2 Điểm Mù Tư Duy Khiến Bạn Càng Làm Việc Càng Đứng Yên (Và Cách Tháo Gỡ)

Bạn có thể lái xe rất tốt - nhưng nếu dùng bản đồ sai, bạn chỉ đang đi lạc một cách thành thạo.

Trong công việc cũng vậy. Rất nhiều người thông minh, chăm chỉ, có kỹ năng vững vàng hay kinh nghiệm dày dặn, nhưng rồi vẫn có lúc cảm thấy mình đang chững lại. Không phải vì thiếu nỗ lực, mà vì đang mắc kẹt trong những lối tư duy cũ mà bản thân chưa kịp nhận ra. Những điểm mù đó sẽ không lớn tiếng cản đường bạn. Chúng chỉ âm thầm kéo bạn quay vòng trong một hệ thống quen thuộc, nơi mọi cố gắng dường như không đưa bạn đến đâu cả.

Vậy nên, xây dựng tư duy đúng cũng giống như cập nhật định vị GPS - không giúp bạn đi nhanh hơn ngay lập tức, nhưng giúp bạn tránh rẽ sai đường, tránh quay vòng những chỗ không cần thiết.

Trong bài viết này, Linh sẽ chia sẻ với bạn hai điểm mù tư duy phổ biến nhất đang âm thầm giữ chân rất nhiều người có năng lực. Và quan trọng hơn, là cách tháo gỡ chúng một cách thực tế, để bạn không chỉ làm việc chăm chỉ - mà còn thật sự tiến về phía mình mong muốn.

Không phải kỹ năng nào cũng có thể học kịp trước mỗi thay đổi. Nhưng thay đổi cách nghĩ thì luôn có thể bắt đầu ngay.

Điểm Mù Tư Duy 1: Nhầm Lẫn Giữa Chuyển Động Và Hành Động

Bạn có bao giờ kết thúc một ngày làm việc thật bận rộn, nhưng khi nhìn lại thì chẳng rõ mình đã hoàn thành điều gì chưa?
Theo nghiên cứu từ Đại học California, trung bình sau khi bị gián đoạn, nhân viên mất đến hơn 25 phút để tập trung lại vào nhiệm vụ ban đầu. Như vậy nếu bạn bị gián đoạn càng nhiều lần, số thời gian không hiệu suất sẽ theo đó tăng lên đáng kể.
Mặt khác, sự bận rộn dễ được ngầm xem (hay hiểu lầm) là dấu hiệu của năng suất. Nhưng sự thật là: mọi “chuyển động” của bạn không đồng nghĩa với “hành động” có giá trị.
(1) Kinh tế học của sự tập trung trong thời đại phân tâm
Cal Newport, tác giả của "Deep Work", lập luận rằng trong khi phần lớn công việc văn phòng trở nên dễ tự động hóa, khả năng tập trung sâu vào các vấn đề phức tạp sẽ trở thành siêu năng lực trong tương lai.
Những người thành công nhất hiểu rõ tầm quan trọng của sự tập trung, nên thường có thói quen chủ động tạo ra cách để bảo vệ thời gian suy nghĩ của mình. Ví dụ, Bill Gates thường dành ra hai "Tuần suy nghĩ" mỗi năm, cách ly bản thân khỏi mọi sự gián đoạn để tập trung suy ngẫm. Warren Buffett thì luôn giữ cho lịch làm việc thật trống để có nhiều thời gian xem xét các vấn đề chiến lược một cách thấu đáo.
(2) Sự khác biệt giữa năng suất và đầu ra
Sự khác biệt quan trọng giữa người thực sự hiệu quả và người chỉ bận rộn là cách họ đánh giá một ngày thành công.
Trong môi trường công việc hiện đại, bận rộn thường được xem là dấu hiệu của năng suất. Việc có mặt liên tục, phản hồi nhanh, tham gia nhiều cuộc họp hay làm việc ngoài giờ dễ trở thành chỉ báo cho sự cam kết và cống hiến. Tuy nhiên, cách nhìn này đôi khi khiến giá trị thực sự của công việc – tức là kết quả tạo ra – trở nên khó đo lường rõ ràng hơn. Trong một số trường hợp, người làm việc hiệu quả và hoàn thành nhanh có thể được “thưởng” thêm việc, trong khi người mất nhiều thời gian hơn lại được ghi nhận là “luôn có việc để làm”. 
Peter Drucker – người được xem là cha đẻ của quản trị hiện đại – đã cảnh báo từ rất sớm về sự nhầm lẫn giữa hoạt động bận rộn và năng suất. Ông gọi đây là “bẫy hiệu quả”: khi một tổ chức ngày càng giỏi trong việc thực thi những việc không thật sự mang lại giá trị.
Người bận rộn nhìn vào số lượng việc đã hoàn thành - email đã trả lời, cuộc họp đã tham dự, tác vụ đã xử lý. Người hiệu quả thực sự hỏi một câu hỏi khác: "Tôi đã đóng góp giá trị gì hôm nay?"
Người làm việc bằng tư duy đóng góp hiểu rằng không phải mọi giờ làm việc đều có giá trị như nhau. Một giờ xử lý email thường tạo ra ít giá trị hơn nhiều so với một giờ giải quyết vấn đề chiến lược quan trọng. Điều đó có nghĩa là, bạn cần ưu tiên những hoạt động có tác động lớn nhất đến kết quả cuối cùng, không phải những hoạt động tạo ra cảm giác bận rộn giả tạo.
Để tháo gỡ điều này, hãy tìm hiểu về cách: Làm Thế Nào Để Làm Việc Thông Minh Thay Vì Bận Rộn?

Điểm Mù Tư Duy 2: Nhầm Lẫn Giữa Tài Năng Bẩm Sinh Và Nỗ Lực Bền Bỉ

Bạn có từng câu nói này từ ai đó (hay chính bạn): “Mình không có năng khiếu trong việc đó nên mình không làm được đâu”?

Nghe quen đúng không? Nhưng sự thật là: không phải người có năng khiếu thiên bẩm – mà là người kiên trì nhất sẽ đi xa nhất.

Nghiên cứu về sự chuyên môn hóa của Anders Ericsson đã chứng minh rằng không có cái gọi là "tài năng thuần túy (pure talent)" - mà chỉ có sự nỗ lực có mục đích được duy trì trong thời gian dài. Ông và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng 10 năm hoặc 10.000 giờ thực hành có chủ đích cho một nhiệm vụ sẽ dẫn đến sự xuất sắc. Dưới đây là 3 yếu tố có thể lý giải cho điều này:

(1) Sự đánh lừa của tốc độ tiến bộ ban đầu

Những người có khả năng bẩm sinh thường tiến bộ nhanh chóng trong giai đoạn đầu, tạo ra “ảo giác” về tài năng vượt trội. Tuy nhiên, họ thường bỏ cuộc khi đối mặt với "bức tường" đầu tiên - thời điểm khó khăn hay sự tiến bộ chậm lại đáng kể. Ngược lại, nếu bạn không tiến bộ nhanh ban đầu nhưng có kỷ luật cao, bạn sẽ vượt qua “bức tường” này và đạt đến trình độ thành thạo thực sự.

Bài học quan trọng ở đây là đừng đánh giá tiềm năng dài hạn của bạn dựa trên tốc độ tiến bộ ban đầu. Thành công trong sự nghiệp không phải là một cuộc đua nước rút - đó là một cuộc marathon kéo dài hàng thập kỷ.

(2) Hiệu ứng lãi kép của sự nhất quán

Hầu hết mọi người đánh giá thấp sức mạnh của những cải thiện nhỏ được lặp đi lặp lại hàng ngày, và thay vào đó đi tìm kiếm những đột phá lớn. Nhưng thực tế, những đột phá lớn thường là kết quả tích lũy của hàng trăm cải tiến nhỏ không đáng chú ý.

Einstein gọi lãi kép là "lực mạnh nhất trong vũ trụ." Nguyên tắc này không chỉ đúng trong đầu tư tài chính mà còn có thể áp dụng trong phát triển sự nghiệp. Theo đó, nếu bạn duy trì phát triển chỉ 1% kỹ năng nào đó mỗi ngày, bạn sẽ giỏi kỹ năng hơn 37 lần sau một năm. Nếu bạn đọc 20 trang sách mỗi ngày, bạn sẽ đọc được hơn 7,000 trang (khoảng 30 cuốn sách) mỗi năm.

(3) Điểm mù của thời đại Digital 

Chúng ta dễ dàng nhìn thấy trên mạng xã hội và truyền thông những "khoảnh khắc đỉnh cao" như: chiến thắng Olympic, một bàn thắng phạt đền đẹp mắt hay một bài phát biểu viral. Ngược lại, quá trình chuẩn bị âm thầm phía sau - vốn kéo dài hàng nghìn giờ lại khó mà quan sát chi tiết. Sự mất cân bằng này có thể khiến người xem - nếu không nhìn nhận kỹ sẽ dễ hình dung con đường đến thành công như một chuỗi bước nhảy vọt, thay vì một quá trình tích lũy bền bỉ. 

Trên thực tế, phần lớn các thành tựu lớn đều được xây dựng từ thời gian dài kiên trì và phát triển âm thầm. Khả năng duy trì nỗ lực khi chưa có kết quả rõ ràng là yếu tố thường thấy ở những cá nhân đạt được thành công bền vững, hơn là chỉ dựa vào yếu tố ngắn hạn hay nổi bật nhất thời.

Lời Kết

Thay đổi tư duy không phải là chuyện một sớm một chiều. Hãy bắt đầu từ việc dám nhìn lại, dám đặt câu hỏi, và quan trọng nhất - dám chọn một cách nghĩ khác với thói quen cũ.

Không phải ai cũng có cơ hội học đủ kỹ năng, gặp đúng người dẫn dắt, làm đúng việc từ đầu. Nhưng ai cũng có thể bắt đầu bằng cách nghĩ khác đi – nhìn lại điều mình đang theo đuổi, cách mình đang làm, và lý do thật sự phía sau mỗi lựa chọn.

Không có hành trình phát triển nào thẳng tắp. Ai cũng có lúc thấy mình chậm lại, hoang mang, hay nghi ngờ chính mình. Vậy nên nếu bạn đang ở một đoạn đường mà mọi thứ có vẻ chậm lại, hoặc quay vòng – đừng vội kết luận mình không đủ giỏi. Có thể bạn không cần tăng tốc, bạn chỉ cần đổi hướng.

Và điều tốt là: bạn không cần phải biết hết mọi câu trả lời mới được bước tiếp. Bạn chỉ cần một tư duy đủ mở để học, và đủ vững vàng để không lặp lại những lối mòn cũ.

Vì khi tư duy đúng, bạn không cần phải chạy nhanh hơn ai cả. Bạn chỉ cần chắc rằng mình đang tiến về đúng phía – phía của chính mình.


Viết bởi

Có hơn 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tiếp thị và vận hành. Những nội dung của Thái Vân Linh cung cấp các công cụ và cảm hứng nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam thăng tiến trong công việc và khám phá trọn vẹn tiềm năng của mình.