Cuộc sống không phải lúc nào cũng là một chặng đường thẳng dễ dàng tiến về phía trước. và Linh nghĩ rằng đôi khi chúng ta cần nhiều hơn một sự nỗ lực cá nhân – đó là sự đồng hành từ những người yêu thương.


Phần tiếp theo cuộc trò chuyện của Linh và anh Phú là hành trình khám phá vai trò của sự đồng hành: từ góc nhìn của một người chồng, một người cha, và một đối tác trong hôn nhân. Anh Phú đã có những chia sẻ thật lòng về xung đột, những quy tắc ngầm, và cách vượt qua thử thách gia đình – những điều mà Linh tin rằng sẽ truyền cảm hứng cho bạn.


Hãy cùng đọc để hiểu rằng, đôi khi, sức mạnh lớn nhất không đến từ việc một mình gánh vác, mà từ việc có ai đó đi cùng mình trên con đường đầy chông gai ấy, với đầy ắp tình thương!

Xem đầy đủ tập 04


Câu hỏi số 17: Vậy cách anh dạy con của anh có giống như cách phụ huynh của anh đã đối xử với anh không?

Không hẳn. Bởi vì Phú lớn lên trong cuộc sống khó khăn hơn bây giờ. Cha mẹ Phú cũng bận mưu sinh nên không có nhiều thời gian cho Phú. Nhưng may mắn là tại thời điểm đó, Phú cảm nhận được sự hy sinh của họ. Họ vất vả lao động vì muốn chăm lo cho mình. Phú cảm nhận được và mình chia sẻ công việc với gia đình, chia sẻ việc kiếm tiền với cha mẹ. Nhờ vậy, Phú mới hiểu rằng ngoài việc dạy dỗ và chăm sóc con cái, mình cũng phải chia sẻ với con những trách nhiệm, những lo toan, những vấn đề của mình để con hiểu và thương mình hơn.

Quan điểm của các thế hệ trước là "vấn đề của ba là vấn đề của ba", con không nhất thiết phải tham gia vào thậm chí không được phép. Nhưng bây giờ, để có thể có một thế hệ con cái thương và thực sự thích phụ huynh của mình thì mình phải chia sẻ. Mình phải cho con thấy những điểm yếu của mình.

Phú bắt đầu từ chính mình. Đôi khi Phú cũng gặp vấn đề trong cuộc sống, trong công việc, trong những mối quan hệ, và mình cũng chia sẻ chứ không hề giấu giếm.


Khi Phú chia sẻ như vậy, không phải lúc nào cũng là than vãn. Phú chia sẻ cả những thành tựu, những khó khăn với con cái. Ví dụ như việc vợ chồng Phú tập luyện cho những giải chạy mà quá sức, như chạy 75 - 100 km chẳng hạn. Từ mục tiêu, hành trình đến với điều đó, bọn mình luôn chia sẻ với con cái.

Câu hỏi số 18: Chúng ta chia sẻ nhiều về quan điểm của anh khi làm phụ huynh. Linh cũng biết là trong một gia đình không chỉ có một người quyết định mọi thứ mà cần có sự tham gia của “đối phương”. Trong trường hợp này là chị Thắm. Anh có thể mô tả lộ trình của anh và chị Thắm để hai người có thể đồng hành trong cuộc sống và gia đình?

Phú nghĩ vợ chồng thì chắc chắn phải đồng hành chứ không cần phải có lộ trình cụ thể. Nhưng có lẽ bởi vì nhiều gia đình khác thì vợ chồng sẽ có công việc khác nhau, môi trường bạn bè, môi trường sống khác nhau, dẫn đến quan điểm trái chiều hoặc không đồng quan điểm. May mắn là vợ chồng mình, thứ nhất là quen nhau từ thời đại học, thứ hai là làm cùng nghề, lấy nhau rất lâu, cho nên tụi mình cũng đồng quan điểm và đồng hành trong mọi việc. Mọi thứ cũng trở nên dễ dàng hơn. Đó là may mắn của mình, dễ trao đổi, dễ thỏa thuận, dễ thống nhất mọi thứ.

Câu hỏi số 19: Anh chị đã gặp nhau ở đại học, vậy hai người đã là bạn trước, rồi sau đó mới bắt đầu quen nhau, hay là ngay từ đầu đã quan tâm nhau?

Lúc đầu đã vậy rồi. Khi mà bà xã Phú học xong, Phú học trước hai khóa. Tụi mình đã quen nhau từ lúc còn học đại học.

Vậy là anh cùng tuổi với chị Thắm đúng không?

Không, mình hơn bà xã hai tuổi. Do đó, tụi mình quen nhau đến khi bạn ấy vừa ra trường là cưới luôn. Đã đi chung một quãng đường rất lâu rồi nên dễ đồng nhất quan điểm, định hướng.

Vậy cả hai không chỉ là vợ chồng, là người yêu, mà còn là bạn với nhau đúng không?

Đúng rồi. Mình quan niệm mọi người trong gia đình đều là bạn, vợ chồng cũng là bạn, con cái cũng là bạn. Vợ chồng mình may mắn là do quen nhau rất lâu và học cùng ngành, cùng trường nên rất hiểu nhau. Mặc dù về tính cách, tư duy, lối sống, sở thích, thói quen tất cả đều khác biệt, gần như đối lập, nhưng do đã đi với nhau quá lâu nên tụi mình phải điều chỉnh để phù hợp.


Về cơ bản là như vậy. Như Linh có nói, dùng chữ "đồng hành" là đúng nhất. Đồng hành với nhau rất lâu, cho nên nếu có vấn đề hay xung đột, sự cố thì tụi mình sẽ cùng nhau giải quyết hết.

Câu hỏi số 20: Trước khi vợ chồng Linh cưới, Linh có đọc một cuốn sách. Cuốn sách đó nói rằng để hai vợ chồng có thể đi lâu dài trong cuộc sống thì phải có một điều gì đó mà cả hai rất thích làm cùng nhau. Có thể là chơi golf, đi bộ, hoặc bất cứ điều gì, kể cả chơi game. Thực ra, vợ chồng Linh vẫn chưa tìm ra được sở thích chung của hai người. Sở thích của hai người khá khác nhau. Mình có những điểm chung nhưng sở thích chung thì vẫn chưa có. Với anh, anh đã tìm ra được điều gì đó mà hai vợ chồng anh rất thích làm cùng nhau chưa?

Phú thấy như đã nói, có lẽ là do mình may mắn, cho nên điều gì chúng mình làm chung cũng đều thích hết. Ví dụ như công việc, chúng mình cũng làm chung và đều thích.

Câu hỏi số 21: Vậy có vấn đề gì khi làm việc cùng không anh?

Cũng có chứ, nhưng không có vấn đề lớn. Chúng mình cùng đi du lịch, cùng chạy bộ, cùng leo núi, cùng làm nhiều việc chung. Việc nào chúng mình cũng thích. Chưa có việc nào làm chung mà không thấy thích. Chắc nhờ vậy mà chúng mình tìm thấy nhiều điểm chung hơn.

Câu hỏi số 22: Vậy lúc nãy anh nói có những lúc mình gặp xung đột, anh có thể nói về cách thức để giải quyết các xung đột đó không?

Xung đột có nhiều loại, nhưng đa số là xung đột về tính cách. Ví dụ, tính Phú thì thường nóng nảy, quảng giao, tự do, thoải mái, còn bà xã Phú thì thích việc nhà, thích mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ. Bà xã Phú thích chăm lo cho gia đình, buổi tối phải về nhà để lo cho gia đình. Còn mình thì thường buổi tối thích đi chơi với bạn bè, cho nên cứ có sự đối lập như vậy. Mỗi ngày đều phát sinh xung đột.


Chính vì từ đầu có những xung đột và đụng chạm về tính cách nên mình mới đặt ra một bộ quy tắc. Không phải là quy tắc cụ thể, như điều số một, điều số hai, mà là những quy tắc cơ bản mà chúng mình rất tôn trọng.

Câu hỏi số 23: Những quy tắc đó có in ra rồi ký không anh 😀?

Không đến mức như vậy. Hầu hết những quy tắc đó không viết thành lời. Chúng giống như là những quy tắc cơ bản để tôn trọng đối tác của mình. Ví dụ, nếu Phú có bức xúc hay không đồng ý điều gì thì phải nói ra và giải quyết. Hoặc có những nguyên tắc như phải làm việc nhà, đó là ý muốn của bà xã Phú. Trước đây, khi ở chung với cha mẹ, nhà lớn quá thì có thuê người giúp việc, hoặc các con còn nhỏ quá, một mình bà xã Phú không kham nổi thì cũng thuê người giúp việc. Nhưng sau đó, khi các con lớn hơn, chúng mình tự làm việc nhà. Việc tự làm việc nhà càng sinh ra nhiều xung đột hơn, nhưng chúng mình không né tránh việc đó mà đối mặt và xử lý nó.


Hằng ngày, cả hai phải chia nhau nấu cơm nước, chợ búa, giặt giũ, lau nhà, rửa chén. Nói chung, nếu Linh có trải qua thì sẽ biết rằng có trăm ngàn việc mà một người phụ nữ làm trong gia đình, và mình phải tham gia vào đó. Khi tham gia, sẽ có nhiều mâu thuẫn. Nhưng khi giải quyết từng mâu thuẫn nhỏ trong việc hàng ngày thì đến khi có mâu thuẫn lớn, nó không còn khó giải quyết nữa và mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

Câu hỏi số 24: Nếu có xung đột nhỏ như việc ai đó lau nhà tắm không đủ sạch, thì xung đột lớn sẽ như thế nào?

Xung đột nhỏ là những việc nhỏ trong gia đình. Xung đột lớn thì ví dụ như quyết định mua nhà hay chuyển đến một khu vực khác. Khi tranh luận mãi không được thì Hiến pháp nói điều cuối cùng: Trong mọi cuộc tranh luận mà không đi đến đồng nhất, quyết định của Phú là quyết định cuối cùng. Việc này hơi độc tài, hơi bất công một chút nhưng mình phải thực hiện. Mình không bao giờ tận dụng điều đó, nhưng phải thuyết phục bà xã là bây giờ cứ làm theo mình.

Chị ấy cũng đồng ý với điều đó luôn đúng không?

Đồng ý. Thậm chí có một lần duy nhất Phú tận dụng quyền đó, khi đó cả nhà sẽ phải làm theo. Khi làm theo thì sẽ dập tắt hết những xung đột và đi đến đồng thuận một cách nhanh chóng. Hơi ăn gian nhưng bởi vì Phú là người đưa ra luật, Phú là người chủ động soạn thảo quy tắc nên Phú đưa điều đó vào.

Linh cảm thấy rằng để đồng ý với quyết định cuối cùng của anh thì chắc chị ấy cũng yêu cầu những quyền lợi khác đúng không?

Tất nhiên rồi. Ví dụ, một trong những quy tắc là cả hai phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cha mẹ, gia đình của hai bên như nhau. Đây cũng là một điều tốt cho mọi gia đình. Chuyện này thường gây tranh cãi nhiều nhất. Chồng nói vợ thiếu trách nhiệm với nhà chồng, vợ nói chồng thiếu trách nhiệm với nhà vợ. Ở Việt Nam, sự tranh luận này rất nhiều, thậm chí dẫn đến đổ vỡ. Chúng mình thỏa thuận rất tốt về việc này rồi mới đặt ra điều khoản cuối cùng như mình đã nói. Trong mọi cuộc tranh luận, nếu không đi đến kết luận cuối cùng, quyết định của Phú sẽ là quyết định cuối cùng. Đó là thỏa thuận của tụi mình.


Nhưng cũng có đôi khi, đặc biệt là trong việc quản lý nhà cửa, quyền biểu quyết này bị phản đối. Ví dụ, Phú cảm thấy việc sạch sẽ quá mức là không cần thiết, nhưng bạn ấy nói không được, phải tiếp tục làm. Khi thấy điều này có thể chấp nhận được, Phú cũng làm theo luôn, từ bỏ quyền quyết định cuối cùng để làm theo điều đó.

Linh hiểu rồi. Phụ nữ thường nghĩ rằng đàn ông cần cái tôi, nên cứ để cho anh viết tên mình trên quy định. Nhưng họ biết ai sẽ có quyền lực cuối cùng đúng không?

Đúng rồi. Thực ra, trong việc quản lý gia đình hay trong mọi việc trong gia đình nhỏ, bà xã mình giữ quyền quyết định cuối cùng. Còn những việc xã hội, những việc lớn, thì mình bàn bạc hết.


Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 04

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 04


ĐỌC THÊM

Về các khách mời khác trong chương trình tại đây
Còn Sống, Còn Gia Đình, Là Còn Tất Cả!
Vai Trò Của Sự Đồng Hành Trong Việc Đối Mặt Với Những Thử Thách Lớn Từ Cuộc Sống?
Khi Nào Thì Tình Yêu Và Nguyên Tắc Có Thể Đồng Hành?