Xem đầy đủ tập 02
Xem đầy đủ tập 02
Câu hỏi số 8: Lúc trước, khi mình có vấn đề về cảm xúc chỉ cần có sự xuất hiện của chồng là cảm giác như mọi thứ đều ổn ngay lập tức. Nhưng cũng có những lúc anh ấy xuất hiện lại khiến mọi thứ càng rối thêm hoặc không giải quyết được gì cả. Không biết Thiện có từng trải qua những việc như vậy không?
Kinh nghiệm, hay đúng hơn là trải nghiệm, vì mình chưa rút ra được điều gì từ đó. Khi bé đầu tiên ra đời mà mình chưa có kiến thức, chưa có kinh nghiệm chăm con, cả hai vợ chồng đều rất không ổn. Khi con càng lớn, mình càng bị chê trách. Từ lúc con 0 đến 12 tháng tuổi, bé hơi xanh xao, thiếu ngủ, ăn không giỏi, bú cũng không giỏi, nói chung trong 12 tháng đầu đời bé chưa giỏi điều gì cả.
Bản thân mình không có giải pháp, thật sự là không biết phải làm gì. Bạn bè và người thân khi nhìn con mình đều bảo sao bé như thế này, không tốt như thế kia. Mình cũng không nhận ra cho đến khi có rất nhiều nhận xét mang ý tốt, họ muốn con mình phát triển tốt hơn và cũng muốn mình tốt hơn. Họ bảo rằng phải làm gì đó đi, nhưng mình thật sự không biết phải làm sao. Mọi giải pháp của Thiện sau đó, dù có bàn bạc với vợ hay không, cũng không khiến mọi thứ khá hơn. Mọi thứ chỉ tự động tốt đẹp hơn khi con vượt qua mốc 12 tháng tuổi thôi.
Nhìn lại thì rõ ràng không phải lúc nào mình cũng là người đúng hoặc có đủ kinh nghiệm và kiến thức để giải quyết một việc gì. Vậy nên đành chờ phép màu của thời gian. Rất may là sau khi con vượt qua mốc 12 tháng tuổi, những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, dù lớn hay nhỏ, về cách chăm sóc con cũng dần dịu đi để chăm sóc bé tốt hơn.
Một thử thách lớn mà Thiện đã vượt qua là mong muốn vợ phải luôn ở nhà. Với trải nghiệm không tốt của mình về chuyện con mình như vậy, trong khi chồng đi làm và vợ phải đi dạy học, Thiện lúc đó quyết định hơi vội. Vì quá nóng lòng nên Thiện đã đề nghị vợ nghỉ làm để ở nhà chăm con hoàn toàn. Vợ Thiện là giáo viên tiểu học, công việc rất cố định nên không dành nhiều thời gian cho con được. Nhưng rất may là quyết định đó đã không xảy ra, và dù có thử những giải pháp khác thì cũng không thực sự giải quyết được vấn đề. Mọi thứ chỉ từ từ ổn định lại khi con qua 12 tháng tuổi và những vấn đề đã dần biến mất sau đó.
Câu hỏi số 9: Linh biết là Thiện là một người rất thành công trong sự nghiệp. Không biết liệu mình có thể áp dụng những bài học từ sự nghiệp của mình vào vai trò làm bố không?
Giao tiếp là một kỹ năng rất quan trọng, dù là trong công việc chuyên môn hay trong gia đình. Thiện rất may mắn được trải nghiệm nhiều lần trong công việc, hiểu rằng có giao tiếp thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu cứ giữ trong lòng, tự nghĩ như thế, rồi tự hành xử và dằn vặt mình hoặc dằn vặt đối phương thì sẽ rất tệ và không giúp mọi chuyện tiến triển. Cho nên nếu buộc phải tìm điểm chung giữa quan hệ xã hội, quan hệ công việc và quan hệ gia đình mà mình có thể áp dụng xuyên suốt, thì đó chính là bài học về việc chịu giao tiếp.
Linh nhớ lúc mình mới tốt nghiệp và bắt đầu làm việc, mình đã rất sợ, sợ sếp và cũng hơi ngại với đồng nghiệp. Nói chung, giao tiếp là một điều mà về lý thuyết thì mình đã biết rồi, vì mình đã nói chuyện hai mấy năm rồi. Nhưng khi vào môi trường công việc, mình lại không biết cách giao tiếp, không biết cách tách biệt cảm xúc cá nhân với công việc của mình.
Câu hỏi số 10: Mỗi khi nói chuyện thì mình lại thấy bối rối vì cảm xúc nhiều quá, không thể suy nghĩ rõ ràng được. Giờ đã 25 năm trôi qua, mọi thứ đã khác, mình không còn sợ nữa. Nhưng trong vai trò người mẹ thì Linh mới chỉ có 8 năm kinh nghiệm thôi. Tám năm đó mình chỉ như một manager, quản lý một vài dự án, chưa có nhiều kinh nghiệm lắm. Linh nghĩ với vai trò làm mẹ, Linh vẫn còn non nớt, còn nhiều thứ phải học hỏi. Thiện nghĩ sao về vai trò của mình?
Thiện cho rằng làm cha mẹ chắc là phải học cho đến cuối đời. Vì đâu phải làm cha 17 năm là sẽ giỏi hơn làm cha 10 năm. Khi con 17 tuổi, nó có những vấn đề mới, phát sinh mới mà mình lại phải học tiếp.
Khi có đứa con thứ hai, Thiện không còn stress như khi có đứa đầu. Gần đến ngày sinh, mấy cô em đồng nghiệp bảo: "Anh Thiện, sao lần này anh vui thế?" Mình cười trả lời: "Ừ, thì anh có hai đứa con rồi mà". Cô ấy mới nói một câu vừa buồn cười vừa đáng yêu: "Anh ơi, đây là lần đầu tiên anh có đứa con thứ hai chứ không phải lần thứ hai anh có con". Mình ngẫm lại thấy rất đúng.
Càng làm cha và trải nghiệm thêm trong xã hội, mình càng thấy điều ấy quá đúng. Trải nghiệm làm cha luôn thay đổi, khác mỗi ngày, mỗi giờ. Hôm nay con mình 9 tuổi, mình tự tin nói là "Ôi, con tôi thương tôi lắm, tôi cũng thương con tôi lắm", nhưng có đi kèm một số điều kiện. Ai mà biết năm tới khi nó 12 tuổi, bắt đầu nổi loạn tuổi teen, có thể không còn thể hiện tình cảm như trước, hoặc yêu nhưng khác đi. Lúc đó mình lại phải học tiếp, và đó là học cách làm cha lần đầu tiên của một đứa con 12 tuổi, chứ không phải làm cha với 12 năm kinh nghiệm. Vì vậy, việc làm cha chắc phải học mãi thôi.
Có nghĩa là phải cho mọi thứ thời gian, không thể ngay lập tức mà có được.
Linh thấy trong công việc, vai trò của người quản lý, người sếp cũng đã thay đổi nhiều trong những năm qua. Vào khoảng những năm 1980, mọi thứ đều theo quy định, sếp nói, nhân viên làm. Dần dần, sếp nói thì nhân viên cũng có thể phản hồi ý kiến. Đến nay, sếp không cần nói gì cả, mà chính nhân viên cần phải chủ động vào phòng sếp, nêu ý kiến và đưa ra hướng phát triển.
Câu hỏi số 11: Là một người phụ huynh, Thiện đã nói mình phải cho bé thời gian. Nhưng vai trò của người mẹ, người cha đã thay đổi qua nhiều năm, và bây giờ thì mình nên cho các con thời gian. Hồi xưa các phụ huynh nói mà con không làm là xử lý luôn. Vậy mình có đang đi xa quá không? Vì đến bước này mình cần thời gian. Vậy bao nhiêu thời gian là đủ? Và nếu bé không làm theo thì sẽ có những nguy cơ khác. Vậy sự cân bằng đến từ đâu?
Thiện cho rằng sự cân bằng nằm ở quy tắc. Có những quy tắc không bao giờ được phạm đến. Ví dụ như với con của Thiện, Thiện có thể chấp nhận con sai cái này, không tốt cái kia. Nhưng một quy tắc bất di bất dịch mà không được phép phạm trong gia đình, đó là nói dối.
Con có thể làm bể cái ly nhưng con phải nói với ba là con làm bể cái ly đấy. Con có thể lỡ xem một chương trình không đúng ý ba hoặc sai trái, nhưng đừng bao giờ chuyển kênh khi ba vừa xuất hiện. Điều đó khiến ba rất nghi ngờ con, và ba không muốn nghi ngờ con.
Cho nên Thiện không cho rằng nên quy định cụ thể bao nhiêu thời gian hay điều gì được phép sai lầm và cái gì không. Nhưng mình đưa ra những quy tắc để dựa trên đó mà hành xử với nhau. Hiện giờ Thiện rất nghiêm khắc với các bạn nhỏ về ba quy tắc.
Thứ nhất là quy tắc về nói dối, không cho phép dù chỉ một lần. Trong công ty của Thiện hồi xưa, công ty đa quốc gia, có một câu nói rất đáng sợ: “One try and you are out”, nghĩa là thử một lần thôi thì bạn sẽ phải ra khỏi công ty. Thiện cho rằng quy tắc này rất hợp lý, không được vi phạm dù chỉ là 0.00%.
Quy tắc số một là như vậy, còn quy tắc số hai là gì? Là cố gắng giữ trong lòng một nguyên tắc sâu xa - đừng làm người khác buồn lòng. Ba có thể đúng, ba có thể sai, nhưng nếu con vì chuyện đúng sai đó mà làm người khác buồn lòng, đặc biệt là trong vòng tròn rất chật của mình khi chỉ có vài người trong gia đình với nhau thì mình nên xem lại. Đừng làm người khác buồn lòng, đặc biệt là ba mẹ và anh chị em của mình. Đó là quy tắc tối thượng số hai cần phải tôn trọng.
Và quy tắc số ba là giáo dục. Điều này chắc là Linh rất hiểu. Thiện rất may mắn được cha mẹ gieo vào đầu suy nghĩ này. Chưa bàn đến tính đúng sai, nhưng đến bây giờ, Thiện cảm thấy rất hạnh phúc vì cha mẹ đã cho rằng chỉ có giáo dục mới thay đổi được vận mệnh của cá nhân mình, gia đình mình, gia đình lớn, gia đình nhỏ. Mình chịu học tuy nhiên học không giỏi lắm. Nhưng trong đầu lúc nào cũng nghĩ không học là không được, không được trốn tiết, không được cúp học, vì đó là điều kinh khủng nhất đối với ba mình hồi xưa. Ông đã gieo vào tâm trí mình vấn đề đó.
Bây giờ mình cũng gieo vào đầu con mình y như vậy. Nói rằng con có thể bị bệnh, nhưng nếu đi học được thì đó là một ngày hạnh phúc. Cố gắng làm sao để chuyện đến trường diễn ra, đừng vắng tiết, đừng nghỉ học, đừng làm cô buồn lòng. Các bạn nhỏ dường như đang hiểu được những điều đó. Cho nên đây là quy tắc chứ không phải việc lựa chọn giữa cái này hay cái kia.
Trong công việc thì mình không thể làm tất cả mọi thứ theo ý mình, dù mình muốn đối xử với mọi người thật tốt. Có những lúc trong công ty mình phải đánh giá mọi người, mỗi năm đều phải đánh giá để mọi người biết họ tiến bộ tới đâu. Mình buộc phải so sánh các nhân viên. Còn với các bé ở nhà, dù mình không muốn so sánh các bé với nhau, nhưng đôi khi lại có sự so sánh với người ngoài.
Vậy mình sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Bị so sánh với người ngoài là không bằng chị A, chị B, bạn C, bạn D. Điều này quay lại với câu trả lời của Thiện ở trên, tức là mình sẽ vẽ ra những vòng tròn. Việc vẽ vòng tròn rất quan trọng.
(1) Vòng tròn số một của con, gồm gia đình chúng ta, ba mẹ và ba chị em với nhau.
(2) Vòng tròn số hai, rộng hơn một chút nhưng vẫn chật, gồm ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em họ, các cô dì chú bác. Mình phải làm cho họ vui và hạnh phúc khi có mình ở đây.
(3) Vòng tròn số ba là bạn bè của con, cô giáo, và những mối quan hệ xã hội khác. Chỉ vậy thôi, con nên lưu tâm đến ba vòng tròn này. Còn ai khác ở ngoài nói gì đó nghe có vẻ không đúng hoặc làm mình tổn thương thì mình cố gắng luyện tập. Dùng từ “luyện tập” là đúng, vì không phải muốn là được ngay. Cố gắng luyện tập để khi nghe những lời như vậy, mình sẽ ít bị tổn thương hơn. Nếu vẫn còn tổn thương, nghĩa là mình cần luyện tập thêm nữa.
Thiện luôn nhắc nhở các con về những điều như vậy. Ví dụ với câu chuyện Thiện bị ảnh hưởng bởi tai nạn trên mạng xã hội và Thiện buồn, buồn thật đấy. Sau sự việc đó, các con chia sẻ rằng các con rất thương ba, các con hiểu rằng ba đang gặp vấn đề này, vấn đề kia, tại sao như thế này, tại sao như thế kia. Thiện nói với các con rằng ba đã xin lỗi và thật sự xin lỗi mọi người. Ba đang cảm thấy tốt hơn và nghĩ rằng chuyện này không nên kéo dài trong gia đình mình nữa.
Ba vẫn sẽ tiếp tục viết, vì các cô chú khác khuyên ba nên viết. Vì giá trị đóng góp cho xã hội của mình vẫn còn. Đây chỉ là một tai nạn thôi. Đây là một tai nạn và ba cần phải học. Ba học cách bớt đi kiểu nói chuyện của ba trước giờ.
Nhưng mà quan trọng hơn nữa là tụi con thấy sao? Tụi con thấy đây là một chuyện khiến ba buồn đúng không? Thực ra, nó buồn thật, nhưng ba thấy cách nhanh nhất để vượt qua là phải vượt qua sớm. Và cách ba làm chính là ba đã xin lỗi. Ba đã vượt qua rất nhanh sau khi xin lỗi.
Cách thứ hai là tự hỏi nó có quan trọng không? Quan trọng cũng đúng mà không quan trọng cũng đúng. Ba thấy tụi con an ủi ba như vậy là ba vui rồi. Thiện tin rằng các bạn nhỏ đang hiểu rằng chuyện này nằm ngoài ba vòng tròn của mình, nó nằm trong một vòng tròn xã hội rất là lớn. Cho nên, hãy tìm cách để nó gây ít tổn thương nhất qua những ví dụ thực tế như vậy.
Thiện rất đánh giá cao vợ Thiện trong lần đó, đã kéo các con ra một góc riêng để kể cho các con nghe về tai nạn mà ba đang gặp phải, để ba một mình vượt qua. Nhưng kết quả lại không như mong đợi là để Thiện một mình, mà thay vào đó, các con ùa vào và thông cảm với ba trong tai nạn này.
Thế thì, lần sau nếu có bất cứ lúc nào chị Hai, chị Ba, hoặc bé Út gặp những chuyện như vậy, bị tổn thương bởi những lời so sánh không đáng có từ người khác thì con thấy sao? Cứ như ba thôi, cũng cố gắng vượt qua, đừng để nó mãi trong lòng.
Mình không thể cứ nói trắng trợn rằng thôi đừng buồn là hết buồn được. Mình liên tục cho con những thông điệp: "Con rất tốt chuyện này, con rất tốt chuyện kia, con rất tốt chuyện nọ. Nhưng con không tốt chuyện này và ba hoàn toàn thấy ổn với chuyện đó, vì đó là điểm yếu của con."
Ví dụ chị Hai chẳng hạn, tập mãi mà không thể nào nhào lộn như em thứ hai và cảm thấy rất vất vả với chuyện đó. Nhưng mình nói: "Ok, con không cần, con thật sự không cần. Bởi vì con hoàn toàn có thể là người học giỏi như hiện tại. Tuần này, con hoàn toàn thể hiện con là một người rất chăm lo cho em. Còn chuyện con lắc lư thấy vui đúng không? Cứ làm tiếp đi, tập đến ngàn lần chắc cũng được."
Nếu con cảm thấy cố gắng chỉ vì muốn giống em thì ba thấy là: "Yeah, không cần đâu". Bạn đã vượt qua được cảm giác đó ngay trong lần thứ hai Thiện nói chuyện rồi. Giờ bạn có nhào lộn hay không cũng được. Bạn nói: "Tôi không làm được." Và đặc biệt là bạn ấy rất vui vẻ, hứng khởi và chúc mừng em mình khi em đạt được thành tích mới trong luyện tập.
Em thứ hai bây giờ nhào lộn không cần chống tay luôn rồi. Bình thường chị Hai sẽ cảm thấy không ổn về chuyện đó vì bé không làm được. Nhưng bây giờ bé đã tốt nghiệp lớp “ghen tỵ với em” rồi. Bé kêu: "Tít làm được chuyện đó đó ba, ghê lắm đó ba!". Mình giữ thông điệp của mình ngày qua ngày, mình sẽ làm được chuyện đó với con mình. Mình không phải lo lắng quá về chuyện bảo vệ con mình trước những lời nói không đúng của xã hội nữa vì bé sẽ tự vượt qua thôi.
Trở lại với công ty đào tạo của Linh. Ngày nay, các công ty ai cũng muốn các nhân viên của mình có tư duy phân tích. Để dạy một người có tư duy phân tích là rất khó vì họ đã trưởng thành rồi. Nhưng khi các con còn nhỏ thì mình luôn phải cho bé cơ hội để tự suy nghĩ, tự phân tích, tự nghiên cứu. Đây là một kỹ năng Linh thấy rất quan trọng mà Thiện luôn dạy cho các bé. Điều đó rất là tuyệt. Cảm ơn Thiện đã dành thời gian tham gia chương trình và chia sẻ câu chuyện của mình.
Cảm ơn tiNiWorld - Khu vui chơi Giáo - Trí hàng đầu Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình
Khám phá thêm về hành trình mang đến nụ cười và ký ức tuyệt vời cho hàng triệu trẻ em Việt Nam tại đây
Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.
Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.