Ngoài vai trò là một doanh nhân, rất yêu thích làm việc, Linh còn là một người mẹ của hai bé gái nhỏ. Trong suốt nhiều năm qua, Linh đã luôn cố gắng để có thể làm tốt nhất cả hai vai trò này.


Và đó là lý do giờ đây, Linh rất phấn khởi và cảm xúc khi giới thiệu đến bạn chuỗi nội dung Bố Mẹ Đi Làm. Mỗi tập Bố Mẹ Đi Làm là một câu chuyện từ các khách mời ở nhiều vai trò khác nhau. Điểm chung của Linh cùng tất cả các khách mời chính là đều yêu thích việc theo đuổi sự nghiệp và mong muốn trở thành người cha mẹ tốt của con mình.


Mình Làm Mẹ, Và Mình Làm Mình, Nó Không Có Mâu Thuẫn Với Nhau Khách mời trong tập đầu tiên là chị Phoenix Hồ - CEO tại Hướng nghiệp Sông An. Ngoài những thành tựu trong công việc, chị Phoenix là mẹ của một bé trai 17 tuổi. Chủ đề chính mà chị Phoenix sẽ mang đến trong tập này là Mình Làm Mẹ, Và Mình Làm Mình, Nó Không Có Mâu Thuẫn Với Nhau.


Bài viết này sẽ không đem đến cho bạn một công thức hay lời khuyên để trở thành người mẹ hoàn hảo. Trái lại những trải nghiệm được chia sẻ trong cuộc trò chuyện này cỗ vũ bạn hãy “dũng cảm" cho phép mình được sai, được là những người ba người mẹ chưa hoàn hảo. Để rồi từ đó, cả bạn và các con của mình sẽ cùng học hỏi, phát triển cùng nhau với sự thấu hiểu sâu sắc.


Linh tin rằng đâu đó trong video này, bạn sẽ tìm thấy được câu chuyện của mình và cảm thấy được sự chia sẻ.

Xem đầy đủ tập 01

Xem đầy đủ tập 01


Câu hỏi số 1: Khi Linh làm kinh doanh, Linh lên kế hoạch rất chi tiết bao gồm việc suy nghĩ, nghiên cứu, đưa ra nhiều ý tưởng khác nhau và đi nói chuyện với nhiều người để tìm hiểu thật đầy đủ. Nhưng khi Linh có thai, Linh không biết gì cả.


Có nhiều người nói Linh nên đi nghiên cứu, đi nói chuyện với người mẹ này người mẹ kia. Nhưng Linh rất sợ hãi, không biết khi mời người ta đi cà phê, mình hỏi gì nữa. Linh bắt đầu từ số không và có thể là về âm luôn. Không biết là với chị Phoenix, lúc chị có thai chị đã chuẩn bị như thế nào?

Câu hỏi này giúp cho Phoenix nhớ lại hồi xưa mình làm mẹ như thế nào. Về công việc, Phoenix cứ băng băng làm, không chuẩn bị, không nghiên cứu, không lên kế hoạch. Nhưng khi làm mẹ, Phoenix lên kế hoạch kỹ lắm. Trước khi làm mẹ một năm, Phoenix đã biết cần uống thuốc gì, tập yoga, ăn những gì.


Phoenix thường ẩu về ăn uống lắm, nhưng trong một năm chuẩn bị làm mẹ, Phoenix đã ăn uống rất nghiêm túc. Khi làm mẹ, cần để ý những gì? Từ cảm xúc đến những sách cần đọc. Phoenix không đọc nhiều nhưng đọc rất chọn lọc. Phoenix chuẩn bị rất kỹ cho vai trò làm mẹ.

Không biết là chị đã bắt đầu bao lâu trước khi có thai?

Phoenix chuẩn bị khoảng 12 tháng trước đó, tức là một năm trước khi có thai. Nói cách khác, gần nửa năm trước khi sanh Gấu.

Câu hỏi số 2: Khó khăn của Linh là khi Linh muốn có con, không phải cứ muốn là có được liền, phải cố gắng và phải thả lỏng mọi thứ. Vì vậy, Linh không biết phải chuẩn bị trước bao lâu. Lý do Linh không muốn bắt đầu quá sớm là do nó hơi lãng phí thời gian. Vì sao chị chọn bắt đầu ngay thời điểm đó?

Phoenix biết làm mẹ tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, Phoenix dự định là sẽ có bầu ngay khi đang học chương trình thạc sĩ thứ hai của mình - chương trình thạc sĩ tham vấn phát triển nghề nghiệp.


Phoenix tính học thạc sĩ học trong 3 năm. Năm đầu tiên Phoenix sẽ học những lớp cần thiết, và trong lúc có bầu thì sẽ học hết sức có thể. Khi sinh con thì học chậm lại một chút. Sau đó, năm cuối cùng sẽ lại học thật nhanh. Phoenix đã lên kế hoạch kỹ càng khi có bầu. Chẳng hạn như Phoenix sẽ làm việc bao nhiêu tiếng một tuần. Không thể không đi làm, đúng không? Sau khi sinh con thì làm bao nhiêu tiếng?. Tức là, vai trò làm mẹ là ưu tiên, tất cả những kế hoạch khác xoay xung quanh.


Người khác nói: "Sao có thể vừa học thạc sĩ, vừa đi làm, vừa làm mẹ?". Phoenix thấy học rất dễ. Đối với Phoenix, học cực kỳ dễ, nên học chỉ là chuyện nhỏ, chỉ có lo không có tiền đi học thôi. Học là chuyện nhỏ, đi làm cũng không khó. Vì làm counselor, làm công việc mình yêu thích mà, đâu có khó. Khó nhất là làm mẹ, nên lúc đó ưu tiên của mình là vai trò làm mẹ. May mắn trời thương, lúc có bầu Phoenix không gặp vấn đề gì cả.

Câu hỏi số 3: Đó chính là vấn đề. Khi lên kế hoạch, mọi thứ đều trông rất lý tưởng. Linh từng nghĩ sẽ cưới chồng khi hai mươi mấy tuổi, rồi sau đó có con liền. Nhưng đến khi ngoài 30, vẫn chưa có bạn trai, kế hoạch vẫn còn đó, nhưng thực tế thì lại khác. Khi chị lên kế hoạch, thực tế có giống như chị đã tưởng tượng không?

Mọi thứ đều giống như kế hoạch, ngoại trừ việc bố của Gấu và Phoenix không thể tiếp tục ở bên nhau. Mình không thể lên kế hoạch cho người khác, đúng không? Bây giờ nhìn lại thì cười chứ lúc đó là khóc á.

Có một cái khác khiến Linh khóc rất nhiều. Trước khi Linh bắt đầu suy nghĩ về việc có thai, Linh đã tự hỏi bản thân muốn gì. Lúc đó, Linh chắc chắn muốn tiếp tục sự nghiệp. Linh cũng không hiểu tại sao khi đó lại nghĩ rằng việc đó đã được quyết định trước chứ không phải là có một kế hoạch rõ ràng. Nhưng sau này, Linh mới nhận ra rằng suy nghĩ ở thời điểm đó thực sự rất có ích.


Sau khi có thai, thậm chí ngay từ tuần đầu tiên, hormone bắt đầu thay đổi khiến Linh rất mệt mỏi, không thể xem màn hình máy tính, và bị nhức đầu. Công việc của Linh lại đòi hỏi phải ngồi trước màn hình. Điều này khiến Linh phải xem xét lại xem mình đang làm gì và liệu có thể tiếp tục công việc này hay không. Sau khi sinh con, Linh cố gắng cho con bú, nhưng lúc đó sữa không ra và Linh cảm thấy rất vô dụng với vai trò người mẹ.


Linh không thể cho con bú, mọi thứ trở nên rất khó khăn. Cùng lúc đó, Linh vừa mới khởi nghiệp và phải quay trở lại làm việc ngay. Mỗi ngày, Linh tự đi vào văn phòng, cảm thấy buồn bã và mệt mỏi. Điều duy nhất mà Linh nhớ và bám vào là quyết định muốn tiếp tục sự nghiệp. Quyết định đó đã giúp Linh rất nhiều.

Câu hỏi số 4: Không biết chị thế nào? Chị đã chuẩn bị rất kỹ, lên kế hoạch hoàn hảo để vừa tốt nghiệp thạc sĩ vừa có con. Trong quá trình đó, chị có suy nghĩ đến sự nghiệp của mình không?

Câu hỏi của Linh khiến Phoenix nhận ra rằng mình thích làm việc, nên sự nghiệp chưa bao giờ tách biệt hoàn toàn. Mình làm mẹ và làm mình, hai vai trò đó không mâu thuẫn với nhau.Phoenix chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về sự nghiệp và cũng chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về con. Hai điều này luôn song hành với nhau, nhưng điều thú vị là có những lúc Gấu sẽ chiếm ưu tiên và khiến Phoenix quyết định làm chậm lại sự nghiệp.


Ví dụ như được lên chức, Phoenix sẽ từ chối. Tuy nhiên, dòng chảy của sự nghiệp chưa bao giờ bị tắt nghẽn hay ngừng lại vì làm mẹ. Nó chỉ không chiếm sự ưu tiên hàng đầu. Như hiện tại, cả hai vẫn song hành với nhau. Nhưng điều bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là sức khỏe của Phoenix, vì mình đã dồn sức cho cả hai vai trò đó.

Câu hỏi số 5: Linh nghe Phoenix mô tả thì Linh cũng muốn đạt được như vậy, nhưng thực tế lại rất khó. Linh phải đối phó với cảm xúc của Linh khi phải chọn giữa việc tham dự một buổi họp quan trọng, đi công tác hay ở nhà với bé. Nếu chọn ở lại với bé vì bé đang cần Linh, dẫn đến việc phải từ chối một cơ hội trong công việc. Lúc đó, Linh sẽ cảm thấy rất tức giận, không biết nên tức giận với ai. Linh tức giận với đứa bé, tức giận với bản thân, và thậm chí còn tức chồng vì sao anh ấy không giúp đỡ mình nhiều hơn. Chị đã đối phó với những cảm xúc này như thế nào?

Phoenix lại không rơi vào trường hợp đó. Không phải là Phoenix không gặp mâu thuẫn, nhưng Phoenix nghĩ đây là một điểm mạnh của mình. Trong cuộc đời, ở từng giai đoạn, Phoenix luôn biết điều đâu là điều mình muốn nhất. Khi Phoenix xác định được điều đó, mình sẽ sắp xếp cuộc sống cho phù hợp.


Ví dụ như sẽ có lúc Phoenix phải đi học ở Kuala Lumpur, nhưng vẫn bay về ở với Gấu. Có những thời điểm, Phoenix không ở gần bên ngoại vì tất cả mọi người đều ở Mỹ. Ở Việt Nam, hôn nhân cũng đã đổ vỡ nên không có bên nội hỗ trợ. Lúc đó, mình có một nhóm các em nuôi, tức là những em mà mình đã dạy trong lớp học tình thương từ năm 2002. Phoenix không chủ động sắp xếp, nhưng tình cờ các em cần nơi để được nâng đỡ về ăn uống và nghỉ ngơi để có thể học thi lớp 12. Các em cứ dọn vào thôi.


Sau đó, Phoenix mới nhận ra là khi các em dọn vào thì tụi Phoenix có một gia đình rất lớn. Có lúc mình đi, nhưng luôn có một hay hai anh chị ở với Gấu. Phoenix không sắp xếp nhưng khi cuộc sống tiếp diễn, tự nhiên sẽ có những thứ khác bước vào. Quan trọng là ở thời điểm đó, mình luôn biết là "Ok, tôi muốn cái này và điều này phải xảy ra."

Linh suy nghĩ là không biết có phải do hormone đã ảnh hưởng quá nhiều đến cơ thể của Linh hay không. Trước khi có con, Linh là một người như robot, không có cảm xúc. Linh luôn luôn vui vẻ, thức dậy là rất vui, cảm thấy buổi sáng rất tốt, và mọi thứ sẽ yên bình mãi mãi. Nhưng sau khi có thai, mọi thứ bắt đầu lên xuống.


Lúc đó, Linh cảm thấy có lỗi với tất cả mọi người, có lỗi với con vì không có thời gian cho con, có lỗi với các bạn trong văn phòng vì không thể tập trung như trước, có lỗi với chồng vì không dành thời gian cho anh ấy, và có lỗi với mẹ, có lỗi với cả thế giới. Điều này dẫn đến rất khó để Linh lý trí như chị mô tả.

Câu hỏi số 6: Dù Gấu có các bạn làm bạn ở nhà, nhưng chị Phoenix không có ở đó, mình có cảm giác có lỗi và khó chịu không?

Không. Phoenix hiểu trường hợp của Linh. Phoenix có rất nhiều bạn giống Linh. Các bạn ấy thường làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh, tài chính, ngân hàng, marketing, sự kiện, kỹ thuật, công nghệ. Các bạn ấy ở những tuổi khác nhau, và thường đến tâm sự với Phoenix. Phoenix nhận ra rằng trước đó, họ không phải không có cảm xúc, mà là họ chưa bao giờ cho cảm xúc bước vào cuộc đời của họ nhiều.


Mỗi lần cảm xúc tới, họ đẩy nó ra, và lúc đó họ thấy vẫn ổn. Linh rất giỏi đẩy, chỉ chấp nhận tích cực và vui vẻ.

Nhưng khi có một sinh linh khác bước vào cuộc đời Linh, sinh linh đó không cho Linh đẩy ra. Nó khóc, nó thức dậy sớm, và Linh phải dậy với con, không đẩy được.

Giai đoạn có em bé là lúc Phoenix nhìn lại hành trình của mình. Phoenix lùi về tâm lý một chút: Hồi xưa, mẹ mình có bầu mình ra sao? Mẹ nuôi mình thế nào? Cho dù Linh không muốn, tất cả những điều đó đều ào về. Bài học mà trước đó Linh đẩy đi, không chịu học, thì Linh phải học lúc có con.


Cho nên, không phải Linh không giỏi bằng Phoenix hay Phoenix ưu tiên hơn Linh, mà là bài học của Linh học, Phoenix đã học từ những năm mười mấy tuổi. Đến khi Phoenix quyết định học chương trình thạc sĩ tham vấn phát triển nghề nghiệp, Phoenix muốn hiểu hơn về vai trò của cảm xúc trong cuộc đời loài người, không chỉ của chính mình.


Đến lúc đó, Phoenix đã học được nhiều điều, trong khi Linh lại phải đối mặt với mọi thứ cùng một lúc. Phoenix đoán vậy thôi, có thể không đúng.

Câu hỏi số 7: Linh thấy rất thú vị, nếu các bạn đang theo dõi Linh thấy cuộc sống Linh rất vui vẻ, thì cảm giác này có thể là một nguy cơ. Ai cũng cần phải cẩn thận khi có thai đúng không? Vậy có cách nào để mọi người chuẩn bị trước không?

Có, Phoenix nghĩ nếu Phoenix là bạn của Linh trước khi Linh quyết định có em bé, Phoenix sẽ nói: "Có một số tài nguyên, một số cuốn sách về cảm xúc. Linh muốn thử đọc không?". Một trong những cuốn sách đó là "Parenting from Inside Out" (Làm cha mẹ từ trong ra ngoài). Cuốn sách đó hình như chưa được dịch ra tiếng Việt. Mỗi lần đọc là khóc, không đọc tiếp được vì nó bắt mình nhìn lại. Khi bạn làm mẹ, làm cha, có nguy cơ bạn sẽ quay về cách bạn được nuôi dạy bởi ba mẹ mình. Nó cũng kéo ra nhiều cảm xúc thời thơ ấu mà mình không muốn đối mặt.


Một trong những cuốn sách Phoenix sẽ đề nghị Linh đọc là cuốn đó. Một cuốn khác là cuốn của chị Brené Brown, không phải những cuốn gần đây mà là cuốn xưa nhất, "The Gifts of Imperfection" (Dịch ra tiếng Việt là "Món quà của sự không hoàn hảo"). Phoenix hay đoán rằng những người bạn của Phoenix giống Linh mà Phoenix đã gặp, cuộc đời của họ phải hoàn hảo. Mọi thứ đều phải ở mức 10, 9,5 hoặc 9,99 cũng không chịu.


Đọc cuốn này sẽ chuẩn bị cho mình bước vào giai đoạn mới, vai trò mới mà vai trò này không kiểm soát được. Làm mẹ không kiểm soát được. Không bao giờ 100%, không bao giờ hoàn hảo. Con mình sẽ dạy mình cách làm mẹ không hoàn hảo.


Cảm ơn tiNiWorld - Khu vui chơi Giáo - Trí hàng đầu Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình

Khám phá thêm về hành trình mang đến nụ cười và ký ức tuyệt vời cho hàng triệu trẻ em Việt Nam tại đây

Cảm ơn tiNiWorld - Khu vui chơi Giáo - Trí hàng đầu Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình

Khám phá thêm về hành trình mang đến nụ cười và ký ức tuyệt vời cho hàng triệu trẻ em Việt Nam tại đây

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 01

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 01


ĐỌC THÊM

Về các khách mời khác trong chương trình tại đây
Yêu Thương Thì Bao Giờ Cũng Tốt Hơn Là Ghét Nhau
Con Cái Sẽ Kỳ Vọng Điều Gì Trong Mối Quan Hệ Với Bố Mẹ?
Phiên Bản Trước Đây Hay Phiên Bản Hiện Tại Sẽ Khiến Bạn Hạnh Phúc Hơn?