Bạn có bao giờ tự hỏi vai trò của người bố quan trọng đến mức nào trong việc nuôi dạy con gái?
Trong tập 2 của Bố Mẹ Đi Làm, Linh đã có cuộc trò chuyện thú vị với một người bố của 3 bé gái, là Anh Trần Hùng Thiện - Founder tại GCOMM. Qua từng câu chuyện từ vui nhộn đến lắng đọng, anh Thiện đã chia sẻ hết sức chân thật về hành trình làm ba đầy nỗ lực của mình.
Tình yêu của người ba đôi khi sẽ không hiện diện một cách rõ rệt và thường xuyên như của mẹ. Song Linh tin rằng tình yêu đó vẫn luôn tồn tại theo những cách thật khác nhau, một cách đong đầy.
Có nhiều cách để mỗi người bố có thể yêu thương con gái mình, giúp các bé trở nên mạnh mẽ, tự tin và bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Nếu bạn cũng đang nuôi dạy con gái hoặc quan tâm đến việc làm thế nào để trở thành một người cha người mẹ tốt hơn, Linh tin đây sẽ là một cuộc trò chuyện mà bạn không muốn bỏ lỡ.
Xem đầy đủ tập 02
Xem đầy đủ tập 02
Câu hỏi số 1: Với Linh, vai trò người cha là một chủ đề Linh suy nghĩ rất nhiều, vì hiện nay có rất nhiều người nói về “Trao quyền cho phụ nữ”. Khái niệm này khi Linh còn bé, còn trẻ, rất ít người nói tới. Giờ đây, khi làm phụ huynh trong thế hệ mới, mình cũng nên tập trung vào cách để cho bé gái có thể tự tin hơn. Có nhiều nghiên cứu cho thấy người mẹ quan trọng nhưng thật ra người bố càng quan trọng hơn. Thiện nghĩ thế nào về khái niệm này?
Cá nhân Thiện thấy rằng người bố đóng vai trò quan trọng trong nhiều việc khác nhau. Ví dụ như trong việc sinh em bé, chắc chắn vai trò của người bố không quan trọng bằng người mẹ. Ngược lại, về một số mặt khác, có ba thứ mà Thiện thấy cực kỳ quan trọng:
(1) Thứ nhất là giáo dục cho con cái nói chung, không riêng gì bé trai hay bé gái. Thiện không có trải nghiệm nuôi con trai nên không dám nhận xét nhiều. Nhưng đặc biệt đối với các bé gái, vai trò của người cha trong việc giúp con phát triển sự mạnh mẽ và tự tin theo thời gian là vô cùng quan trọng.
(2) Thứ hai là dạy cho con bản lĩnh. Về bản lĩnh, người mẹ có thể sẽ không bằng người ba trong việc giúp con hiểu làm thế nào để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, cùng với những thử thách gai góc cần thiết.
(3) Và thứ ba, cực kỳ quan trọng là về mặt tình cảm. Bởi vì đôi khi, quan hệ giữa mẹ và con có thể bị quá tình cảm hoặc bị thiếu tình cảm. Hai thái cực này thường rất cực đoan. Người ba sẽ cố gắng tìm cách cân bằng. Ba có lúc đóng vai trò cứng rắn hơn, nhưng cũng có lúc mềm mỏng hơn khi cần.
Câu hỏi số 2: Có những bạn nữ lớn lên trong gia đình bố mẹ quá chiều chuộng, xem bạn ấy như công chúa, bạn ấy có thể sẽ trở nên hư hỏng. Bạn ấy nghĩ là mình muốn làm gì cũng được. Vì thế, bạn ấy kỳ vọng mọi thứ phải diễn ra theo ý mình. Khi gặp người đàn ông nào, bạn ấy cũng mong đợi người đó phải chiều mình. Điều này nghe có vẻ là không nên. Bởi vì trong cuộc sống, mình không thể muốn tất cả mọi việc đều theo ý mình.
Nhưng Linh thấy các bạn nữ đó khi tìm được chồng thì người đó thường rất hiền và chịu đựng. Họ rất yêu thương bạn bởi vì bạn nữ đó đã yêu cầu như vậy và không chấp nhận những cách đối xử khác. Điều này có phải bắt đầu từ việc khi còn nhỏ, phụ huynh đã nuông chiều con gái quá mức hay không? Thiện nghĩ như thế nào về việc đó?
Thiện nghĩ cái gì cũng vậy thôi, khi cực đoan thì nó đều không ổn. Sẽ có một cái cực đoan khi mà bé gái được cả ba và mẹ, hoặc là một trong hai người chiều đến mức "Ok tôi không chấp nhận cái này hay tôi muốn cái kia" đều được hết.
Và loại cực đoan còn lại là ba mẹ không chiều chuộng như vậy. Con phải tự làm thế này, tự làm thế kia. Thiện thấy đều không ổn hết. Bởi vì như tình huống giả định ở trên là bạn nữ đó rất may mắn tìm được hạnh phúc, được chồng yêu thương và chiều chuộng. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều trường hợp thôi. Xác suất để nhận được sự hạnh phúc đó, để lấy được người chồng chiều chuộng như cách ba mẹ của bạn ấy chiều chuộng, Thiện tin là nó không cao. Nhiều khả năng là sẽ không có sự vững bền trong mối quan hệ. Cho nên Thiện theo trường phái linh hoạt, cái gì tốt thì mình làm, cái không tốt thì mình nên tránh. Điều gì quá cực đoan thì đều rất không ổn.
Trước đây Thiện đã từng rất mềm. Mềm theo kiểu nhắc con phải ăn uống, phải ngủ đúng giờ, đúng giấc. Cho đến khi người bạn đời và Thiện đều thấy khổ vì chuyện này. Tự mình thấy sao mình phải cực như vậy? Một người bạn nói với Thiện một câu mà Thiện nhớ đến tận bây giờ: “Ông ơi, con ông nó không chết đói đâu mà lo”. Câu đó rất quan trọng. Chỉ đói một buổi thôi mà. Đói một ngày cũng còn được nữa, huống chi chỉ là một buổi ở nhà.
Hai con gái lớn của Thiện, đứa đầu thì tốt chuyện này, dở chuyện kia. Đứa thứ hai thì lại làm tốt chuyện chị Hai làm không được và rất dở chuyện chị Hai làm tốt. Nói về việc ăn uống, thì chị Hai ăn nhanh gọn lẹ và đúng như phép tắc giao tiếp của mình là ăn gọn trong miệng, không phát ra tiếng ồn. Cho nên những khi mà bạn Út bạn ăn không tốt, thì ba nói: "Đây, con nhìn chị Hai xem, ba đang rất vui với chị Hai bởi vì chị ăn rất tốt, rất nhanh và gọn gàng như cách ba muốn. Con nên cố gắng như chị Hai nhé". Ngược lại, mình nói với chị Hai là: "Con đã làm rất tốt việc đó rồi, Boo à”. Những lúc mà ba không thể làm được tốt hay ba không giúp em được, con cố gắng nói với em giúp ba là em nên thế này, em nên thế kia". Thì các chị em cũng đôi phần giải quyết giúp Thiện những chuyện đó.
Câu hỏi số 3: Thiện có kể rằng khi bé lớn ăn rất giỏi, còn bé nhỏ không muốn ăn thì mình đã cho bé nhỏ thấy rằng nên học theo chị Hai của mình. Việc so sánh này Linh cũng rất hay tranh cãi với bản thân mình là có nên hay không? Linh chỉ có hai đứa con và không muốn hai bé lớn lên sẽ cạnh tranh nhau. Bản thân Linh có một em gái, và hai chị em chưa bao giờ cạnh tranh với nhau. Mình chỉ yêu thương và hỗ trợ nhau. Linh đang muốn tạo môi trường như vậy. Do đó Linh sẽ không bao giờ so sánh, không bao giờ nói là nhìn chị con hoặc nhìn em con đi. Linh sẽ cho các bé độc lập. Không biết với Thiện, mình sẽ làm như thế nào để cho mọi người nghĩ đây là một đội, một gia đình?
Đây là một chuyện cực kỳ thú vị. Bởi vì theo ý chị Linh, nếu mình nói không khéo thì sẽ trở thành chuyện so sánh thiệt hơn. Thiện cũng rất tỉnh táo về chuyện này. Cố gắng đừng để mình ở trạng thái đang so sánh các con với nhau. Để làm được việc đó không dễ tí nào, rất khó là đằng khác.
Quay về câu chuyện bé Út ăn không tốt nhưng chị Hai ăn rất tốt. Thiện phải làm việc đó thường xuyên và Thiện cố nghĩ rằng mình đang cho các con noi gương lẫn nhau hơn là so sánh. Làm sao làm được việc đó? Mình chia đều ra. Ba bé sẽ có những lúc được khen và những lúc bị buộc phải nghe theo người còn lại ở trong nhà. Thiện có ba đứa, mỗi đứa có thế mạnh rất riêng và rất rõ ràng. Ví dụ như chị Hai ăn uống rất tốt, ba mẹ không cần phải chăm lo gì cả, học hành cũng rất tốt. Đó là điểm mạnh, nhưng cũng có những điểm yếu.
Chị ở giữa thì điểm mạnh là rất yêu thương ba mẹ, rất quan tâm chăm sóc ba mẹ, sức mạnh thể lực rất tốt, nhào lộn các kiểu. Bé Út thì không nhiều điểm mạnh, Út mà. Bé chưa tới thời điểm xác định khả năng, nhưng cũng có những điểm mạnh nhất định.
Khi đang nói về chuyện học hành chẳng hạn, chị Hai được nhận một phần thưởng nào đó trong trường. Đầu tiên là mình và cả gia đình cùng chúc mừng chuyện đó. "Chúc mừng chị Hai nhé!". Thiện cũng đá mắt sang chị Ba và bé Út xem có ổn không. Kết luận của chị Hai là chị đã cố gắng thế này, thế kia. Mình nói với mấy em là: "Đó, tụi con thấy chưa, chị Hai đang làm ba mẹ rất vui và chị Hai cũng vui nữa. Tụi con có vui không? Mình cùng chúc mừng chị Hai nhé”.
Kể như vậy để cả gia đình cùng chúc mừng cho chị Hai, chứ không riêng gì ba mẹ, mọi người đều rất hào hứng với chuyện đó. Hoặc có những lúc đứa giữa có thành tích, ví dụ như nhào lộn chỉ bằng một tay và nhào lộn vòng trên cỏ, mình đều vỗ tay và khen ngợi. Mình sẽ nói: “Ok Tít à, rất giỏi về thể lực nha. Ba mừng quá, ba vui quá”. Kiểu như vậy.
Lúc đó, chị Hai và em Út, cũng nhào vô khen. Bất cứ khi nào sự so sánh diễn ra mà các em cảm nhận được, mình thấy các em sẽ nói ra ngay. Ví dụ như: “Sao ba cứ khen chị Hai hoài vậy?”, thì mình bắt đầu có một chút dừng lại trong lòng. Mình sẽ nói: “Thì ba cũng khen con mà. Ví dụ như hôm qua, hay hôm kia”.
Bạn đó bớt đi chứ không hết, nhưng chính vì những lúc như vậy, mình sẽ cố gắng tìm cách tế nhị hơn để cho các bạn noi gương lẫn nhau từ những chuyện tốt. Từ đó bước ra khỏi cái mà các bạn tự cho là: “Ba đang so sánh đấy hả?”. Thiện rất đồng ý với nhận định của chị Linh. Nhưng nếu không làm như thế, mình lại không có công cụ để giúp các con cùng tốt hơn. Theo quan điểm của Thiện, mình nên cố gắng làm cho các con không có cảm giác đó. Mặc dù mình cũng có cẩn thận nhưng vẫn đang lạm dụng một chút xíu. Để làm tốt được việc này, chỉ có cách là tiết chế nó nhiều nhất có thể. Bởi vì nếu không làm vậy thì mình sẽ hơi mệt.
Điểm tốt là mình nên cho cả gia đình vô khen một người. Nghĩa là mình kỳ vọng hai bé còn lại cũng vô khen bạn đã đạt được một thành tựu nào đó.
Đây là chủ đề Linh mới học được và sẽ tiếp tục áp dụng. Ngay từ lúc có thai, Linh đã bắt đầu suy nghĩ khi mình sinh em bé này ra, mình muốn con có những phẩm chất nào, mình có thể dạy bé những yếu tố nào về con người.
Linh đã học và đã đọc rất nhiều sách. Những sách đó đã chỉ ra rằng mình nên khen bé về những điều mà bé có thể kiểm soát như cố gắng hoặc sáng tạo. Mình không nên nói con thông minh quá, vì thông minh là một điều hơi mơ hồ. Mình không thể hiện được rõ sự thông minh nhưng mình có thể tập trung, có thể cố gắng, có thể làm việc chăm chỉ. Những điều đó mình có thể kiểm soát được.
Vì vậy nên từ khi sinh bé ra, Linh không nói với bé là con đẹp. Bởi vì mình không thể kiểm soát là mình đẹp hay không. Linh cũng hơi đổ thừa phụ huynh. Linh nghĩ mình không đẹp là do phụ huynh. Đó là điều mà mình không thể kiểm soát, mình sinh ra là đã như vậy rồi.
Linh và chồng đã cân nhắc và quyết định sẽ không nói với con cho tới gần đây, bé hỏi Linh: “Mẹ ơi, con có đẹp không?”. Lúc đó Linh thấy hơi đau lòng bởi vì cách bé nói giống như bị mất đi sự tự tin. Tại sao mình là phụ huynh mà không bao giờ nói với con? Con chưa bao giờ được nghe câu đó từ miệng của ba mẹ. Linh mới phát hiện là mình phải cân bằng và không nên tuyệt đối không nói điều gì cả. Vì bé sẽ bị mất đi sự tự tin. Tự tin được tạo thành từ nhiều yếu tố, và vẻ ngoài cũng bao gồm trong đó.
Câu hỏi số 4: Linh và chồng đã thảo luận lại để điều chỉnh. Bây giờ mình sẽ khen con khi phù hợp. Khi bé mặc quần áo đẹp để đi biểu diễn hay đi sự kiện thì mình nên khen: "Ô, con trông rất đẹp khi mặc bộ trang phục đấy". Không nhất thiết phải nói mỗi ngày, hoặc không nhất thiết phải biến điều đó trở thành một điều mà bé phải luôn cố gắng đạt tới. Với Thiện, mình có khen ba bé gái ở nhà đẹp không?
Thiện thua chị Linh chỗ này khá xa đấy vì Thiện rất bản năng trong việc khen các bạn, không tỉnh táo đến mức: "Ô, cái này kiểm soát được và cái kia không kiểm soát được, nên khen hay không khen". Thiện khá là cá chuối đắm đuối về con nhỉ? Thiện khá mê các bạn ở nhà và không hạn chế lời khen. Đó không phải là do mình tập đâu mà do bản năng của mình.
Ví dụ như Thiện rất thường xuyên bảo là: "Ô, chị Hai của ba nay xinh thế!". Bởi vì các bạn xinh thật. Các bạn ăn mặc và cột tóc lên gọn gàng. Mình không phải khen xinh vì bé xinh, mà mình khen xinh là vì bạn đã tự ý thức được việc phải làm như thế nào để mình trở nên xinh hơn trong ngày thường. Hai bạn nhỏ hơn thì chưa có ý thức được việc đấy, cho nên vẫn còn khá cẩu thả trong việc mặc áo, mặc quần và làm tóc.
Thiện tin rằng chuyện khen xinh này không phải là chuyện "Ok, xinh là vì ba mẹ sinh ra như thế hay là không như thế", mà khen xinh là vì "Ok, bạn đã biết cách chăm sóc rồi và bạn sẽ trở nên xinh hơn". Về việc khen thông minh thì Thiện cũng ít khen, bởi vì Thiện tin rằng nếu mình khen người này thông minh thì mình đã vô tình hoặc cố ý tổn thương người không thông minh. Điều đó thật sự là do trời cho rồi, không phải muốn là luyện tập để thông minh hơn được.
Thiện nghĩ vậy cho nên những lời khen như thông minh thì Thiện rất kiệm lời. Còn chuyện xinh đẹp hay những gì có thể khiến cho mình tốt hơn thì đều không hạn chế lời khen và các bạn cũng rất vui về chuyện đó. Việc này phụ thuộc vào những điểm mạnh của bé nên mình sẽ khen những điểm mạnh đó.
Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.
Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.