Khi con bạn lớn dần và thế giới của chúng ngày càng mở rộng, làm thế nào để bạn vẫn giữ được kết nối gần gũi với con? Bạn sẽ muốn là người mà con tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ. Song bạn cũng cần tôn trọng thế giới riêng của con và những điều con đang theo đuổi.


Sẽ có những lúc, chỉ cần một cuộc gọi "mẹ ơi, chán quá" từ con cũng đủ làm bạn cảm thấy tình yêu thương đong đầy. Nhưng làm sao để giữ được sợi dây kết nối ấy? Hãy cùng tiếp tục cuộc trò chuyện của Linh và chị Phoenix dưới đây.

Xem đầy đủ tập 01

Xem đầy đủ tập 01


Câu hỏi số 8: Chúng ta nói chuyện về Gấu một chút. Lần trước khi Phoenix đến gặp Linh, chị có mô tả là: "À, xin lỗi đến trễ một tí bởi vì sáng Gấu gọi và muốn trò chuyện, bởi vì Gấu thấy chán quá muốn nói chuyện với chị".


Điều này khiến Linh ấm lòng vì Linh hay sợ. Một trong những cái sợ hãi nhất của Linh khi Linh làm mẹ là bé lớn lên đến độ tuổi mười mấy thì sẽ muốn tất cả mọi thứ, trừ mẹ của nó.


Linh thấy rằng Gấu 17 tuổi mà vẫn gọi mẹ để trò chuyện là một chuyện rất đáng ngưỡng mộ. Không biết chị đã tạo mối quan hệ này với Gấu như thế nào?

Trước khi nói về tạo mối quan hệ, chị kể lại cho Linh nghe là anh chàng Gấu này tới nay là tuần thứ năm rồi mới gọi cho mẹ. Tuần thứ năm mới gọi cũng đỡ, chứ nếu nói đúng ra là chán quá thì mới gọi mình. Như Linh thấy đấy, nếu mẹ là một trong những lựa chọn của bé, thì điều đó thật sự tốt, rất tốt.


Theo Phoenix, để tạo được mối quan hệ này, thời gian đầu đời của Gấu, Phoenix luôn đặt ưu tiên cho con. Dĩ nhiên, Phoenix vẫn phải đi làm kiếm tiền nuôi con, nhưng khi về nhà, không điện thoại, không tivi, không gì hết. Lúc đó, mình là mẹ độc thân, thường chở Gấu đi lòng vòng, ngắm rau muống, nhìn đá, nhìn chó. Tương tác mọi thứ. Anh chàng thì kể nhiều chuyện lắm. Khi anh chàng ngủ rồi, Phoenix mới làm thêm. Cuối tuần cũng dành trọn cho Gấu.


Nếu phải đi công tác xa, Phoenix sẽ báo trước rất lâu để anh chàng biết khi nào mình về. Phenix rất kỵ đi không có Gấu, Gấu phải đi theo hoặc phải có ai đó chăm Gấu rất tốt, Phoenix mới an lòng. Thời gian đầu đời là như vậy. Đến năm 10-11 tuổi, Phoenix cũng hạn chế đi công tác để khi về nhà, anh chàng vẫn có mẹ buổi tối và cuối tuần. Lịch bên giáo dục thì đỡ hơn, nên mình có thể làm như vậy.


Phoenix là mẹ độc thân trong một vài năm. Phoenix phải đóng cả hai vai trò, nhưng sau đó, người chồng hiện tại bước vào cuộc đời của hai mẹ con. Thật ra, tụi mình ký giấy kết hôn vào năm 2022, nhưng anh ấy đã có mặt trong cuộc sống của Gấu từ khi bé 5 tuổi. Vai trò của anh rất quan trọng, và dần dần, mối quan hệ giữa bố ruột của Gấu, Phoenix và Gấu cũng trở nên tốt hơn. Gia đình bên nội thì chưa bao giờ mất liên lạc. Mọi chuyện dần dần hài hòa hơn.


Có những lúc không mượt mà như vậy. Hai mẹ con khóc hoài mỗi lúc có những cuộc đối thoại sâu sắc và nảy lửa, dù anh chàng còn nhỏ. Phoenix thấy rằng, những cuộc đối thoại như vậy giúp mình hiểu nên làm mẹ như thế nào, nhưng nó không dễ và không có công thức.

Câu hỏi số 9: Chị có thể mô tả một trong những cuộc hội thoại đó không? Linh rất mong muốn có những cuộc trò chuyện sâu để chứng tỏ cảm xúc của Linh với bé và tạo sự kết nối giữa hai người. Không biết chị đã tạo môi trường như thế nào để bé có thể sẵn sàng và tự tin nói với mình?

Theo Phoenix, từ nhỏ đến lớn, bạn nhà mình luôn được khuyến khích nói suy nghĩ của mình. Khi ra ngoài, bạn rất lịch sự, biết nói với ai những câu gì. Khi ở với Phoenix, bạn sẽ nói hết tất cả. Mình lắng nghe và đối thoại.


Phoenix nhớ hai khoảnh khắc. Một lần, bạn ngồi chơi Lego. Lúc này bạn khoảng 3 tuổi rưỡi. Phoenix đi vô phòng vệ sinh rửa tay, đi ngang cái xe đạp của bạn và vướng. Đau quá, mình nói: "Cái xe đạp này kỳ". Bạn nói: "Mẹ kỳ mà, cái xe đạp nó đâu có kỳ đâu". Mình nhớ hai tuần trước, bạn té, đập vào sàn, đau quá, bạn quýnh cái sàn bạn nói: "Cái sàn này hư". Mình nói: "Cái sàn này nó luôn nằm ở đó, con đụng nó mà".


Một ví dụ khác là từ khi bạn còn rất nhỏ. Bạn nói: "Mẹ kỳ quá. Mẹ không cần phải dạy con hồi 10 tuổi là một ngày ăn được bao nhiêu miếng đường, không cần giới hạn uống bao nhiêu Sting. Khi lớn lên, mình sẽ biết cái gì mình nên làm.”


Lúc này anh chàng 14-15 tuổi rồi. Anh chàng cho Phoenix ví dụ: "Bạn con hồi xưa ăn nhiều, giờ tự tập thể dục". Mình nói: "Mẹ tin những gì mẹ đọc. Mẹ học là phải dạy thói quen tốt từ nhỏ rồi lớn lên sẽ hình thành. Nhưng không ai biết được, có nhiều nghiên cứu nói như vậy được, xong mấy năm sau lại nói không được. Mẹ đâu có hai thằng Gấu để so sánh. Một thằng Gấu mẹ nuôi còn một thằng Gấu trong phòng lab. Mẹ chỉ có thể nuôi con rồi quan sát. Cái gì sai thì đổi.”


Anh chàng nói: "Quyết định nuôi con ở Việt Nam con không thích". Phoenix nói: "Biết sao bây giờ con. Thời điểm đó, với những yếu tố đó, mẹ nghĩ nuôi con ở Việt Nam là tốt nhất". Làm mẹ cũng không có phòng lab để thử nghiệm ở Mỹ. Những cuộc nói chuyện như vậy rất chân thành, và bạn cũng thích những cuộc trò chuyện như vậy. Còn nếu nói kiểu “Đây nè, số liệu đây…” thì bạn lại không thích đâu.


Lúc mình bình tĩnh thì rất khôn ngoan để nói chuyện. Còn lúc mình điên lên thì không được như vậy.

Câu hỏi số 10: Linh cũng thấy là những câu trả lời đó cần rất nhiều kiên nhẫn. Bạn Gấu rất dễ thương và có quan điểm mạnh mẽ. Không biết chị có hỏi ý kiến của Gấu về sự nghiệp của chị không?

Không, mình kể chứ không hỏi ý kiến. Phoenix không nghĩ là một đứa bé quá nhỏ đủ trưởng thành để hiểu về sự nghiệp mình, nhưng Phoenix kể và suy nghĩ rất kỹ trước một quyết định nào đó. Phoenix quan sát và cho phép bạn đối thoại với mình. Ví dụ, Phoenix kể về công việc lúc làm ở đại học, gặp các thầy cô ở các tỉnh, và về quyết định khởi nghiệp.


Phoenix rất sợ khởi nghiệp vì biết đó là một hành trình không dễ dàng. Mình chỉ biết chuyên môn thôi, không có nhiều tiền để dành. Phoenix sắp xếp mọi chuyện xong và nói với Gấu rằng: "Mẹ thấy khoảng một năm gần đây, con không cần mẹ nhiều như xưa nữa. Con đóng cửa phòng nhiều hơn."


Nghe câu này cũng hơi đau lòng.


“Con ít nói chuyện hơn, thích bạn bè hơn. Mẹ tôn trọng điều đó và cũng nhớ con. Không phải vì vậy mà mẹ khởi nghiệp, nhưng mẹ thấy đã đến lúc mẹ thực hiện giấc mơ sự nghiệp của mình. Mẹ quyết định cùng với chị Uyên, Đồng sáng lập Sông An, mở một công ty.”


Dĩ nhiên, anh chàng đâu biết mở công ty là gì. Chuyện đó không thể xảy ra nếu ông xã Phoenix không hỗ trợ. Giai đoạn sau 16 tuổi, con trai không muốn mẹ can thiệp nhiều vào cuộc đời bạn. Ví dụ, sau 16 tuổi, có những câu chuyện Phoenix chỉ ngồi ngoài nghe. Lúc đầu, có buồn, có ghen, rồi mình thấy mình vô duyên.

Linh chắc chắn anh cũng ghen tị. Thời gian các bé ở với anh ấy, mình cảm thấy mình không có ở đó, bé không cần mình.

Có những câu chuyện Phoenix không hiểu, ví dụ nói về crypto, Java, công nghệ, bạn bè, đi chơi bắn súng. Bạn của Gấu là ông xã mình biết hết, tụi nó rất thích anh ấy. Con trai mà, mình đâu dám nói gì, nói sai thì bảo mẹ đừng nói nữa. Nếu là con gái, chắc sẽ khác. Chị Hai hợp với mẹ Linh hơn. Sau 16 tuổi, mình nhận ra ông xã ngồi nói chuyện với con buổi sáng, nấu cho con ăn.


Có lúc mình khùng khùng, nói: "Con thương mẹ không vậy?". Giống như: “Hai người còn thương mẹ không?” Hai người nhìn bà này bị khùng hả?. Đó là những trải nghiệm riêng của mình. Cũng như từ những gì mình được học.

Linh cũng thấy yên tâm hơn một chút. Không có gì quá to lớn, mình cứ cố gắng tập trung cho từng thứ một. Linh và ông chồng cũng đã làm tốt việc luôn có một phụ huynh ở nhà. Nếu Linh không có ở đó, thì anh ấy sẽ ở nhà. Nếu ngày nào anh ấy phải đi, Linh sẽ thay đổi lịch để có thể ở nhà.


Cũng có những thời gian gọi là one-on-one time. Thời gian một-một với các đứa bé, bọn mình sẽ thay phiên nhau. Thứ Bảy, đứa này, Chủ Nhật, đứa kia, rồi toàn gia đình. Đang làm tốt lắm rồi, nhưng Linh vẫn cảm thấy có lỗi. Trong ngày thứ Bảy cũng có lúc phải có sự kiện hoặc việc khác. Bên con khoảng tầm một ngày rưỡi sẽ giúp Linh đỡ cảm giác có lỗi.

Chắc tại vì Linh không làm trong nghề Phoenix. Linh ít gặp cha mẹ, Linh ít gặp các em. Phoenix gặp hai nhóm rất khác nhau: Các em nhỏ từ 11 - 12 tuổi đến khoảng 17 - 18 tuổi , thậm chí hơn hai mươi mấy. Phoenix còn gặp cha mẹ của các em nhỏ đến lớn. Phoenix không có dữ liệu nghiên cứu tại Việt Nam để nói rằng quan sát của mình hoàn toàn đúng. Phoenix chỉ có thể chia sẻ từ trải nghiệm từ lúc về Việt Nam làm từ 2009 đến bây giờ.


Các bạn ấy nói rằng: "Cô ơi, thật ra con luôn muốn mẹ con đi làm, muốn mẹ không ở nhà để không có là mình bị chú ý quá. Khi mẹ không đi làm, mẹ ở nhà với con, mẹ chú ý con nhiều quá. Con nghĩ có những lúc không nên chú ý con nhiều quá. Con muốn mẹ có niềm vui, con biết mẹ thích những việc này, nhưng mẹ hy sinh vì con. Giờ con mới là người có lỗi. Hồi đó, mẹ được làm việc mẹ thích."


Các bạn mẹ cũng nói rằng: "Em cảm thấy có lỗi khi không cho con bú được, khi phải đi làm nên em quyết định ở nhà cho đến khi con vào lớp sáu. Trong thời gian đó, có những lúc em cảm thấy mình lạc loài, bên lề xã hội, không có bạn đi ăn trưa. Bạn bè em họ đang đi làm hết rồi, đặc biệt là những người vừa có con vừa đi làm."


Khi gặp những trường hợp như vậy, Phoenix hay chỉ cho họ là thật ra trong nghề của mình, phát triển nghề nghiệp không cần phải đi làm có tiền. Mình vẫn có thể tham gia hội cha mẹ học sinh, vào những hội phi lợi nhuận hoặc làm những dự án online bán chút chút. Đó là những người có thể ở nhà khi lương của người bạn đời đủ cho cả gia đình. Còn không, làm những công việc bán thời gian, toàn thời gian.


Giống như mình nói với Gấu, không có phòng lab để thử nghiệm và Thái Vân Linh không hoàn toàn ở nhà. Khi Linh đi làm, Linh phải hiểu rằng có một góc nhìn rất khác từ những người mẹ hoàn toàn không đi làm. Cảm xúc của chị ấy như thế nào, các chị ấy nghĩ như thế nào. Có những chị rất vui, vì họ có những lịch trình rất bận rộn bên ngoài. Phoenix nghĩ đây là vấn đề của mỗi người phụ nữ và chắc chắn khán giả xem chương trình đều sẽ chia sẻ được với hai đứa mình.


Phoenix không cổ xúy phụ nữ phải đi làm hay ở nhà. Phoenix không dám. Cái đó bị đánh chết luôn. Phoenix chỉ muốn chia sẻ rằng khi mình ra một quyết định như vậy, có lẽ rất hữu dụng để mình nghe những người đã có trải nghiệm ngược lại. Hai bên nghe nhau có lẽ sẽ giúp được nhau nhiều lắm.

Linh cũng thấy thú vị. Mỗi khi Linh đi vô trường hay sự kiện của bé, cảm giác mọi người đang đánh giá mình là người mẹ luôn không có mặt. Lâu lâu Linh mới xuất hiện, bởi vì một phần là ba bé sẽ ở đấy và dẫn bé đi. Nên mỗi khi Linh xuất hiện, mọi người thấy rất ngạc nhiên. Linh cảm thấy bị đánh giá là người mẹ tệ quá. Bây giờ thấy ngược lại, có thể họ sẽ có góc nhìn khác.


Có thể là mình không đủ tự tin, mới tưởng tượng việc đó, nhưng có thể họ cũng muốn cuộc sống của mình có những việc khác đang xảy ra.

Cho nên nhiều khi mình nên có một góc nhìn ngược lại hoặc cái nhìn rất khác để mình hiểu rằng thế giới xung quanh khác biệt. Những cái này Linh thường ít nói ra. Nói ra sẽ rất gây ngạc nhiên, mấy bà sẽ nói: “Linh ơi, chị thích kiểu như Linh lắm”. Thỉnh thoảng sẽ rất thú vị.

Câu hỏi số 11: Chị đã mô tả những trường hợp mà mình cần rất nhiều kiên nhẫn để trả lời một cách bình tĩnh. Chị có thể mô tả những trường hợp mà chị đã mất kiên nhẫn, la hét và Gấu đã bị tổn thương, và mình đã giải quyết như thế nào không?

Phoenix nhớ ngay tới một trường hợp. Hôm đó, mình phải trang điểm rất sớm để đến một sự kiện, hình như là liên quan tới lên sóng hoặc tương tự. Vì lo lắng nhiều, mình không trả lời những câu hỏi của Gấu đặt ra và không để ý. Gấu giận, hét lên, rồi mình hét lại.


Lúc đó, Gấu 10 tuổi. Với Phoenix đây là giai đoạn khó nhất. Kết quả là cả hai đều không vui. Sau đó, mình phải đi vì đã đến giờ, mình giao lại cho papa Gấu xử lý. Tối hôm đó, Phoenix về nhà và ngồi nói chuyện với Gấu. Mình xin lỗi vì hành vi của mình và yêu cầu Gấu xin lỗi mẹ vì đã tổn thương mẹ.


Những chuyện này không ít đâu. Suốt giai đoạn năm 10, 11 và 12 của Gấu, tụi mình có nhiều cuộc cãi nhau nảy lửa. Mỗi lần cãi với chồng, Phoenix có thể ngay lập tức nghĩ đến việc bỏ đi vì mệt quá. Nhưng cãi với con, mình đâu có bỏ con được.


Phoenix phải lôi những cuốn sách ra đọc để hiểu. Lúc đó, Phoenix mới hiểu tại sao mình hành động như vậy. Phoenix hiểu bằng lý trí. Có những lúc Phoenix phải lùi cảm xúc lại để giải thích bằng khoa học, lý trí. Thạc sĩ năm thứ hai của Phoenix phải mượn khoản vay sinh viên, mất 10 năm để trả. Đó là quyết định sáng suốt nhất vì nó giúp mình làm mẹ tốt hơn.

Câu hỏi số 12: Phoenix phải đi học, và 2-3 năm mới trở thành bà mẹ tốt đúng không?

Mấy anh chị khác kêu đi học mà khổ quá, mà mình chỉ khổ về tài chính thôi. Họ không khổ vì tiền nhưng khổ vì việc trở thành bà mẹ tốt. Nhưng nhờ vậy Phoenix hiểu hơn về cuộc sống và làm nghề tốt hơn.


Phoenix học được một bài học là không cần bắt con phải hiểu mình đã sai cái gì quá nhiều. Vì ở tuổi đó bạn chỉ hiểu đến mức độ nào đó thôi. Mình xin lỗi và không lặp lại lỗi cũ. Phoenix hay nói với các anh chị trong nghề là mình có những lúc sẽ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp không được vi phạm, nhưng con người sẽ vi phạm. Mình không được vi phạm lại cùng một lỗi.


Một trong những bài học từ các bậc cha mẹ đã kiệt sức là mình phải cho phép mình làm sai trong vai trò cha mẹ. Nếu không, mình sẽ bị kẹt trong cái bẫy hoàn hảo và sẽ hành hạ mình và con. Tại vì mình bắt con mình phải thấy được tại sao mình không sai. Đây là một bài học rất dài. Mãi đến gần đây, Phoenix mới học được là không cần phải là người đúng và hoàn hảo, mối quan hệ và cách làm mẹ của mình sẽ nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt là giai đoạn 10 - 11 - 12 của anh chàng, anh chàng đã lớn trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Nhớ lại còn sợ, không muốn quay lại luôn.

Linh rất sợ hãi tới giai đoạn đó, nên đang cố gắng tích góp thêm thông tin. Điều này khá thú vị vì khi Linh lớn lên, thế hệ phụ huynh lúc đó chỉ la hét để con nghe rồi xem như hết chuyện. Nhưng thật ra không phải vậy, mình không kết thúc được vấn đề. Linh luôn cố gắng trở lại với con.


Linh nhớ là khi ChatGPT mới ra, một trong những câu hỏi đầu tiên Linh hỏi là: "Làm thế nào để xin lỗi một đứa bé 7 tuổi?". Ngày nay, phụ huynh cảm giác mình đối xử với bé như người lớn. Khi mình sai, mình nên xin lỗi và không cần giải thích quá chi tiết.


Cảm ơn tiNiWorld - Khu vui chơi Giáo - Trí hàng đầu Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình

Khám phá thêm về hành trình mang đến nụ cười và ký ức tuyệt vời cho hàng triệu trẻ em Việt Nam tại đây

Cảm ơn tiNiWorld - Khu vui chơi Giáo - Trí hàng đầu Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình

Khám phá thêm về hành trình mang đến nụ cười và ký ức tuyệt vời cho hàng triệu trẻ em Việt Nam tại đây

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 01

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 01


ĐỌC THÊM

Về các khách mời khác trong chương trình tại đây
Vai Trò Của Người Bố Trong Việc Nuôi Dạy Con Gái
Bố Mẹ Có Thể Yếu Đuối Như Thế Nào Trước Mặt Các Con?
Đây Là Lần Đầu Tiên Anh Có Đứa Con Thứ Hai