Để gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực xuất phát từ chính bản thân là điều không dễ dàng. Nó có thể còn khó hơn khi bạn phải đối mặt với sự tiêu cực từ những người xung quanh. Nếu muốn chăm sóc tốt cho khu vườn tâm hồn của mình, bạn cần học cách tránh xa cũng như vô hiệu hóa những ảnh hưởng tiêu cực từ người khác. Dưới đây là một vài cách mà bạn có thể tham khảo. 🕵

1) NẾU ĐÓ LÀ NHỮNG CÂU NÓI TIÊU CỰC NHẰM VÀO CÁ NHÂN KHÁC

Nếu bạn bè hay người thân thiết của bạn chia sẻ một câu chuyện tiêu cực về bên thứ ba, việc đầu tiên bạn có thể làm là lắng nghe để họ có cơ hội giải tỏa. Sau đó, hãy tìm cơ hội thay đổi chủ đề, chuyển hướng cuộc trò chuyện sang một điều gì đó nhẹ nhàng hơn.


Một điều cần lưu ý là chúng ta không nên cho phép bản thân đắm chìm vào vòng xoáy tiêu cực khi nghe người khác kể những điều không tốt về ai đó. Bạn cần duy trì khoảng cách về mặt cảm xúc, tránh tranh cãi về lý do vì sao người đó không cần phải trở nên tiêu cực về người khác. Vì với một tâm trạng tiêu cực, mọi người thường rất khó để có thể suy nghĩ logic. Những lúc đó, thay vì cố gắng khiến họ nhận ra sự tiêu cực của mình và khiến họ cảm thấy mình đang chống đối họ, bạn nên cố gắng đưa ra câu trả lời vô thưởng vô phạt như "À, tôi cũng không rõ lắm" và tránh đi.

2) NẾU ĐÓ LÀ LỜI GÓP Ý THẲNG THẮN ĐỂ BẠN NHẬN RA THIẾU SÓT VÀ TRỞ NÊN TỐT HƠN

Có một câu nói rất hay của Albert Einstein: "Quyết định quan trọng nhất mà chúng ta phải đưa ra là liệu chúng ta đang sống trong một vũ trụ thân thiện hay thù địch". Điều đó có nghĩa là, khi bạn quyết định là vũ trụ mà mình đang sống là thân thiện, bạn sẽ có cách nhìn cởi mở và phản ứng tích cực hơn với tất cả các vấn đề.


Ví dụ, khi đồng nghiệp hoặc người quản lý đưa ra ý kiến ​​khác với bạn. Có một cách để củng cố ý kiến ​​của bạn là nghe những gì họ không đồng tình và giải thích tại sao họ nghĩ ý kiến của họ khả thi hơn. Khi bạn nhận ra rằng đó là những lời góp ý chứ không phải là chỉ trích thì bạn sẽ cảm thấy tốt hơn.

3) NẾU NGƯỜI ĐÓ CHỈ ĐANG MUỐN CÔNG KÍCH BẠN

Bạn không thể kiểm soát được 100% những điều xảy ra xung quanh nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chủ được cách bạn phản ứng trong mọi hoàn cảnh. Để làm được điều đó, bạn cần rèn luyện khả năng giữ bình tĩnh, lạc quan trước những công kích tiêu cực.


Khi có người nào đó cố ý công kích hay kiểm soát chúng ta bằng sự tiêu cực. Việc đầu tiên bạn nên làm là tự hỏi bản thân: Nó có đáng để tức giận không? Đây có phải là điều đáng để những người xung quanh thấy bạn mất bình tĩnh và sự chuyên nghiệp không? Khi bạn đã suy nghĩ thấu đáo, câu trả lời sẽ thường là không.


Để làm được điều này, bạn cần nhận thức rõ cảm xúc bên trong mình và cho bản thân thêm thời gian để điều chỉnh hành vi mà không bị cảm xúc chi phối. Ví dụ, nếu bạn biết mình có thể dễ bực bội và mất bình tĩnh khi xảy ra mâu thuẫn, hãy lùi lại một chút và nhớ là bạn đang ở nơi làm việc và phải duy trì sự chuyên nghiệp của mình. Nổi giận và tham gia vào một cuộc tranh cãi với đồng nghiệp khác để chứng minh họ sai chỉ làm bạn mất đi sự tôn trọng của các đồng nghiệp khác và thậm chí tệ hơn là của sếp của bạn. Thay vì tức giận với đồng nghiệp khi nghĩ rằng họ đang cố tình công kích thì bạn nên im lặng và trả lời họ một cách bình tĩnh.


Nhưng nếu sự bất đồng vẫn tiếp tục, hãy rời khỏi đó một cách lịch sự để cho tình hình bớt căng thẳng. Bạn có thể nói rằng: “Tôi hiểu những gì bạn đang chia sẻ, hãy cho tôi thời gian để xem xét lại”. Hoặc tìm lý do để đi chỗ khác như đi lấy ly nước hoặc vào toilet. Thời gian này sẽ cho cả hai bình tĩnh trở lại. Bạn có thể đọc thêm chủ đề Làm Sao Để Kiểm Soát Sự Tức Giận ở công ty tại đây.


Hy vọng một số mẹo mà Linh đã chia sẻ có thể giúp các bạn tránh đi những cảm xúc tiêu cực bởi những tác nhân bên ngoài. Linh tin rằng khi bạn biết cách xử lý tình huống tốt hơn và giữ cho mình thái độ tích cực để phát triển bản thân, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để tập trung vào việc học hỏi và thành công trong cuộc sống. ⭐