Chúng ta đều rất thương bố mẹ, nhưng bạn có thích bố mẹ của mình không? Con cái thể hiện sự quan tâm bằng cách mua nhà cho bố mẹ, đưa bố mẹ đi du lịch và ăn chung với bố mẹ mỗi cuối tuần. Nhưng liệu bạn có thực sự tận hưởng khoảng thời gian bên bố mẹ không, hay bạn chỉ đang làm vì trách nhiệm?
Trong tập 4 của Bố Mẹ Đi Làm, Linh đã có dịp trò chuyện với anh Đàm Hà Phú - một người ba có 2 con cùng những quy tắc gia đình khác biệt. Anh đã chia sẻ về hành trình cân bằng giữa việc làm bạn với con cái và việc duy trì những nguyên tắc không thể thay đổi.
Với Linh, đây không chỉ đơn thuần là cuộc trò chuyện về chủ đề làm bố mẹ, hay về việc nuôi dạy con cái. Những câu chuyện từ anh Phú còn truyền cảm hứng rất nhiều về việc nuôi dưỡng tinh thần và nghị lực để vượt qua những giai đoạn khó khăn. Đặc biệt là khi những trải nghiệm này được chia sẻ dưới góc nhìn của một trụ cột gia đình. Và rồi sau cùng chúng ta nhận ra, tình yêu thương, sự gắn kết sẽ luôn là chiếc chìa khóa vạn năng.
Hãy cùng Linh lắng nghe về hành trình này cùng anh Đàm Hà Phú nhe!
Câu hỏi số 1: Theo Linh biết, khi anh nói chuyện với các con thì các con sẽ "Dạ" với anh. Ngược lại, khi các con nói chuyện với anh, anh cũng sẽ "Dạ" lại với các con. Anh có thể mô tả giúp em về hành động này không?
Đây là một truyền thống của nhà Phú. Thường thì khi các con còn nhỏ và bắt đầu biết nói, biết gọi ba, gọi mẹ, Phú sẽ "Dạ" và hình thành một thói quen. Từ đó, mình duy trì việc mỗi lần con gọi thì mình "Dạ”, hoặc khi mình nói chuyện với các con thì mình luôn "Dạ". Việc này sẽ tập cho các con thói quen "Dạ" thưa với mình và với người khác.
Câu hỏi số 2: Vì Linh đã lớn lên ở nước ngoài và tiếng Việt của Linh không quá chuẩn. Linh nghĩ hành động "dạ" giống như mình đang thừa nhận mình nhỏ hơn người nào đó và mình đang tôn trọng vì người đó có nhiều kinh nghiệm hơn. Khi anh "dạ" với các bé, liệu điều đó có đem lại thông điệp nào cho các bé không?
Tất nhiên là các bé sẽ hiểu ngầm rằng đây là một ví dụ để khi các bé nói, các bé cũng sẽ "Dạ" lại với mình. Dù vậy, với người ngoài, họ có thể sẽ thấy hơi kỳ. Họ nói: "Ủa sao anh chị này lớn mà mỗi lần nói chuyện với con đều dạ thưa hoặc là các con gọi đều phải dạ thưa?” Nhưng Phú không ngại khi gia đình Phú có nhiều điều đặc biệt. Ngoài chuyện "dạ" đó, Phú cũng có một số quy ước khác biệt với những gia đình khác. Mình cảm thấy điều đó dễ thương, là riêng của gia đình mình nên mình không muốn thay đổi.
Câu hỏi số 3: Vậy anh có thể chia sẻ thêm về những đặc điểm đó của gia đình anh không?
Ví dụ, nhà mình gọi nhau bằng tên. Tức là, mình sẽ không bắt các con phải gọi ba hay mẹ. Các con có thể gọi là Phú hay Thắm. Các con muốn gì thì cứ gọi “Phú ơi” hay “Thắm ơi”, Phú và Thắm sẽ “dạ”.
Điều đó đã bắt đầu từ độ tuổi nào?
Khi các bé còn rất nhỏ thì đã gọi mình là Phú, không phải là "anh Phú" mà chỉ đơn giản là "Phú”. Có lúc các bé cũng gọi mình là "anh Phú", mình cũng sẽ “dạ”, nhưng đa số vẫn là "Phú ơi". Mình sẽ gọi con gái là “em”, con trai thì gọi là “anh”. Tới bây giờ Phú vẫn gọi con trai mình là "anh Văn" còn con gái là "em Thi". Hai chị em không gọi nhau là "chị em" mà chỉ gọi tên thôi. Tất nhiên sau này khi các bé lớn và đi ra ngoài, các bé cũng ngại và sẽ gọi "ba mẹ" hoặc "chị em". Nhưng ở trong nhà thì cứ gọi tên thôi. Đó là một quy ước để mọi người thoải mái với nhau, không có khoảng cách, không có giới hạn, không bị danh xưng ràng buộc nhau. Vậy nên mình cảm thấy rất thoải mái.
Chuyện này nhắc Linh về gia đình mình. Với mẹ, Linh cũng không xưng là con, mẹ cũng không gọi mình là "Linh" hoặc "con." Cho đến khi về Việt Nam thì Linh mới phát hiện là mình hơi khác với mọi người trong việc này. Mẹ Linh là người Tiều nên khi Linh lớn lên, mẹ đã cố gắng nói tiếng Tiều với Linh. Vì vậy, khi đổi qua tiếng Việt, mẹ cứ gọi là "Linh." Bởi vì không có người khác trong gia đình để Linh nghe theo nên Linh cũng không biết phải tự xưng là con. Đến bây giờ Linh vẫn tự xưng bằng tên.
Khi đi ra ngoài, cảm giác mình cũng hơi hỗn khi không tự xưng bằng "con". Nhưng từ nhỏ tới lớn thì mình chưa bao giờ xưng hô như vậy.
Nhiều khi đi ra ngoài, ở trước mặt mọi người thì vẫn phải xưng. Nhưng ở trong nhà thì thoải mái hơn.
Khi vào lớp một thì các bé mới bắt đầu thấy các bạn khác gọi ba mẹ, các bé cũng về gọi ba mẹ, không hẳn lúc nào cũng gọi bằng tên. Nhưng trong nhà thì thường gọi tên, và Phú cũng thích cách gọi đó. Phú cũng hay gọi các bé bằng tên chứ không gọi là con hay biệt danh khác.
Anh và vợ có lý do gì khi quyết định xưng hô theo cách này không?
Thực ra, việc này cũng tình cờ thôi. Phú đặt tên cho các bé từ lúc hai vợ chồng quen nhau. Phú dự kiến sẽ sinh hai đứa con, nên mình chọn một cái tên nào đó để tiện đặt cho con gái hay con trai gì cũng được. Mình cũng nói rằng sau này nếu sinh con ra thì sẽ gọi con bằng tên vì tên mình đặt rất đẹp rồi. Khi mình gọi các con bằng tên thì các bé cũng sẽ gọi ngược lại mình bằng tên vậy.
Câu hỏi số 4: Có một chủ đề mà Linh khá phân vân khi nhắc đến. Bé lớn của Linh đã 8 tuổi, bé bắt đầu để ý đến con trai và cũng phát triển hơi nhanh quá. Nên Linh cũng đang phân vân là ở độ tuổi nào bé có thể có bạn trai. Vậy với anh, khi con gái hay con trai của anh muốn có bạn trai, bạn gái thì gia đình đã thảo luận như thế nào?
Phú cũng có một số các quy ước và những quy ước đó hầu như các bé đều tôn trọng. Ví dụ, đối với bé gái thì Phú sẽ quy ước là trên 16 tuổi mới được có bạn trai. Khi dưới mức đó thì bé muốn thích bao nhiêu bạn cũng được, nhưng không được có bạn trai và không được nhắc gì đến bạn trai hết. Trên 16 tuổi mới tính tới chuyện đó. Trên 18 tuổi mới được nhuộm tóc, xăm hình. Mình nghĩ việc đó cũng bình thường thôi khi mà mình có những quy ước, sau này sẽ đỡ phải tranh luận.
Câu hỏi số 5: Nhưng việc này liệu có hơi khó không? Bởi vì nếu trong gia đình có thói quen mọi người có thể thảo luận và đưa ra ý kiến thì có thể khi bé 12 tuổi, bé sẽ nói "Con muốn có bạn trai."
Mình phải lật lại quy ước, có những chuyện có thể thảo luận được, có những chuyện không thảo luận được. Ví dụ, ngủ lúc 10:30 là không thảo luận. Hay đến trường lúc sáng sớm là không thảo luận. Không có chuyện sáng sớm không chịu đi học rồi ngồi thảo luận. Có những quy tắc không được phép thảo luận. Quy tắc này mình phải đặt từ nhỏ, để các bé hiểu rằng các con phải tuân theo quy tắc của ba mẹ. Và ngược lại, nếu con có một vài quy tắc, thì ba mẹ sẽ tuân theo quy tắc của con.
Câu hỏi số 6: Vậy mình có thể giới thiệu những quy tắc đó lúc nào? Ngay lúc bé đang làm chuyện gì đó, hay mình sẽ ngồi xuống bắt đầu cuộc thảo luận rằng đây là tất cả những quy định của gia đình?
Không đến mức là Phú liệt kê ra mà Phú sẽ định hình một bộ quy tắc. Ví dụ, vợ chồng thì Phú sẽ nói trước rằng có vấn đề gì thì phải ngồi lại với nhau và không được giận nhau quá 24 tiếng. Tối nay có thể giận, nhưng ngủ đến sáng mai là phải xong rồi.
Có được phép đi qua phòng khác ngủ không? Hay là bắt buộc phải ngủ cùng giường?
Bắt buộc phải ngủ cùng giường. Đến con cái thì cũng như vậy. Con có một số quy tắc như là không được cãi lời cha mẹ. Con muốn cái gì thì đưa ra ý kiến và thảo luận, con không được cãi ngang. Đó là những nề nếp nhất định, không phải mọi thứ đều được tự do. Nhưng bù lại, cũng trong bộ quy tắc đó, các con có quyền có những ý kiến, những đề xuất và những chọn lựa. Ba mẹ phải tuân thủ việc đấy.
Câu hỏi số 7: Linh có cảm giác anh muốn đi theo hướng làm bạn của bé hơn là muốn làm phụ huynh của bé, đúng không?
Đúng rồi. Mọi người hay nói về việc đó. Ba mẹ nên là bạn của con cái. Nhưng mà bạn như thế nào thì lại không có định nghĩa cụ thể và không có giới hạn rõ ràng. Ở nhà Phú, Phú là bạn của con cái, nhưng Phú có những giới hạn và định hướng để các con hiểu rằng: nếu các con cần một người bạn, thì mình là người bạn; nếu các con cần một người làm cha mẹ, thì mình là người làm cha mẹ; nếu các con cần một người hướng dẫn, thì mình là người hướng dẫn.
Nói chung, bất kỳ cái gì các con cần, một người hộ vệ, một vệ sĩ, một đầu bếp,… Phú sẽ là người đó. Trong mỗi công việc, Phú luôn có những định nghĩa để các con hiểu rằng: chỉ có lúc này, chúng ta mới là bạn thôi, còn lúc khác thì ba đảm nhận vai trò khác. Không phải lúc nào cũng là bạn được. Do đó, khi các con lớn lên, các con cảm thấy rất thoải mái. Con có thể trao đổi với mình về mọi thứ, dù có là những điều không hay, không tốt, hay những câu chuyện cá nhân, con vẫn chia sẻ với mình. Con tìm kiếm lời động viên, lời chia sẻ, hoặc sự giúp đỡ, mình luôn có mặt.
Câu hỏi số 8: Vậy giả sử, con của anh đã đi chơi với bạn trai hoặc bạn gái. Con đã cãi nhau ở ngoài và về nhà muộn, hứa 7 giờ tối về mà 8 giờ tối mới về. Anh với vai trò người ba và hỏi "Tại sao con về trễ một tiếng?" hay là vai trò người bạn và hỏi "Ủa, con đang buồn gì vậy?"
Cái này thì đúng là đã xảy ra như vậy. Nó đã xảy ra trong quá khứ nhiều lần. Đa số là bé về muộn với tâm trạng không vui. Như Phú đã nói, tốt nhất là mình sẽ giữ cho con sự riêng tư trong lúc đó. Bây giờ, người bạn này không đủ thân, không đủ thông tin để chia sẻ liền, để nói "Ôi, thằng đó không tốt đâu con ơi". Tốt nhất là cứ giữ riêng tư cho bé. Còn việc bé về trễ là một việc vi phạm nguyên tắc rồi, thì chút nữa, hay ngày mai mình sẽ xử lý.
Câu hỏi số 9: Nếu là một người bạn, anh đã bao giờ xin phép con của mình để làm điều gì đó không?
Hầu như tất cả mọi việc Phú đều xin phép. Nguyên tắc là mọi việc đều phải thảo luận. Nói xin phép thì có hơi nặng nề, nhưng thực sự ý nghĩa của nó là xin phép. Vợ chồng Phú hay đi chạy bộ và leo núi vào cuối tuần, nên mỗi cuối tuần như vậy mình phải có kế hoạch trước. Mình phải nói, "Cuối tuần này ba mẹ sẽ đi vào thứ Bảy, đi từ sáng tới chiều ở cái núi đó, các con có ok không?" Nếu các con nói ok, thì mình đi. Còn nếu không ok, chẳng hạn như "Hôm nay có sinh nhật bạn, con phải đi, ba mẹ phải chở con đi", thì mình phải hủy.
Câu hỏi số 10: Một trong những điều mà Linh đang phân vân là khi nào các bé được sử dụng điện thoại. Tầm tám tuổi bé đã bắt đầu hỏi xin điện thoại rồi. Thực ra, Linh cũng chưa biết khi nào nên cho bé dùng điện thoại, vì ngày xưa thế hệ của Linh không có điện thoại luôn. Trước khi lên đại học mới bắt đầu dùng, thậm chí là tốt nghiệp đại học mới có điện thoại. Với anh Phú thì như thế nào? Con của anh đã dùng điện thoại và mạng xã hội ở độ tuổi nào?
Các bé nhà Phú khi vô học lớp 1 là mình bắt đầu cho sử dụng điện thoại. Nhưng lúc đó Phú chỉ dừng ở mức cho sử dụng iPad thôi.
iPad tức là không nghe gọi được, và chỉ để xem thôi. Khi lớn hơn, khoảng lớp ba, lớp bốn thì mới bắt đầu tiếp cận điện thoại. Nhưng việc sử dụng điện thoại, sử dụng mạng internet và chơi game, ở nhà Phú là tự do thoải mái. Phú đầu tư cho các con máy tính để chơi game, điện thoại để chơi game, và nâng cấp máy tính. Thậm chí, tài khoản game của bé là tài khoản của mình, nghĩa là các bé có thể mua đồ trong game. Mình rất thoải mái về việc này, nhưng mình không khuyến khích các phụ huynh khác bắt chước, vì mình đã có một nền tảng là các con mình cực kỳ tôn trọng quy tắc rồi, cho nên mình mới dám cho các con thoải mái.
Quy tắc đó là gì vậy?
Ví dụ 10 giờ rưỡi là các con phải ngưng dùng. Quy tắc khác là không được mua cái gì mà không hỏi ý kiến. Khi các bé muốn mua gì trong game, các bé sẽ xin phép. Không biết Linh có chơi game không, hai vợ chồng mình đều không chơi game. Nhưng các bạn trẻ bây giờ ai cũng chơi game hết. Chơi game thì mua đồ trong game, ví dụ như chơi game bắn nhau thì sẽ mua súng, mua đạn, hay chơi game kiếm hiệp thì sẽ phải mua khiên, giáp, đại khái vậy. Các bé mua gì thì các bé phải xin phép. Trong chừng mực nào đó thì mình sẽ chấp nhận. Còn cái nào quá đáng thì mình không chấp nhận. Việc các bạn sử dụng điện thoại, chơi game, lên internet, kết bạn hay giao lưu trên mạng xã hội, mình cũng có chút kiểm soát, nhưng chỉ một chút thôi, để các bạn không vướng vào vấn đề pháp lý hay tuổi tác chẳng hạn. Mình chỉ cần cài đặt một ít để ở tuổi các bạn không truy cập được thôi. Còn lại thì mình rất thoải mái.
Câu hỏi số 11: Ở đây có hai chủ đề mà Linh thấy hơi khó để bản thân mình quyết định. Một là chơi game, và một là mạng xã hội. Chúng ta nói về game trước. Với game, hồi đó Linh rất thích, khi học lớp ba là mẹ đã mua Nintendo, chiếc thế hệ 1 của Nintendo, mẫu màu xám rất cơ bản. Chơi và ghiền đến nỗi chơi cả đêm luôn. Có lúc mẹ đi ngủ rồi, mình cứ giả bộ ngủ rồi thức dậy chơi tiếp. Linh biết là mình có khả năng nghiện như thế nào. Vì vậy, bé tám tuổi mới lớp ba thôi, nếu bé phải cân nhắc giữa chơi game và học bài, chắc chắn sẽ chọn game. Với anh, anh sẽ giải quyết như thế nào? Nếu mình cho bé tự do về giáo dục và cũng cho bé tự do về game, làm thế nào để bé tám tuổi có thể chọn đúng?
Phú không can thiệp vào lựa chọn đó. Ví dụ như việc chơi game, mình rất thoải mái và mình biết bé bắt đầu có biểu hiện nghiện rồi. Ai mà không nghiện? Ví dụ như mình chơi, mình cũng nghiện mà. Cho nên nếu bé nghiện, bé thích, bé chơi say sưa, chơi quên ăn quên ngủ, chuyện đó là bình thường. Và mình thoải mái với việc đấy, bình thường thôi.
Bình thường? Vì sao mà anh thấy thoải mái với việc đó?
Nếu bản thân Phú chơi, Phú cũng sẽ như vậy, nên Phú rất thoải mái. Khi thấy việc đó xảy ra, Phú sẽ nhắc lại nhiệm vụ. Hồi nãy là nhiệm vụ học tập với mục tiêu học tập. Nếu các con hoàn thành và thấy thoải mái với việc đó, các con cứ chơi, miễn là tới 10:30 phải ngủ. Mình biết là nhiều khi 10:30 ngủ nhưng các bạn vẫn còn chơi. Mình cứ đặt ra luật, việc các bạn không thực hiện luật đó thì các bạn vi phạm.
Câu hỏi số 12: Vậy phụ huynh biết là 10:30 các con sẽ tắt đèn rồi 11 giờ các con sẽ mở đèn trở lại để chơi đúng không?
Đúng rồi. Như vậy mình sẽ cảnh cáo một hai lần. Phải canh như công an vậy. Nhiều khi Phú bắt được và cảnh cáo. Bạn bè Phú thì đều nói "Bé nhà mình chơi game sớm lắm, chơi giỏi lắm. Bé còn đi thi đấu game quốc tế nữa". Tức là các con chơi giỏi đến mức đấu game online, đấu quốc tế. Mọi người đều hỏi nếu mà Phú cứ thả lỏng như vậy thì sẽ như thế nào.
Phú cứ trả lời "Chờ một học kỳ đi. Nếu mà học kỳ này điểm con hơi xuống thì mình sẽ nhắc". Nhưng không có học kỳ nào điểm xuống hết. Trên lớp, các bạn vẫn tập trung, hoàn thành bài học, hoàn thành công việc nhà, hoàn thành những việc cá nhân. Vậy thì mình có việc gì đâu mà phải cấm? Mình rất là thoải mái với việc đấy.
Câu hỏi số 13: Chuyện này hơi khó nhỉ. Bởi Linh thấy trách nhiệm của phụ huynh khi đã là người lớn là mình thấy được những sai lầm có thể xảy ra. Khi anh chờ tới cuối kỳ học để xem điểm, nếu điểm đã bị sụt thì nó sẽ ảnh hưởng đến lâu dài. Nếu bé bị điểm thấp trong một kỳ thì không biết anh nghĩ sao về điều đó?
Trong môi trường của các bé nhà Phú, Phú luôn luôn kết nối với thầy cô giáo. Nếu có biểu hiện gì, thầy cô giáo sẽ báo liền. Ví dụ như trên lớp mà buồn ngủ, tức là ban đêm không ngủ để chơi game, hoặc trên lớp có biểu hiện sa sút, mất tập trung, thì cô giáo sẽ báo ngay. Nói là chờ tới cuối kỳ, nhưng thực ra mình vẫn cập nhật hàng ngày với thầy cô giáo. Nói chung, may mắn là do mình đã đặt ra bộ quy tắc từ sớm, cho nên các bạn rất tôn trọng. Các bạn nghiện game, nhưng vẫn hoàn thành trách nhiệm của mình.
Quan niệm của Phú là để các bạn nghiện bây giờ còn hơn là lớn lên rồi mới bắt đầu nghiện. Bởi vì càng về sau, xã hội càng phát triển, các bạn sẽ càng tiếp xúc với nhiều công nghệ và những thứ hấp dẫn hơn. Nếu các bạn không biết kiểm soát, thì sẽ sa lầy hơn. Cho nên, ngay từ nhỏ, mình cứ thoải mái. Con gái mình chơi game dữ dội, còn con trai mình chơi game thuộc dạng cao thủ luôn. Khoảng 1 năm nay lại tự nhiên không chơi nữa. Các bạn lên mạng chỉ coi YouTube, các kênh mà các bạn yêu thích, rất ít chơi game. Lâu lâu bạn bè rủ thì chơi thôi, chứ không tự động chơi nữa.
Câu hỏi số 14: Cách anh làm phụ huynh hình như có hai mặt. Với các bé, anh cho bé tự chọn, tự lập để có khả năng tự quyết định. Nhưng phía sau anh cũng theo dõi rất sát đúng không?
Đúng rồi, rất sát. Cô giáo cũng theo dõi. Thậm chí Phú còn nói chuyện với bạn bè của các con luôn. Phú sẽ có một cái nhìn từ xa, và chỉ can thiệp khi cần thiết chứ không ngăn cấm.
Vậy là không phải mình thả lỏng hẳn. Mình cho con đủ dây để tự chạy, nhưng cũng có thể kéo lại khi cần.
Bản thân việc chơi game, Phú không chơi nhưng thấy rằng nó không xấu. Một khi nó đã phát triển toàn thế giới thì không có lý do gì nó xấu hết. Vấn đề là mức độ tham gia của chúng ta đến đâu, mức độ nghiện ngập, mức độ tập trung vào nó đến đâu. Mình chỉ cần phân tích cho các con hiểu rằng, cái này là chơi thôi. Chơi thì có thể chơi say sưa bao nhiêu cũng được, nhưng không được sao lãng nhiệm vụ chính là được rồi.
Câu hỏi số 15: Anh nói rằng mình thoải mái với việc các bé chơi game và cho các bé mua mọi thứ. Vậy ngân sách cho việc này là bao nhiêu? Chắc mình phải tính trước với bé phải không?
Lúc đó, mình đưa ra giới hạn tối đa là 500.000 đồng.
500.000 đồng cho một lần hay là một tháng?
Một tháng, nhưng chỉ một lần thôi. Có những thứ 70.000 - 80.000 đồng, có những thứ chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng. Trên mạng, các game quốc tế thì tính bằng đô la. Những thứ tối thiểu ví dụ như "Con muốn nâng cấp bộ giáp này", mình sẽ nói rằng game có điểm tích lũy. Khi chơi đến một mức nào đó mình có thể đổi điểm để lấy vật phẩm, ví dụ như áo giáp hay vũ khí. Phú sẽ cho một ít tiền để các bé có sự chuẩn bị ban đầu, sau đó các bé phải tích lũy điểm để chơi tốt hơn.
Nhờ như vậy, các bé sau này chơi rất giỏi. Bởi vì bị giới hạn tiền, nên các bé phải chơi giỏi. Khi chơi giỏi, tự nhiên các bé sẽ có những thứ đó mà không cần nhiều tiền.
Câu hỏi số 16: Khi muốn có tiền thì mình phải đạt được, phải đi làm hoặc trao đổi một dịch vụ hay sản phẩm nào đó. Với các bé cũng vậy, Linh cố gắng dạy rằng nếu con muốn mua cái gì, thì con phải làm điều gì đó như rửa chén giúp mẹ, giúp ba. Không biết với anh, bây giờ cho bé 500.000 đồng một tháng thì có nhiều quá không? Bé có phải làm gì để được số tiền đó không?
Nhiều phụ huynh bạn bè của Phú thường như Linh vậy, đổi việc con làm việc nhà, đổi điểm của con để được nhận tiền. Ví dụ như con được một bài kiểm tra 10 điểm thì được 100.000 đồng, hay con lau nhà thì được 10.000 đồng. Nhà Phú không có chủ trương đó. Ngân sách dành cho các bé thì Phú sẽ nói thẳng luôn, đây là lương của Phú. Lương của Phú bao nhiêu đây, sẽ có những khoản chi tiêu thế này, những khoản thu nhập bên ngoài như nhuận bút, tiền quảng cáo. Phú sẽ công khai với các bé. Thậm chí ví dụ hôm nay mình có một quảng cáo được 5 triệu, mình sẽ nói số tiền này định dùng để làm gì. Khi chi tiêu cho các bé, mình sẽ lấy từ thu nhập của mình để chi tiêu. Các bé sẽ hiểu rằng số tiền các bé đang sử dụng là do mình lao động kiếm ra, nên các bé sẽ ý thức hơn. Mình quan niệm vậy, và mình thấy đúng là các bé cũng ý thức hơn.
Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.
Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.