Bạn có bao giờ cảm thấy mệt mỏi nhưng vẫn phải "gồng lên" vì sợ con nhìn thấy?


Đó là câu hỏi mà hầu hết các Bố mẹ đều không muốn trả lời thẳng thắn. Nhưng thật ra, đôi khi sự yếu đuối chính là điều con trẻ cần thấy. Vì không phải lúc nào Bố mẹ cũng phải là “người hùng” – đôi khi, chỉ cần làm “người thật” là đủ. Để con cái hiểu rằng bố mẹ cũng có những lúc buồn bã, mệt mỏi hay cần được yêu thương, đó chính là bài học lớn về sự cảm thông và gia đình.


Vậy, làm sao để dạy con từ những khoảnh khắc tưởng như yếu đuối ấy? Tiếp nối cuộc trò chuyện với Anh Trần Hùng Thiện, chúng ta sẽ cùng khám phá: Bố mẹ có thể yếu đuối đến đâu trước mặt các con mà vẫn là điểm tựa mạnh mẽ nhất.

Xem đầy đủ tập 02

Xem đầy đủ tập 02


Câu hỏi số 5: Linh sẽ trở lại chủ đề nam tính với quan điểm về cách dạy con. Theo Thiện thì nam tính là như thế nào?

Linh hỏi sai người rồi, Thiện không tự nhận mình là nam tính và cũng không biết là may hay là trời thương, Thiện không được trải nghiệm có con trai. Nếu mà bây giờ Thiện có con trai thì không biết dạy con kiểu gì. Khi xưa lúc mình còn bé thì mình nghĩ nam tính là phải cực kỳ cao, to, vạm vỡ.


Cho nên khi Thiện nhìn lại mình thì thấy chẳng nam tính gì cả. Đó là điều đầu tiên thay đổi theo thời gian. Sau khi lớn hơn một chút thì mình nghĩ nam tính là người phải cực kỳ giỏi giang, phải nuôi nấng được cả gia đình. Một tay là xã hội, một tay là gia đình. Mọi thứ đều phải chu toàn hết. Bằng cách nào đó mình mang đến cho các con, vợ, mẹ của mình, các chị em gái trong gia đình cảm giác an tâm.


Cảm giác an tâm đó là gì? Mẹ sẽ cảm thấy yên tâm nếu như mình cho mẹ thấy rằng gia đình của mình đang ổn. Vợ sẽ cảm thấy yên tâm nếu như vợ thấy được rằng mình là một người cha tốt, sẵn lòng dạy dỗ các con. Các con sẽ cảm thấy mình nam tính nếu như mình luôn luôn ở đó cùng với các con trong những lúc các con cần. Cho nên chuyện rửa chén, nấu cơm từ lâu thường bị kêu là: “Sao đàn ông mà làm mấy việc đấy”.


Nhưng bây giờ Thiện rất ngưỡng mộ. Khi đến một gia đình người bạn chơi chẳng hạn, chồng của bạn mà đang rửa chén, nấu cơm. "Ok, this is the man", đây là người đàn ông đích thực. Thiện rất thích những cảnh như thế. Đương nhiên là không quá đáng đến nỗi chồng suốt ngày cứ rửa chén, nấu cơm, nhưng những lúc như vậy là những lúc họ thể hiện sự nam tính. Người ta không biết mắc cỡ, người ta không nói là "tôi chỉ ráng khi nào kiếm tiền xong thì tôi sẽ dạy dỗ cho con chữ a, chữ b, chữ c chứ tôi không nấu cơm, tôi không rửa chén". Điều đó không phù hợp với phạm trù riêng của Thiện.


Quay trở lại câu hỏi của chị Linh rằng nam tính là như thế nào. Thiện cho rằng định nghĩa này có sự thay đổi theo thời gian. Bây giờ Thiện nghĩ nam tính nghĩa là làm tất cả mọi thứ để cho gia đình mình hạnh phúc, cả gia đình nhỏ và gia đình lớn.

Linh nhớ lại một bộ phim khá hài hước. Trong phim đó người cha đi làm cả ngày. Trước khi bước vào nhà, anh ấy đứng ở ngoài và rất hồi hộp. Anh bắt đầu hít thở để cho mình phấn khởi lên. Mỗi ngày phải suy nghĩ ra một cái điều gì đó mới để cho các con vui khi gặp được anh.


Có thể là đem pizza về, hoặc là những món đồ chơi. Có một đêm, anh làm cả ngày mệt quá, về tới nhà quên không mang cái gì cả. Sau đó thì cũng phải bước vào nhà. Khi bước vào, các bé cũng chào hỏi anh ấy với sự phấn khởi như là những đêm trước. Anh ấy nói: "Ủa vậy thôi hả? Chỉ cần bước vô phòng là mọi người phấn khởi rồi hả?". Lúc đó anh hỏi lại các con thì các bé chỉ trả lời là con không muốn ba làm gì cả, con chỉ muốn ba ngồi ở đây với chúng con.


Linh cho rằng điều đó rất hay, bởi vì thực sự là phụ huynh không nhất thiết phải có nhiều tiền, phải mua nhiều thứ cho con. Con chỉ muốn cha ở đó với con.

Thiện cũng hơi lăn tăn về chuyện đó. Cuộc sống của mình đôi khi rất thuận lợi nhưng đôi khi lại rất không thuận lợi. Đôi khi mình tự hỏi là chuyện không thuận lợi này có ảnh hưởng tới con mình không? Nhưng khi đã quan sát đủ lâu thì thấy rằng con mình sẽ rất hạnh phúc, chỉ cần có mình ở đó hoặc là cảm giác được mình ở đó thôi.


Còn về vật chất, tinh thần, đồ chơi, chỉ là những thứ phụ thôi. Việc con có một món đồ chơi với chuyện mình dành thời gian cho con để chơi, chỉ dành thời gian cho nhau thôi, gần như là hạnh phúc ngang nhau. Thậm chí việc mình ở đó chơi với con còn hạnh phúc hơn rất nhiều so với việc con có đồ chơi hoặc con có iPad do Thiện đã thử rồi.


Có khi Thiện cảm thấy cực kỳ bất an vì ngày hôm đó mình quá bận. Mình cứ ngồi làm việc suốt. Ba bạn không có ai chơi nên buộc phải xem tivi thôi. Thiện đã nghĩ là : “Chết rồi, mình như thế là không ổn, con mình đang xem tivi, đang rất mê tivi, con nghiện thì làm sao?” Cho nên Thiện quyết định đứng lên 15 phút, 20 phút thôi cũng được, bỏ hết và đi ngang qua phòng các bạn đang xem tivi. Thiện hỏi: "Ai muốn chơi với ba nè?"


Mình nghĩ rằng các bạn sẽ đáp: "Không, tụi con đang coi tivi". Nhưng không, cả ba bạn đều ngay lập tức nhảy lên kêu: "Yeah, được chơi rồi!". Khoảnh khắc đó giống như khoảnh khắc mà người cha đi về mà không mang cái gì và sợ rằng con mình không vui. Đó là điều làm Thiện nhận ra rằng con cần ba mẹ hơn tất cả mọi thứ trên đời này. Ít nhất là cho đến bây giờ, khi các con vẫn còn nhỏ.


Thiện nghe kể rất nhiều ví dụ trước đó rằng khi con còn nhỏ và khi con đến tuổi vị thành niên sẽ có sự khác biệt. Nhưng không sao, bây giờ mình vẫn cảm thấy ổn với chuyện này. Thiện có nhiều kỹ năng để làm các bạn hạnh phúc khi từ trường trở về. Ví dụ như mình đứng trốn rồi bất ngờ hù các con. Nhiều trò rất nhỏ thôi, không mang tính vật chất, nhưng các bạn thấy thú vị và đón nhận những trò đó với mình.


Mình cảm thấy không cần gì nhiều đâu, chỉ cần mỗi ngày một chút. Đặc biệt là đừng cho các bạn kỳ vọng vì sẽ rất nguy hiểm. Kỳ vọng theo kiểu hôm nay có cái này, ngày mai có cái kia, ngày mốt có cái nọ thì rất nguy hiểm cho cả cha cả con, đặc biệt là với các bạn sau này. Đừng nên đặt lịch trình hôm nay phải như thế này, ngày mai phải như thế kia vì sẽ rất khó cho tương lai của mình.


Câu hỏi số 6: Với Thiện, Thiện nghĩ như thế nào về việc mình dạy các bé gái của mình một cách dịu dàng nói chung hay mình nên cứng rắn với các bé một tí để các bé có thói quen đó? 

Có lẽ chị Linh không có trải nghiệm tốt với việc hù dọa, nhưng mà các con của Thiện thì lại rất thích việc hù dọa.


Thiện rất rõ ràng trong chuyện an toàn và không an toàn. Hù thì không gây ảnh hưởng tới sự an toàn, cho nên Thiện cứ hù và các con vẫn thích thú, không sao cả. Nhưng Thiện nói rất rõ với các con là không bao giờ được đùa trong hồ bơi. Bởi vì nghĩ thử xem khi con đùa với người khác trong hồ bơi và người ta không biết bơi như mình thì chuyện gì xảy ra? Mình không kiểm soát được.


Cho nên đứa nào đi vào hồ bơi mà bắt đầu nghịch nước, kéo nhau xuống là Thiện kêu: "Không, không bao giờ được làm như vậy". Hay quy tắc thứ hai về an toàn, nếu các con không có việc ở trong bếp, đừng bao giờ vào bếp. Muốn mẹ lấy cho con cái này, làm cho con cái kia, muốn ba làm cho con cái nọ thì nói chuyện với ba. Đừng bao giờ bước vào bếp.


Nhiều khi chỉ là văng một ít dầu thôi cũng nguy hiểm. Vào một buổi sáng gần đây, Thiện nói với mẹ của mình: "Mẹ không nên cho các bé bước vào bếp khi mẹ đang nấu ăn". Đây là những điều rất rõ ràng vì Thiện rất rạch ròi trong chuyện việc nào ảnh hưởng tới sự an toàn của con, cho dù bị chê là yếu đuối hay bánh bèo thì Thiện vẫn sẽ cấm tuyệt đối.


Ngược lại, có những việc tuy hơi mạnh bạo nhưng không có nguy cơ về sự an toàn thì Thiện sẽ cho con chơi, đó là quan điểm của Thiện.


Trò chơi là một phần, nhưng mình cư xử với bé theo kiểu nếu mình lỡ đẩy mạnh tay mà bé vẫn vui vẻ thì mình cứ đẩy. Chuyện này cũng giống như khi mình chơi vui với bé thì mình ôm bé.


Hai việc này hơi khác một chút. Không nhất định phải được như thế này hay được như thế kia. Ví dụ như Thiện có chia sẻ với chị Linh rằng con thứ hai của Thiện rất mạnh về thể chất. Con luôn muốn xô muốn đẩy một thứ gì đó. Miễn là con không la hét, khóc lóc ồn ào về chuyện bị xô đẩy là ổn. Còn nếu con bị xô, cho dù con không đau mà vẫn khóc lóc ồn ào thì sau này không được phép chơi nữa.

Trở lại với định nghĩa về nam tính của Thiện. Hiện tại, Thiện cho rằng quan điểm của mình đã thay đổi qua thời gian bởi những trải nghiệm trưởng thành. Linh cũng nhớ khi còn trẻ, mình đã có những định kiến về nam tính do xã hội và truyền thông tạo ra.


Nói tiếp về định nghĩa nam tính, đối với Thiện thì nam giới nên linh hoạt. Điều này có thể bị đánh giá là hơi yếu đuối tùy vào góc nhìn mỗi người. Nhưng khi nghĩ lại, Linh nhận ra rằng mình chưa bao giờ thấy mẹ yếu đuối khi mình còn nhỏ.


Linh nhớ lại suốt 18 năm sống với cha mẹ thì chỉ thấy mẹ bị bệnh một lần. Lần đó, mẹ chỉ khó chịu vào buổi tối hôm trước và sáng hôm sau thì không có vấn đề gì nữa.


Lúc nhỏ, Linh không bao giờ nghĩ tại sao mẹ không bị bệnh. Đến bây giờ, khi mình trở thành phụ huynh và các bé bắt đầu đi học. Trẻ nhỏ thì thường hay bị lây bệnh. Mỗi quý, Linh sẽ bị bệnh ít nhất một lần. Lúc trước, mình từng không bị bệnh trong suốt 10 năm, nhưng hiện tại cứ mỗi quý mình lại đổ bệnh hai, ba lần.


Mỗi lần ốm, Linh thường sốt và có lúc phải nằm hai, ba ngày mới hết. Vào những thời điểm đó, Linh phải cân nhắc rằng liệu mình có nên đứng dậy và giả vờ như không có gì để các bé không thấy mình bệnh, hay mình cứ bình thường? Linh nghĩ mình nên cho các bé thấy rằng mình cũng là con người, cũng có lúc yếu đuối, có thể bệnh và phải nằm nghỉ cả ngày. Và các bé sẽ phải chăm sóc cho Linh, như lấy đồ ăn hoặc nước cho mẹ.


Câu hỏi số 7: Không biết Thiện có bao giờ cho con thấy mình yếu đuối, mệt mỏi hay buồn bã không?

Có, trong những lúc đó thì Thiện không kiểm soát được và Thiện sẽ không gồng lên. Thiện sẽ kể ba câu chuyện nhỏ để minh họa cho điều này.


Câu chuyện đầu tiên là khi Thiện nhận được tin không hay từ ba. Ông đã qua đời vào một buổi chiều. Sau đó một thời gian, Thiện lại nhận được tin không hay từ mẹ vì mẹ bị bệnh nặng. Thiện đã khóc ngay lập tức, mình không kiểm soát được. Thay vì theo lẽ thường mình phải đi đâu đó mình khóc hoặc cố gắng không khóc. Nhưng lúc đó Thiện cứ khóc mãi thôi vì đó là ba mẹ của mình.


Các bạn nhìn thấy và không nói năng gì vì các bạn còn quá nhỏ để có thể nói hoặc làm gì đó cho mình. Nhưng sau này khi các bạn lớn lên, có nhiều lúc Thiện ngồi thẫn thờ một mình do nhớ ba. Lúc đó, các bạn sẽ đến và hỏi: "Ba nhớ ông nội hả?"


Mình rất cảm động với câu hỏi đó vì các bạn đã thấu hiểu nỗi nhớ của mình dành cho ba, người mà cũng là ông nội của các bạn. Mình trả lời: "Đúng rồi, ba đang nhớ ông nội đấy". Sau đó, các bạn rời đi và để cho mình một không gian riêng.


Câu chuyện thứ hai là về nhiều lần Thiện bị bệnh. Do công việc vất vả nên giống như chị Linh, khiến cho cơ thể không nghe lệnh của mình là chuyện rất thường xảy ra. Những lần bệnh ấy không nặng lắm, chỉ là cảm sốt, mệt mỏi, thiếu ngủ và nhức đầu.


Nhân tiện, vợ Thiện rất tinh tế về chuyện đó. Những lúc như vậy, vợ sẽ để các con rời đi và không ở bên mình để đòi hỏi như bình thường nữa. Ví dụ như các bạn không yêu cầu mình phải làm điều này điều kia, hay chơi với các bạn. Điều đó cho thấy Thiện không cần phải cố gắng gồng lên làm gì. Bởi vì khi gồng lên, Thiện sẽ càng mệt, mà các bạn cũng không vì thế mà vui hơn. Đôi khi, nếu tình huống ngược lại xảy ra với mình thì mình sẽ cáu gắt và bắt các con phải chơi cùng.


Câu chuyện thứ ba, có rất nhiều lúc các bạn hỏi mình: “Ba ổn không?”. Không biết chị Linh có nghe về sự cố trên mạng xã hội của Thiện cách đây hai, ba tuần không? Khi trên Facebook có một tiếng ồn rất lớn về một status mà Thiện đã viết. Thiện đã bị chỉ trích rất nhiều, rất rất nhiều trên đó. Thiện thực sự không ổn chút nào.


Nhưng Thiện không chia sẻ với các bạn về chuyện đó vì các bạn còn quá nhỏ để hiểu những chuyện xã hội như thế này. Tuy nhiên, cảm giác không ổn của mình thì không thể giấu được, thật sự là không thể. Mình trở nên trầm ngâm hơn, ít chơi với các bạn hơn bình thường. Bằng cách nào đó, các bạn cũng cảm nhận được và để mình yên.


Sau đó, mẹ của các bạn đã tâm sự với các bạn về chuyện ba đang gặp phải. Khi Thiện đang ngồi làm việc, ba bạn bật khóc và chạy đến ôm mình hỏi: “Ba ổn không?”. Mình không biết nói sao, chỉ ngạc nhiên hỏi tại sao các con hỏi vậy và tại sao các con khóc. Các con trả lời rằng các con thương ba quá, biết ba đang chịu đựng chuyện này và hỏi liệu ba đã ổn chưa.


Mình nói với các con rằng ba đang dần ổn, ba đang xin lỗi mọi người và mọi người đang dần chấp nhận lời xin lỗi của ba. Ba vui rồi, không sao đâu. Mình rất trân quý những khoảnh khắc như vậy vì chúng giúp các bạn hiểu rằng không phải lúc nào cũng cần gồng lên hay luôn luôn mạnh mẽ. Con người ai cũng có những lúc yếu đuối.


Điều lớn lao quan trọng nhất là những lúc yếu đuối, mệt mỏi như vậy, mình rất cần người thân hiểu mình. Hiểu mình ở đây theo kiểu khi nào cần để mình một mình thì hãy để tự mình vượt qua, và khi nào cần phải lắng nghe, chăm sóc để mình cảm thấy có người bên cạnh. Các bạn ấy đang đi theo đúng hướng mà Thiện rất mong đợi.


Những khi mình thấy mệt, không cần đến các bạn, không muốn bị quấy rầy thì các bạn sẽ để mình một mình. Còn khi cần phải ra tay nghĩa hiệp, hỏi han chăm sóc ba, thì các bạn làm rất tốt theo hướng mà mình mong đợi. Cho nên, rút ra là: Chúng ta không cần phải gồng mình lên quá nhiều.


Cảm ơn tiNiWorld - Khu vui chơi Giáo - Trí hàng đầu Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình

Khám phá thêm về hành trình mang đến nụ cười và ký ức tuyệt vời cho hàng triệu trẻ em Việt Nam tại đây

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 02

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 02


ĐỌC THÊM

Về các khách mời khác trong chương trình tại đây
Yêu Thương Thì Bao Giờ Cũng Tốt Hơn Là Ghét Nhau
Con Cái Sẽ Kỳ Vọng Điều Gì Trong Mối Quan Hệ Với Bố Mẹ?
Phiên Bản Trước Đây Hay Phiên Bản Hiện Tại Sẽ Khiến Bạn Hạnh Phúc Hơn?