Theo khảo sát, 90% nhà lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Microsoft, Google cho rằng sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc, kể cả những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu. Việc rèn luyện các kỹ năng nền tảng là bước đầu tiên giúp bạn thành công trong sự nghiệp. Dưới đây là 3 kỹ năng cơ bản mà bạn nên luyện tập thường xuyên. 🎯

1) TƯ DUY PHÂN TÍCH

Là quá trình phân tích và đánh giá thông tin đã có dưới một góc nhìn khác, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của một vấn đề. Trong công việc, điều đó có nghĩa là bạn có thể áp dụng kỹ năng này để có thể tự mình tạo ra các sản phẩm, báo cáo, dự án chất lượng.


Việc rèn luyện tư duy phân tích sẽ giúp bạn tạo ra kết quả làm việc tốt hơn. Nó sẽ giúp tăng độ tín nhiệm của bạn trong mắt đồng nghiệp, người quản lý, từ đó bạn sẽ được giao những dự án lớn hơn hay được đề bạt lên các vị trí cao hơn. Muốn như vậy, bạn cần sẵn sàng học hỏi và luôn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng công việc để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Khi muốn hỏi người khác về một vấn đề, hãy đảm bảo bạn có ít nhất 2 phương án đề xuất để giải quyết nó để họ có thể góp ý thêm và biết rằng bạn đã thật sự tìm hiểu về chủ đề đang được hỏi.

2) KỸ NĂNG TỰ NHẬN THỨC BẢN THÂN

Là khả năng quan sát và nhận thức được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chính bạn. Nói cách khác, khi tự nhận thức bản thân, bạn hiểu rõ “bạn là ai”, “điều gì đang thúc đẩy bạn”, bao gồm cả điểm mạnh, điểm yếu, hệ thống niềm tin và cảm xúc của mình.


Bạn nên đầu tư thời gian rèn luyện kỹ năng này càng sớm càng tốt, nhất là trong những năm độ tuổi 20, khi bạn bắt đầu bước chân vào con đường sự nghiệp và cuộc sống tự lập. Nhận thức bản thân là một kỹ năng quan trọng bởi vì nếu bạn chỉ tập trung vào làm các nhiệm vụ mà không hiểu rõ mong muốn của bản thân thì bạn không thể tiến xa hơn, người hướng dẫn hay quản lý của bạn cũng sẽ không thể hướng dẫn hay hỗ trợ bạn đạt được mục tiêu của mình. Khi hiểu bản thân, bạn sẽ tự vẽ ra con đường sự nghiệp của riêng mình và xác định hướng đi đúng đắn trên con đường đó.


Để làm được điều này, bạn cần có thời gian nói chuyện, suy ngẫm với chính bản thân để hiểu mong muốn, mục tiêu trong cuộc sống của mình. Hãy dành ra 30 phút mỗi tuần cho riêng mình với các hoạt động như đọc sách, tự nghiên cứu hay viết lách để ghi lại những trải nghiệm, cảm xúc của bạn và được học hỏi, truyền cảm hứng từ chia sẻ của người khác.

3) KỸ NĂNG GIAO TIẾP

Nhiều bạn trẻ thường cảm thấy rụt rè, không biết cách để nói chuyện với người quản lý hay trình bày quan điểm của mình. Điều đó tạo ra một rào cản lớn khiến bạn mất cơ hội thăng tiến bởi dù bạn có nhiều ý tưởng đến đâu mà không diễn đạt chúng rõ ràng, bạn cũng không thể thuyết phục người khác nghe theo ý kiến của mình.


Cách duy nhất để cải thiện kỹ năng giao tiếp chính là kiên trì luyện tập, chấp nhận lỗi sai, và tìm cách cải thiện sau mỗi lần thất bại. Bên cạnh đó, trước mỗi buổi họp hay làm việc nhóm, hãy nghiên cứu kỹ càng về nội dung của buổi họp bằng cách tra cứu các tài liệu liên quan, tìm kiếm trên Google, Youtube để có thể đưa ra thông tin góp ý hữu ích hay hỏi những câu hỏi có ý nghĩa. Hãy nhớ, đừng hỏi những câu hỏi quá cơ bản mà bạn có thể dễ dàng tìm câu trả lời trên Google.

Ngoài ra thì ngôn ngữ cơ thể cũng là yếu tố giúp bạn giao tiếp hiệu quả. Bạn có thể tham khảo thêm về chủ đề này tại bài viết 2 Cách Sử Dụng Ngôn Ngữ Cơ Thể Để Giao Tiếp Tự Tin


Bạn sẽ không biết những điều bạn không bao giờ tìm hiểu. Để làm chủ được các kỹ năng cần thiết giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp, hãy luôn đón nhận mọi tình huống bằng năng lượng, lòng nhiệt tình, và một tâm trí tò mò khát khao được phát triển, được mở rộng kiến thức. 🧠

Ăn trưa cùng Linh Ep.15: 3 kỹ năng nền tảng giúp thăng tiến trong sự nghiệp


Ăn trưa cùng Linh Ep.15
3 kỹ năng nền tảng giúp thăng tiến trong sự nghiệp

Mời bạn xem các bài viết liên quan

Top 10 Kỹ Năng Có Nhu Cầu Tăng Cao Trong Thời Đại AI
Top 10 Kỹ Năng Có Nhu Cầu Tăng Cao Trong Thời Đại AI
3 Đặc Điểm Của Nhiệm Vụ Có Thể Tự Động Hoá Bởi AI
3 Đặc Điểm Của Nhiệm Vụ Có Thể Tự Động Hoá Bởi AI
Nhà Tuyển Dụng Mong Đợi Gì Khi Hỏi Về Điểm Yếu Của Bạn?
Nhà Tuyển Dụng Mong Đợi Gì Khi Hỏi Về Điểm Yếu Của Bạn?