên bạn, hay thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi?
(4) Bạn có thấy vui vẻ và thoải mái khi ở bên cạnh đối phương, hay thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi?

Nếu trong quá trình trả lời, bạn nhận ra rằng sự hiện diện của mối quan hệ này không còn là nguồn nuôi dưỡng mà đã trở thành gánh nặng tinh thần cho cả hai – thì đó là một tín hiệu bạn không nên bỏ qua. 

Một mối quan hệ giống như một khoản đầu tư tinh thần và cảm xúc song phương - chỉ bền vững khi cả hai bên đều nhận được "lợi nhuận cảm xúc" tương xứng. Điều này khiến Linh liên tưởng đến một khái niệm thú vị của nhà triết học Martin Buber là "I-Thou" (Tôi-Bạn) - nghĩa là mối quan hệ đích thực phải dựa trên sự tôn trọng tính chủ thể của cả hai bên.

Khi một bên không còn phát triển được trong mối quan hệ, việc tiếp tục duy trì nó có thể là một hình thức vô tình biến đối phương thành công cụ đáp ứng nhu cầu cảm xúc của mình. Nhà tâm lý học Esther Perel từng nói: "Mối quan hệ tốt nhất là nơi cả hai người đều cảm thấy họ đang nhận được nhiều hơn những gì họ bỏ ra." Vậy nên một cách tinh tế, tình yêu thực sự đôi khi thể hiện qua việc đủ can đảm để buông tay khi biết rằng đó là điều tốt nhất cho cả hai.

Câu hỏi 3: Những vấn đề trong mối quan hệ này có thể thay đổi được không?

Không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết. Đặc biệt là một số xung đột xuất phát từ những khác biệt căn bản về giá trị, tính cách hoặc mục tiêu sống. Và bạn cũng cần nhớ rằng, thay đổi thực sự phải đến từ nội tại và cần có thời gian. Nếu bạn chỉ liên tục hy vọng người kia sẽ thay đổi mà không thấy bất kỳ dấu hiệu nào, có lẽ đó là dấu hiệu của một mối quan hệ khó có thể cải thiện.

(1) Vấn đề chính trong mối quan hệ này là gì? Đó là vấn đề hành vi (có thể thay đổi) hay vấn đề về giá trị cốt lõi, tính cách (khó thay đổi)?
(2) Bạn đã thấy bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào (từ bạn và đối phương) trong thời gian qua chưa?
(3) Cả hai bạn có thực sự muốn thay đổi để cải thiện mối quan hệ không?
(4) Nếu đối phương không bao giờ thay đổi những điểm khiến bạn không hài lòng, liệu bạn có thể chấp nhận những điểm đó không?

Nếu những điều khiến bạn trăn trở cứ lặp lại, dù bạn đã góp ý và bày tỏ với sự chân thành, thì có lẽ điều bạn cần nhìn lại không phải là người kia, mà là kỳ vọng của chính mình. Không phải khác biệt nào cũng cần cố gắng hòa hợp. Một số khác biệt tồn tại chỉ để nhắc nhở bạn rằng: có những ranh giới không thể thoả hiệp.

Chúng ta thường rơi vào trạng thái là có niềm tin rằng mình có thể thay đổi người khác, khi có đủ tình yêu, sự kiên nhẫn hoặc nỗ lực. Trên thực tế, điều này rất hiếm khi xảy ra. Nhà văn Maya Angelou từng nói: "Khi ai đó cho bạn thấy họ là ai, hãy tin họ ngay từ lần đầu tiên." Thay vì cố gắng thay đổi người khác, hãy tập trung vào việc thay đổi góc nhìn và phản ứng của bạn.

Câu hỏi 4: Bạn đang duy trì mối quan hệ này vì lý do lành mạnh hay không lành mạnh?

Con người thường duy trì các mối quan hệ vì nhiều lý do và…không phải lúc nào cũng lành mạnh. Sự quen thuộc đôi khi tạo ra cảm giác an toàn giả, không nên là lý do duy nhất để duy trì một mối quan hệ. Những lý do như nghĩa vụ, áp lực xã hội, hay nỗi sợ cô đơn cũng có thể khiến bạn bám víu vào những mối quan hệ đã hết thời hạn. 

(1) Nếu không có áp lực xã hội, cảm giác có lỗi hay nỗi sợ hãi cá nhân, liệu bạn có muốn giữ mối quan hệ này không?
(2) Bạn có đang ở lại vì đã đầu tư quá nhiều thời gian, công sức và cảm xúc vào mối quan hệ này rồi?
(3) Liệu bạn có đang tự thuyết phục mình rằng "có một mối quan hệ dù không lành mạnh còn hơn là không có gì"?

Nếu lý do khiến bạn còn ở lại bắt nguồn từ cảm giác có lỗi, sợ hãi mất mát, hay nỗi quen thuộc đã in sâu, thì điều bạn cần đối diện không phải là “người kia” – mà là mối quan hệ giữa bạn với chính mình. Khi một mối quan hệ không còn được duy trì bởi sự tự nguyện mà bởi sự gắng gượng, thì việc dừng lại không phải là kết thúc, mà là một khởi đầu của sự phục hồi.

Chúng ta thường mắc phải "sai lầm chi phí chìm" trong các mối quan hệ. Nghĩa là có xu hướng tiếp tục đầu tư vào thứ gì đó chỉ vì đã đầu tư quá nhiều trong quá khứ, dù biết rằng điều đó không còn hiệu quả.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman cũng đã giải thích rằng nỗi đau về mất mát thường mạnh hơn niềm vui thu về được - nghĩa là chúng ta thường sợ mất đi một mối quan hệ (dù không tốt) hơn là vui vẻ tin vào khả năng tìm thấy điều tốt đẹp mới. Nhận thức được những thiên kiến tâm lý này sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ ràng hơn về lý do thực sự khiến bạn bám víu vào một mối quan hệ.

Lời kết: Hãy biết rõ vì sao mình không thể ở lại!

Khi đối diện với quyết định buông bỏ một mối quan hệ, nhiều bạn sẽ tập trung vào câu hỏi "Mình có nên rời đi không?" Nhưng câu hỏi mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và trung thực hơn là: "Vì sao mình không thể ở lại?”

Biết rõ lý do mình không thể tiếp tục một mối quan hệ là chìa khóa để khép lại một mối quan hệ trong sự bình an và trưởng thành, thay vì buồn bã hay hối tiếc. Đó là sự khác biệt giữa việc chạy trốn và việc tiến về phía trước. Lúc này, bạn sẽ rời đi với những bài học thay vì những vết thương.

Mỗi người đến trong cuộc đời bạn đều mang theo một bài học, và khi bài học đó đã hoàn thành, việc rời đi là một phần tự nhiên của chu trình sống. Kết thúc một mối quan hệ với sự hiểu biết sâu sắc là một hành động của lòng dũng cảm, sự tự tôn trọng, và thậm chí là của tình yêu thương dành cho bản thân và đối phương. Khi bạn khép lại một cánh cửa với sự bình an, bạn sẽ ngạc nhiên trước những cánh cửa mới mà vũ trụ sẽ mở ra cho bạn.


Viết bởi

Có hơn 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tiếp thị và vận hành. Những nội dung của Thái Vân Linh cung cấp các công cụ và cảm hứng nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam thăng tiến trong công việc và khám phá trọn vẹn tiềm năng của mình.