3 PHƯƠNG PHÁP HỌC CHỦ ĐỘNG GIÚP TĂNG KHẢ NĂNG GHI NHỚ ĐẾN 90%

3 phương pháp học chủ động giúp tăng khả năng ghi nhớ đến 90%

Học tập chủ động nghĩa là người học tích cực tham gia và tự mình làm chủ quá trình tiếp thu kiến thức. Tuần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 3 phương pháp học chủ động và cách áp dụng nó để giúp tăng khả năng ghi nhớ của bạn lên đến 90%. 🧠

1) HỌC QUA THẢO LUẬN NHÓM - KHẢ NĂNG GHI NHỚ 50%

Thảo luận nhóm là quá trình bàn bạc, trao đổi ý kiến của các thành viên để tìm hiểu, đánh giá, phân tích và xử lý vấn đề cụ thể. Đây là cơ hội giúp bạn nói lên quan điểm và bảo vệ ý kiến cá nhân.


Để chuẩn bị tốt cho việc thảo luận nhóm, bạn cần đọc hiểu, tìm kiếm thông tin, và suy nghĩ sâu về vấn đề thảo luận. Dựa trên những kiến thức vừa nghiên cứu, bạn cần kết nối nó với kinh nghiệm cá nhân để đưa ra lý lẽ thuyết phục. Tuy vậy, đừng để cảm xúc cá nhân lấn át trong lúc trao đổi. Từng thành viên trong nhóm với sự đa dạng về tính cách, kinh nghiệm, niềm tin, và quan điểm sống sẽ giúp bạn tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn đa chiều và rộng mở hơn.

2) HỌC QUA TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ - KHẢ NĂNG GHI NHỚ 75%

Một định nghĩa của quá trình này là “học thông qua việc tự suy ngẫm và đánh giá khi thực hành”. Bạn phải thực sự nghĩ sâu về nội dung vừa học, nhúng tay vào làm nó, và gặp vấn đề đủ để bạn trăn trở với nó. Nghĩa là bạn cần áp dụng những kiến thức sách vở vào thực tế để biến hiểu biết của người khác thành kinh nghiệm mới của mình. Trong quá trình này, nếu bạn chưa bao giờ mắc lỗi thì có khả năng là nội dung học chưa đủ khó hay thách thức với bạn. Điều quan trọng khi áp dụng phương pháp này là bạn cần kiên trì luyện tập, chấp nhận thất bại như một phần của hành trình, và không ngừng học hỏi từ nó để cải tiến quy trình.

3) HỌC QUA VIỆC DẠY CHO NGƯỜI KHÁC - KHẢ NĂNG GHI NHỚ 90%

Trong mô hình kim tự tháp học tập, phương pháp học giúp ghi nhớ lâu nhất chính là sau khi tiếp thu kiến thức học được, bạn phải biết cách giải thích nội dung đó một cách dễ hiểu theo ngôn ngữ của mình cho người khác. Muốn vậy, chính bạn phải hiểu rõ tường tận vấn đề đó. Nó có đôi chút áp lực nhưng cũng là động lực để bạn đào sâu vấn đề mình đang nghiên cứu.


Bạn sẽ diễn giải vấn đề này như thế nào cho một học sinh tiểu học? Người nghe có thể có những câu hỏi nào khi lắng nghe bài giảng của bạn?


Để luyện tập phương pháp này, bạn có thể:

📍 Chủ động trình bày một chủ đề thú vị bạn vừa học với những người xung quanh.

📍 Tập viết blog chia sẻ kiến thức của bạn. Nó có thể bắt đầu đơn giản như viết một bài tóm tắt hay đánh giá nội dung một chương sách hay bộ phim bạn vừa xem.

📍 Xung phong làm người hướng dẫn (mentor) cho nhân viên mới.

Bạn có thể tham khảo thêm 4 Cách Học Thụ Động phổ biến tại đây. Cuộc sống có rất nhiều điều mới mẻ. Hãy học hỏi mỗi ngày để không chỉ nâng cao kiến thức, năng lực cá nhân mà còn khiến bản thân chúng ta luôn trẻ trung, thú vị dù đang ở bất kì độ tuổi nào nhé! 📖

Mời bạn xem các bài viết liên quan

7 Lời Nhắn Từ Linh Đến Các Bố Mẹ Du Lịch Cùng Trẻ Nhỏ
7 Lời Nhắn Từ Linh Đến Các Bố Mẹ Du Lịch Cùng Trẻ Nhỏ
Làm Sao Biết Bạn Có Rất Nhiều Điểm Mạnh?
Làm Sao Biết Bạn Có Rất Nhiều Điểm Mạnh?
Tại Sao Tức Giận Là Một Cảm Xúc Thứ Cấp?
TẠI SAO TỨC GIẬN LÀ MỘT CẢM XÚC THỨ CẤP?