Mỗi bậc cha mẹ đều muốn nhìn thấy con mình trưởng thành, nhưng đôi khi, cảm giác con càng lớn, càng xa lại khiến lòng ta chùng xuống. Như dòng nước mắt chảy xuôi, tình yêu cha mẹ dành cho con mãi chảy về phía trước mà hiếm khi đòi lại gì cho bản thân. Và việc trở thành cha mẹ, như một lời nhắc nhở chúng ta nghĩ về bố mẹ của mình.


Nhưng liệu có cách nào để dung hòa giữa mong muốn bảo bọc con và niềm vui khi thấy chúng vững bước rời xa? Đó là cuộc hành trình đầy nỗi niềm mà chị Phoenix chia sẻ trong bài viết này. Vừa là một người mẹ, vừa là một người bạn sẵn sàng lùi lại để con tiến lên phía trước. Đây là câu chuyện của sự đồng hành của tình thân trong gia đình– nơi mà lòng yêu thương không ngừng lớn lên cùng con cái.

Xem đầy đủ tập 01

Xem đầy đủ tập 01


Câu hỏi số 13: Vậy khi Gấu lớn hơn một chút và bắt đầu đóng cửa nhiều hơn, ít nói chuyện hơn và chị đã dùng thời gian đó để khởi nghiệp. Nhưng phần khác, chắc chị cũng rất đau lòng. Không biết chị đã làm thế nào để chấp nhận được việc đó?

Phoenix có hai người chị hơn mình chín và tám tuổi. Hành trình làm mẹ của họ giúp mình rất nhiều. Có những lúc như vậy, mình nhắn vài tin cho họ. Hai chị không khuyên nhiều, chỉ nói rằng mọi thứ sẽ qua thôi. Nhưng mình yên tâm vì đã có những người chị như vậy đi trước.


Phoenix thích làm mẹ, nhưng cũng rất thích sự trưởng thành của con mình. Một ngày, Gấu hỏi: "Tại sao mẹ hay nói rằng mong con 18 tuổi lắm?". Mình nhận ra rằng mình có mong. Khi con 18 tuổi, mình không cần quá nhiều trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày và sẽ kết nối với con qua cách khác.


Khi Gấu bước vào tuổi 16-17, bạn ấy rất ít cần mình. Có khi bạn chỉ cần ba thôi. Mình buồn lắm, nhưng mình không thể không buồn được. Mình nhớ hồi xưa Phoenix là tất cả với Gấu. Khi buồn như vậy, mình tự hỏi vì sao mình buồn. Mình có quyền buồn mà. Sau đó, mình lại nghĩ về thời gian dành cho mình, tập trung cho sức khỏe của mình.


Điều làm Phoenix buồn nhất là sợ con không kết nối và không nói với mình khi có chuyện. Phoenix quay lại lý trí, ghi nỗi lo đó ra giấy và quan sát. Con kết nối với mình ở những chỗ này, này, này. Mình có những cái chứng cứ. Khi con cần và biết rằng hỏi mẹ là tốt nhất, con sẽ tới với mình. Hai câu đó được trả lời rồi, mình yên tâm.


Phoenix luôn quay về tìm nỗi sợ thực sự. Thường thì mình chỉ để ý cảm xúc, nhưng không để ý nỗi sợ đến từ đâu. Khi giải quyết được nỗi sợ, mình cảm thấy ổn. Bây giờ Phoenix rất ổn.

Nhưng điều này khiến mình cảm giác như mình là công cụ của bé. Bé cần thì tìm đến mình, và khi bé tìm đến là phải bỏ hết mọi thứ để lo cho bé.

Đó sẽ không bao giờ là mối quan hệ đồng đẳng. Linh nhớ người Việt hay có câu "nước mắt chảy xuôi". Cha mẹ và con, nó giống như nước mắt chảy xuôi, nó không bao giờ chảy ngược. Tình thương của cha mẹ dành cho con cái sẽ không bao giờ bằng nếu so với tình thương con cái dành cho cha mẹ. Nếu nó bằng, có gì đó đang không ổn.

Điều này khiến Linh buồn, mình đã hy sinh và mình đã tập trung vào 2 đứa bé này.

Đúng rồi, và mình phải chấp nhận điều đó khi làm mẹ. Nhớ lại những lúc xưa ba mình chiều mình ghê. Đến bây giờ, ba vẫn chiều mình. Hồi nhỏ, ba sẵn sàng bỏ tất cả vì 6 đứa con. Cho đến bây giờ, mỗi lần mình “Ba ơi” là không bao giờ ba nói “Không”. Đối với ba của Phoenix, con cái là trên hết. Và khi Phoenix nhìn ra được, ở tuổi dậy thì của mình, mình cũng thương ba mẹ thật nhiều. Tức là tất cả những gì Phoenix đã trải qua và mình được yêu thương dạy cho mình bài học. Phoenix với ông xã nói chuyện hoài về việc con cần mình thì đi vô gặp xong rồi đi luôn. Sau đó mình mới nhận ra là mình với ba mẹ cũng vậy. Bây giờ vẫn vậy, khi nào cần thì chạy về với ba, không cần thì thôi. Những cuộc đối thoại của hai vợ chồng làm mình nhận ra là hình như tình yêu của cha mẹ dành cho con cái nó nhiều hơn, và mình không nên đòi hỏi “reciprocal return” (sự trao đổi tương tự). Mình không thể đòi người con của mình cho mình lại y hệt như vậy. Nếu con cho đó là quyết định của con, còn nếu không có thể cái cách con cho nó sẽ khác.


Mình có quyền đòi. Ví dụ, mình hay nói: “Gấu ơi, sau một cái chuyến đi nhớ cho mẹ một món quà nha”. Con biết mẹ thích dây chuyền, là con sẽ mua cho mẹ dây chuyền. Mình có quyền đòi như là: “Lần này con đi con ít nhắn tin cho mẹ, mà mẹ thì nhớ con”. Sau đó con sẽ nhắn nhiều hơn. Nhưng mình không đòi hơn. Vì cái cuộc sống bây giờ của bạn, bạn đi về phía trước, bạn đi về tương lai, bạn đâu có nhìn về quá khứ đâu. Bạn là tương lai của mình. Đây là cách Phoenix nói với chính mình. Phoenix không nghĩ có một câu trả lời đúng đâu. Nhưng với Phoenix, bạn là tương lai của mình. Mình nhìn về bạn và nhìn về phía trước. Còn mình là quá khứ của bạn, bạn đâu có ngoái đầu nhìn lại đâu. Phoenix vẫn luôn khóc như vậy nên khi Phoenix nghĩ rằng tình yêu của mình dành cho con và tình yêu của con dành cho mình nếu mà đặt lên bàn cân chắc khó nói lắm.

Linh cảm thấy cách Linh đối xử với phụ huynh của mình giống như cách bé đối xử với mình. Linh thấy đau lòng khi nói về chủ đề này. Linh cảm động. Thực ra không phải là vì cảm thấy không công bằng. Linh chỉ cảm thấy hơi có lỗi với phụ huynh.


Bây giờ Linh mới biết họ yêu thương mình như thế nào. Cả cuộc đời mình cứ bay bay, muốn hướng tới tương lai mà ít khi nhìn lại. Phụ huynh luôn tạo nền tảng cho mình. Và lý do mà mình có những cơ hội của mình hôm nay, mình có những cái thành công của mình hôm nay là vì mình luôn biết là có sự ủng hộ của phụ huynh ở nhà. Linh rất biết ơn và cảm thấy chưa bao giờ cảm ơn đủ.


Linh nghĩ rằng bé sẽ dạy mình rất nhiều. Đây là điều Linh gần đây mới khám phá ra. Linh biết phụ huynh luôn thương con nhiều hơn, nhưng chưa suy nghĩ ngược lại là mình đối xử với phụ huynh thế nào. Linh nhớ hồi đó, mẹ luôn nói học vô đại học, học cho giỏi. Không bắt nấu ăn, rửa chén, chỉ học thôi. Vào đại học, Linh không biết gì hết, phải tự mò mẫm.


Linh nhớ là thèm cháo mẹ nấu liền gọi mẹ hỏi cách làm cháo bắc thảo: “Mẹ ơi, làm cháo thế nào?”. Không có câu chào hỏi nào nhưng Linh vẫn nghe thấy mẹ rất là phấn khởi, rất là vui. Mẹ vui vẻ giải thích từng chút. Xong Linh chỉ nói "Ok, cảm ơn, con đi nấu cháo". Không nghĩ rằng mẹ ở nhà nhớ mình như thế nào. Khi mẹ sống cùng Linh và các bé gần đây hay đi vắng, thì mỗi đêm Linh cũng ghé ngang phòng của hai bé xem cái phòng trống. Mẹ nói rằng khi Linh đi đại học năm đầu tiên, mẹ cũng qua phòng Linh xem mỗi đêm. Câu này mẹ cũng đã nhắc đến mấy năm trước. Lần đầu tiên Linh nghe thì Linh cũng cứ cười thôi. Lúc đó Linh không hiểu, nhưng bây giờ mới biết sự đau lòng đó. Thật sự không phải chỉ qua phòng xem bởi vì thói quen, mà còn bởi vì mình nhớ.


Linh cảm thấy biết ơn phụ huynh của mình. Đây là vòng tròn của cuộc sống, mình chấp nhận việc này. Mình sẽ luôn thương bé nhiều hơn và chỉ hy vọng bé sẽ nhớ gọi mình khi cần.

Hoặc là khi bé gặp những điều rất là nguy hiểm, những điều quan trọng trong cuộc sống thì bé gọi mình. Phoenix nhớ lúc hôn nhân đổ vỡ, có chuyện không ổn trong tình yêu, người đầu tiên gọi về luôn là ba mẹ. Mẹ nói: “Cuộc gọi đó tốn của ba không biết bao nhiêu tiền”. Lúc chị của Phoenix gặp khó khăn, ba mẹ ngồi cầu nguyện và lo lắng. Lúc đó mình còn nhỏ mà, mình trong phòng mình nói: “Ba lo làm chi, chị lớn rồi chị sẽ ổn”. Xong ba quay lại ba nạt mình, ba nói: "Cho đến ngày ba nằm xuống, ba mới không lo". Lúc đó mình mới hiểu được là thì ra là tình yêu của ba mẹ dành cho con cái nó là như vậy, không bao giờ ngừng.


Phoenix nhớ, mỗi lần ba lo, ba sẽ cầu nguyện. Rồi ba nói với chị Na là ba thương chị Na lắm. Vậy là được rồi. Lúc đó mình cũng chưa học cái ngành gì của mình đâu. Nhưng mà mình nói: “Thực ra điều tụi con cần nhất là biết ba mẹ sẽ luôn thương tụi con. Cho nên, ba cứ nói vậy là được rồi.”


Đó là những khoảnh khắc mà mình nhớ. Trong sáu đứa con, mình là út, cho nên mình được bay. Mình biết ơn không phải chỉ ba mẹ mà còn cả năm anh chị của mình. Phoenix được làm những điều mình làm bây giờ là vì mình không phải lo lắng gì cho ba mẹ, cả khi ba mẹ già. Các anh chị chưa bao giờ bắt mình phải làm cái phần của mình trong sáu đứa. Các anh chị nói: "Em cứ ở nhà, Em cứ làm việc em thích đi. Cứ sống đi, không sao đâu, mọi thứ sẽ ổn thôi."


Tình thương không chỉ là ba mẹ dành cho con cái mà còn là các anh chị lớn hơn lo cho những đứa em. Mình luôn thấy mình có được như hiện tại là nhờ vào ba mẹ và năm anh chị.


Linh có một đứa em gái sinh sau Linh nhiều năm đúng không? Làm chị khác với làm em lắm. Phoenix thấy làm em sướng quá chứ làm chị cũng coi như phân nửa là người mẹ rồi.


Có lẽ đây là lần đầu tiên Phoenix được chia sẻ với một người khác. Trước đó, Phoenix đã nói với ông xã rằng mình có một vài cơ hội, nhưng khi nhìn lại, mình mới biết mình không thoải mái vì không thấy Gấu trong bức tranh đó. Điều mà anh Trang (papa Gấu) hay nói về những điều ảnh bị Phoenix thu hút là: một là Phoenix rất là thoải mái và biết mình muốn gì, hai là Phoenix làm mẹ tốt quá. Khi mà hai đứa bắt đầu cái mối quan hệ mà nó hơi nghiêm túc thì mình có nói với anh là em đã đưa Gấu vào cuộc đời này và có lẽ sẽ không công bằng với anh để anh nói như vậy nhưng mà Gấu sẽ luôn là ưu tiên trong cuộc đời này của em.


Phoenix hơi truyền thống, không phải quen là phải cưới liền. Nhưng mà quen là quen một người với một người thôi, một lần không có quen nhiều người. Quen thì đầu tư cho một đối phương thôi. Ảnh hay nói: "Một người mà đã muốn mệt chết, còn nghĩ gì được người thứ hai đây". Tức là mình nên nói trước rằng mình muốn muốn nghiêm túc.

Câu hỏi số 14: Câu hỏi số 14: Khi anh ấy chấp nhận vị trí thứ hai thì chị sẽ nhìn nhân anh ấy như vậy?

Cái thời gian mà mình mới bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc, mình có nói rằng: "Nghe có vẻ như là không ổn nhưng mà em thực sự phải chia sẻ ngay từ ban đầu là Gấu sẽ luôn là số một trong cuộc đời em. Không phải là em thương Gấu hơn anh, mà là những cái quyết định nào mà nó ảnh hưởng đến Gấu thì em phải đặt Gấu lên làm ưu tiên."


Anh suy nghĩ rất lâu, chắc cũng vài tiếng, mấy ngày gì đó. Với đàn ông cũng dễ, ảnh nói: "Ok, mình cứ đi đi." Tại vì ảnh hay nói: "Phoenix nghiêm túc quá, cái gì cũng nghĩ cái trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra." Phoenix luôn tưởng tượng trường hợp xấu nhất xảy ra.


Nhưng mà mình không nghĩ rằng có một ai khác hiểu được là ông xã mình thương Gấu đến cỡ nào đâu. Tức là nó không phải là cha kế, cha ruột hay là gì, nó là tình thương của một người cha dành cho con. Có những cái mình phải bực mình anh tại vì anh chiều quá, anh không say no được. Ảnh cứ: “Thôi, con mà.”


Mình nghĩ nó không phải tự nhiên như vậy đâu, nó phải mất rất nhiều năm tháng. Đến cái năm vừa rồi tụi mình mới đám cưới trong nhà thờ. Đến thời gian tụi mình an lòng để đám cưới trong nhà thờ với nhau tức là mình ổn rồi đó.


Gấu đi dự đám cưới và tụi mình có hỏi cảm giác của con như thế nào. Gấu nói: "Lạ quá." Nó là một cái hành trình mà không phải chỉ một mình ông xã Phoenix mà cả mình và cả con mình đều bỏ vào đó rất nhiều sự đầu tư để có được một gia đình như hiện tại. Cả bé Bông, bạn chó nhà mình nữa.


Đó không chỉ đơn giản là việc chịu, không chịu thì thôi đâu. Mình rất thẳng thắn từ ban đầu. Trong cái cuộc hành trình này thì mình thấy rõ ràng là không thể không có tình yêu thương từ tất cả các phía. Mình rất biết ơn Thượng đế vì mình không nghĩ là mình sẽ có được một hạnh phúc lứa đôi như vậy.

Câu hỏi số 15: Chị đã chia sẻ với anh Trang là mình đã có con rồi khi nào?

Phoenix hơi nổi tiếng một chút nên anh Trang đã biết hết về mình rồi. Thời gian mà Trang biết mình thì mọi người cũng đã biết về mình. Phoenix là người không tách bạch giữa đời sống cá nhân và công việc. Như Phoenix đã chia sẻ với Linh trong email trước đó, mình là người ở ngoài như thế nào thì ở nhà cũng như vậy. Vì vậy, sinh viên, bạn bè và những người xung quanh đều biết rằng Phoenix đã có gia đình, đã ly hôn và bây giờ đang là mẹ đơn thân. Khi anh Trang biết mình, anh đã biết rõ mình đang là mẹ đơn thân và con mình bao nhiêu tuổi.

Câu hỏi số 16: Trước khi Phoenix bắt đầu mối quan hệ này, Phoenix biết rằng mình đã cố gắng với một người khác và không thành công. Trong kinh doanh, việc thử nghiệm và thất bại là rất bình thường. Nhưng cuộc sống cá nhân phần lớn rất khó khăn vì mình đầu tư rất nhiều cảm xúc vào. Mỗi khi thất bại với một mối quan hệ, để bắt đầu lại là rất khó. Khi mới gặp anh Trang, Phoenix nghĩ như thế nào? Phoenix có sẵn sàng không? Những yếu tố nào khiến mình quyết định là sẽ thử lại thêm lần nữa?

Có lẽ, sự sắp đặt của vũ trụ cũng khá là thú vị. Hai năm đầu, anh Trang ở đầu cầu ngoài Bắc và Phoenix ở trong Nam. Cho nên, đây vẫn là một mối quan hệ đường dài, và trong mối quan hệ này, mỗi người đều có không gian riêng của mình. Chỉ có những điểm chạm, những lúc gặp nhau hay đi đâu đó chung của cả ba người thì mình lại có dịp để quan sát và hỏi.


Nhìn lại, hôm bữa sau khi đám cưới xong, hai vợ chồng có ngồi với nhau. Anh Trang đã nói: “Tụi mình khùng ha.” Nhìn về lý trí, cả hai đều rất khùng khi bước vào mối quan hệ này, so với tất cả những chuẩn mực. Nhưng khi bước vào mối quan hệ này, hai đứa đều chưa bao giờ thấy nó không tự nhiên."


Anh Trang trẻ hơn Phoenix. Trẻ hơn nhiều tuổi. Bạn bè cứ đi theo hỏi: "Mày bao nhiêu tuổi?", "Mày phải nói đi chứ, ít nhất chị nhìn thấy trẻ thì cũng ok." Anh Trang rất bực mình khi người ta hỏi bao nhiêu tuổi. Những khó khăn mà anh ấy phải đi qua là vì trẻ hơn thì tài chính khó khăn. Người đàn ông luôn phải nuôi vợ, nuôi con, phải có nghề nghiệp vững vàng. Đó là hành trình anh phải đi qua. Liệu tôi có tiếp tục trong mối quan hệ này khi mà tôi chưa đạt được như vậy? Còn Phoenix phải tự hỏi là mình sẽ như thế nào.


Cái hay là tụi mình luôn đối thoại và sau những lần đối thoại đó, tụi mình đều cho phép nhau quyết định đi tiếp hay dừng lại một cách rất bình an. Không phải vì một người thứ ba hay gì đó, mà luôn là giữa hai đứa mình, liên quan đến con, cũng như những yếu tố khác trong cuộc sống.


Mình rất biết ơn người đàn ông này trong cuộc đời mình. Anh là một người mà Phoenix nghĩ là dân kỹ sư khoa học, họ cực kỳ logic. Những gì mà Phoenix ngồi nói, anh bảo: “Không có logic. Em đang nói những thứ rất không logic.” Rõ ràng là không logic. Bên mình thì là dân cảm xúc và giáo dục, tâm lý, nên nhiều lúc nó không liên quan gì đến logic. Nhưng anh ấy cũng rất cảm xúc, hiểu và lắng nghe.


Đây là một hành trình mà mình thực sự nghĩ rằng, nếu không có ơn trên, mình không nghĩ rằng nó sẽ xảy ra.

Câu hỏi số 17: Linh hiểu rằng mình phải có một cái cột mốc trong cuộc sống khoảng mỗi 2-3 năm. Trong mối quan hệ, mình cũng phải có cột mốc khoảng 2-3 năm. Linh đã có đứa con thứ nhất sau khoảng 3 năm cưới chồng, và 4 năm sau có con thứ nhì. Bây giờ, gần 4 năm sau khi có đứa thứ nhì, Linh chắc chắn sẽ không có đứa thứ ba nữa.


Vợ chồng Linh đã thảo luận về việc này. Có một ngày, Linh hỏi: "Anh ơi, đứa thứ ba nha?". Hai người nhìn nhau khoảng tầm 30 giây, rồi cả hai cùng nói: "No, no, no”. Cuộc trò chuyện kết thúc trong vòng 30 giây và quyết định cũng được đưa ra ngay lúc đó.


Bây giờ, Linh bắt đầu suy nghĩ về tương lai. Mọi thứ giống như chiếc xe lửa đang chạy mà không cần gì nữa, nó sẽ cứ tiếp tục. Nhưng Linh cũng đang hơi sợ, vì nghe rằng mình nên cố gắng có một cái cột mốc nào đó. Linh muốn hỏi, với mối quan hệ đã nhiều năm, chị có suy nghĩ gì về việc này không? Và chị đã cố gắng như thế nào? Dân tài chính phải có mục tiêu.

Phoenix nghĩ rằng trong cuộc đời mình, có những lúc mình nghĩ theo hướng đó, nhưng không gọi tên là KPI rồi review. Theo Phoenix, mình nên để ý rằng nó sẽ có những khúc quanh của cuộc sống. Và bây giờ, mình không đi một mình nữa mà đi cùng với người bạn đời của mình.


Trong cuộc sống, Phoenix có Gấu và có Bông. Khi anh Trang có một khúc quanh trong cuộc sống, thì lúc đó Phoenix làm gì? Khi khúc quanh đó xảy ra, mình ở bên cạnh, quan sát và hỗ trợ. Khi Phoenix có những khúc quanh trong cuộc sống, anh ấy làm gì? Mình nghĩ rằng vẫn sẽ tiếp tục là quan sát và đánh giá lại những điều đang xảy ra trong cuộc sống.


Phoenix tin rằng mình có thể đánh giá về tài chính, con sẽ đi học năm nào, chuẩn bị ra sao?. Nhưng mình không thể đánh giá được tình yêu giữa hai người. Khúc quanh gần đây nhất giữa hai vợ chồng Phoenix đó là tình trạng sức khỏe của mình. Phoenix đã chia sẻ trên show của Thùy Minh rằng Phoenix phát hiện ra mình có một căn bệnh nan y. Căn bệnh này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người chăm sóc Phoenix, chính yếu là ông xã mình và con mình. Nó không xảy ra bây giờ mà có thể 10-15 năm nữa.


Mặt tốt là nó giúp cho hai đứa mình nhận ra lại một chuyện rất là quan trọng. Ngày xưa cho đến bây giờ, về cảm xúc, Phoenix là trụ cột trong gia đình. Phoenix đã trải qua rất nhiều chuyện nhưng mà mình vẫn vững vàng về cảm xúc. Mình có thể hay khóc, hay buồn nhưng về cảm xúc mình cực kỳ vững vàng. Khi nhận được tin đó, có một giai đoạn mình bị sụp. Phoenix cực kỳ không thích dựa vào người khác. Phoenix sẽ ổn nếu mình luôn là cây trụ trong gia đình cho đến ngày mình chết.


Nhưng nó đến và bắt cho mình không là trụ cột nữa, mình chịu không nổi. Mình không chịu nổi và phản ứng là anh đi ra khỏi cuộc đời em tại vì em không muốn sau này anh phải chăm sóc em. Nó không phải là một câu nói thẳng như vậy mà là trong hành vi, trong cảm xúc, v.v. Anh ấy cũng phải trải qua một giai đoạn tự nhiên, mọi chuyện đang rất ổn, sao tự nhiên lại như vậy? Có phải là do làm việc quá nhiều hay không?


Thực ra, nó chỉ đến thôi, và lần này mình bị sốc, giống như Linh đã sốc khi nhận tin có thai. Mình hoàn toàn không lên kế hoạch trước cho việc này. Trong nghề của mình, càng già thì càng sáng giá. Mình sẽ sáng giá ở những năm sau 50, thậm chí có thể làm cho đến ngày mình qua đời như các thầy cô đi trước của mình. Nghề của mình là như vậy và mình luôn có kế hoạch như vậy. Căn bệnh này sẽ tấn công Phoenix sau 10-15 năm nữa, bác sĩ nói rằng Phoenix sẽ không còn sáng suốt nữa. Phoenix phải chuẩn bị cho điều đó.


Phoenix không chịu nổi. Đó là lúc mình học được một bài học. Có những bài học Phoenix đọc trong sách, nó chỉ là một câu chuyện, nhưng khi thực sự sống qua thì lại khác. Tụi mình đã có những lúc đối thoại với nhau. Lần cuối cùng, anh ấy nói rằng: “Anh không biết sau này sẽ ra sao khi em rời đi, nhưng khi em còn sống, anh không thấy mình có thể sống với ai khác ngoài em.”


Mình thì luôn yêu ông xã như lúc ban đầu. Bạn mình, đặc biệt là Uyên trong Sông An, hay chọc: “Trong mắt chị Phoenix, chồng của chị ấy là đẹp trai nhất”. Với mình, anh ấy luôn đẹp trai, thông minh, hiền lành và là một người cha tốt. Phoenix ngưỡng mộ chồng lắm. Tình yêu mình dành cho anh ấy chưa bao giờ vơi bớt và anh ấy biết điều đó. Phoenix hỏi anh: “Anh có làm được điều đó không. Em không đòi ngang đâu, nhưng mà anh nên đặt câu hỏi cho anh về điều đó”.


Anh ấy không trả lời như mình. Anh ấy là dân kỹ thuật mà, anh nói: “Anh không thấy mình có thể sống với ai khác ngoài em”. Mình đáp: “Ồ, đây có phải là cách khác để nói rằng anh yêu em không?”. Hiểu được ngôn ngữ của dân kỹ thuật, mình nói: “Ok, anh. Vậy mình tiếp tục nha”. Những khoảnh khắc như vậy luôn xuất hiện, và mình nghĩ rằng mình đã dám đối diện với nỗi sợ và nhìn thấy trước những điều có thể xảy ra. Mình không nói rằng mọi chuyện sẽ ổn, nó không thể nào ổn được.

Khi nghĩ lại cuộc trò chuyện, Linh rút ra một bài học rằng mình nên tin vào bản lĩnh và trực giác của mình. Dữ liệu là quan trọng, nhưng có lúc, mình nên tin vào cảm xúc của mình.

Nhờ Linh, Phoenix có cơ hội nhìn lại hành trình làm mẹ và làm vợ của mình. Mình xuất hiện trước mọi người không chỉ là một người phụ nữ làm nghề, mà còn là mẹ và người vợ.


Cảm ơn tiNiWorld - Khu vui chơi Giáo - Trí hàng đầu Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình

Khám phá thêm về hành trình mang đến nụ cười và ký ức tuyệt vời cho hàng triệu trẻ em Việt Nam tại đây

Cảm ơn tiNiWorld - Khu vui chơi Giáo - Trí hàng đầu Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình

Khám phá thêm về hành trình mang đến nụ cười và ký ức tuyệt vời cho hàng triệu trẻ em Việt Nam tại đây

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 01

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 01


ĐỌC THÊM

Về các khách mời khác trong chương trình tại đây
Vai Trò Của Người Bố Trong Việc Nuôi Dạy Con Gái
Bố Mẹ Có Thể Yếu Đuối Như Thế Nào Trước Mặt Các Con?
Đây Là Lần Đầu Tiên Anh Có Đứa Con Thứ Hai