LÀM CHỦ 4 PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP THỤ ĐỘNG GIÚP TĂNG KHẢ NĂNG GHI NHỚ

Làm chủ 4 phương pháp học tập thụ động giúp tăng khả năng ghi nhớ

Gần đây Linh đọc được một bài viết thú vị, ví việc học thụ động là khi người học bước vào khóa học với tâm trí như chiếc bình rỗng để được lấp đầy kiến ​​thức; còn học chủ động là môi trường mà bạn học cách cấu trúc thông tin mới và kiến thức đã có thành kiến thức mới và thực hành cách sử dụng chúng. Mô hình Kim tự tháp học tập chia sẻ bốn phương pháp học tập thụ động và ba cách học chủ động với mức độ ghi nhớ khác nhau.

Tuần này, chúng ta hãy cùng bàn về những mẹo giúp bạn làm chủ bốn phương pháp học tập thụ động phổ biến.

1) HỌC BẰNG VIỆC NGHE CÁC BÀI GIẢNG - KHẢ NĂNG GHI NHỚ 5% 👂

Theo Tiến sĩ Joshua D. Guilar, hoạt động nghe chiếm tới 53% trong số các hoạt động trên lớp gồm nghe, nói, đọc, viết. Ở phương pháp học này, bạn sẽ cần tham gia các lớp học và chỉ nghe bài giảng từ thầy cô.


Bạn có thể nâng cao khả năng ghi nhớ bằng cách lắng nghe chủ động hơn. Hãy đọc trước bài giảng để nắm nội dung chính. Trong khi lắng nghe, bạn cần giữ sự tập trung cao độ và kết hợp với các phương pháp ghi chép khoa học để có thể ghi nhớ kiến thức tốt hơn tại đây.

2) HỌC QUA VIỆC ĐỌC - KHẢ NĂNG GHI NHỚ 10% 👁

Duy trì thói quen đọc thường xuyên sẽ giúp bạn nâng cao năng lực, trí tuệ, khả năng ngôn ngữ và hùng biện. Tuy nhiên trong thực tế, bạn chỉ có thể ghi nhớ khoảng 10% những gì bạn đọc được sau thời gian dài.


Bạn cần rèn cho mình tư duy của một người đọc tích cực và có tinh thần phản biện. Khi đọc, bạn không nên chỉ thụ động tiếp nhận toàn bộ kiến thức trong sách vở mà hãy sử dụng sơ đồ tư duy để kết nối các kiến thức mới với những điều mình đã biết trước đây hoặc những kinh nghiệm mình đã có trong cuộc sống. Từ đó, bạn sẽ có sự so sánh, phản biện, mở rộng hoặc đào sâu các tầng ý nghĩa của thông tin cho riêng mình và vận dụng tốt hơn vào thực tế.

3) HỌC QUA AUDIO HOẶC XEM VIDEO - KHẢ NĂNG GHI NHỚ 20%  🎬

Việc nghe audio, sách nói, podcast, hoặc xem các bài học trên Youtube và các nền tảng học trực tuyến đang ngày càng phổ biến vì nó tận dụng được sự phát triển của công nghệ, tiết kiệm chi phí, và giúp bạn chủ động sắp xếp thời gian học tối ưu. Linh thường nghe podcast hoặc sách nói trong lúc đánh răng, làm việc nhà, hoặc khi đang tập thể dục. Youtube cũng là kênh yêu thích của Linh để cập nhật kiến thức và nghe những chia sẻ từ các chuyên gia.


Để nâng cao khả năng ghi nhớ kiến thức, bạn cần học cách ghi chú những ý chính hoặc đánh dấu đoạn mà bạn yêu thích trong lúc nghe audio hoặc xem video để tiện tra cứu về sau. Đừng quên dành thời gian tóm tắt nhanh nội dung bạn học được như một cách ôn tập lại kiến thức sau khi học.

4) HỌC QUA VIỆC ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC HƯỚNG DẪN - KHẢ NĂNG GHI NHỚ 30% 👩‍🏫

Đây là cấp độ cao nhất của phương pháp học thụ động. Nếu có một người cố vấn trực tiếp hướng dẫn hay làm mẫu, bạn sẽ ghi nhớ nhiều hơn đáng kể so với việc chỉ nghe, đọc hay xem video về nó. Đó là nhờ có sự trao đổi hai chiều, kết hợp với việc bạn được nghe nhìn trực tiếp và thực hành nó.


Bí kíp để thông thạo phương pháp này là bạn cần tập trung chú ý khi được hướng dẫn, sau đó áp dụng lại quy trình, và phải đặt câu hỏi ngay nếu chưa hiểu. Sau khi đã thực hành thành thạo, bạn hãy nghiên cứu và đưa ra các giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết vấn đề. Nhờ đó, bạn sẽ hiểu sâu hơn, ghi nhớ tốt hơn, và có thể tự mình thực hiện nó một cách dễ dàng hơn trong những lần tiếp theo.


Không phải cứ có tên “thụ động” thì hoàn toàn tiêu cực, mỗi cách học tập đều có ưu điểm và mẹo riêng để bạn có thể chủ động vận dụng cho phù hợp. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về 3 Phương Pháp Học Chủ Động Giúp Tăng Khả Năng Ghi Nhớ Đến 90% những gì đã học. 🧠