Brainstorming được hiểu là “bão não” hay “cơn bão ý tưởng”. Nguyên tắc thực hiện căn bản của brainstorming là mỗi thành viên trong nhóm được khuyến khích tìm ra càng nhiều ý tưởng càng tốt trong một khoảng thời gian cụ thể. Sau đó, cả nhóm sẽ cùng đánh giá các ý tưởng và rút ra giải pháp sáng tạo để thực thi nó.
Áp dụng brainstorming mang lại nhiều lợi ích như: tận dụng được năng lực sáng tạo của đội nhóm, tạo điều kiện cho mọi người mở rộng tư duy, tăng tinh thần làm việc tập thể, và đặc biệt tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Linh sẽ giới thiệu ba phương pháp brainstorming có thể bạn chưa biết:

1) PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN VIẾT (BRAINWRITING)

Brainwriting là phương pháp khuyến khích sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhóm (bao gồm cả những người trầm tính hoặc thành viên có suy nghĩ thận trọng), đồng thời giúp giảm thiểu sự cố chấp và thành kiến cá nhân. Phương pháp này có quy trình thực hiện rất đơn giản:


a. Đầu tiên, mọi người im lặng ghi xuống danh sách các ý tưởng của mình một mảnh giấy ẩn danh trong khoảng 15 phút hoặc ít nhất 3 – 5 ý tưởng. Cách này đảm bảo mọi người được tự do sáng tạo mà không sợ bị phán xét.

b. Sau 15 phút, mỗi người chuyển tờ giấy của mình cho người bên cạnh để họ bổ sung và mở rộng những ý tưởng đó. Các bạn hãy tiếp tục chuyển các tờ giấy cho đến khi chúng đi hết vòng tròn. Sau khi hoàn thành, người chủ trì sẽ chia sẻ tất cả các ý tưởng trên bảng để mọi người cũng thảo luận, đánh giá.

2) PHƯƠNG PHÁP BRAINSTORMING NGƯỢC

Đây là kỹ thuật kết hợp brainstorming với tư duy phản biện, đảo ngược vấn đề. Phương pháp này nhằm giúp các thành viên trong nhóm đưa ra những ý tưởng ngược lại với những gì đang được đề xuất, từ đó mở rộng khả năng của brainstorming để đưa ra những giải pháp sáng tạo tiềm năng hơn nữa. Đây là một cách hay thường được áp dụng trong trường hợp gặp khó khăn hay hạn chế trong việc đưa ra câu trả lời xuôi chiều, trực tiếp.


⚉ Bước 1: Xác định rõ vấn đề, thách thức đang gặp phải và viết nó xuống một tờ giấy hoặc trên một tấm bảng.

⚉ Bước 2: Tiến hành đảo ngược vấn đề bằng các câu hỏi như “Làm thế nào để tạo ra các kết quả, phản ứng ngược lại?”.

⚉ Bước 3: Brainstorm giải quyết vấn đề ngược để tạo ra các giải pháp ngược. Ở bước này, bạn hãy để các ý tưởng sáng tạo được tự do phát triển mà không có bất kỳ giới hạn nào.

⚉ Bước 4: Sau khi “bão não” tất cả ý tưởng có thể để giải quyết vấn đề ngược, bạn hãy đảo ngược chúng cho các giải pháp, thách thức ban đầu.

3) PHƯƠNG PHÁP 6 CHIẾC MŨ TƯ DUY

Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy giúp bạn đánh giá sự việc từ nhiều góc nhìn để đưa ra quyết định tốt hơn. Theo đó, trưởng nhóm sẽ lần lượt chia thời gian giới hạn (thường tối đa 5 phút) để mọi người lần lượt “đội” từng chiếc mũ màu tương đương với từng góc độ tiếp cận vấn đề khác nhau.


💠 Mũ trắng – Trung lập và khách quan: Xử lý thông tin cần thiết, đánh giá vấn đề khách quan trên dữ kiện có sẵn.

💠 Mũ đỏ - Cảm xúc và trực giác: Đánh giá vấn đề dựa trên trực giác và cảm xúc.

💠 Mũ vàng - Tích cực và lạc quan: Nêu lên những suy nghĩ, quan điểm tích cực, lạc quan về vấn đề.

💠 Mũ đen – Thận trọng và tiêu cực: Tiên lượng các tình huống xấu, tiêu cực có thể xảy ra.

💠 Mũ xanh lá cây - Tư duy sáng tạo: Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp mới để giải quyết vấn đề.

💠 Mũ xanh biển – Điều khiển và tổ chức: Điều khiển quá trình brainstorming, tổng hợp, đánh giá các ý kiến và đưa ra phương án giải quyết cuối cùng.


“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Bạn và đội nhóm hãy lựa chọn phương pháp brainstorming một cách phù hợp, linh hoạt nhất để tăng năng suất và hiệu quả công việc nhé!