Bạn đã bao giờ tự hỏi, những khoảnh khắc đau đớn trong cuộc đời có thể mang lại ý nghĩa gì cho chúng ta?


Trong tập 3 của Bố Mẹ Đi Làm, Linh đã có cơ hội trò chuyện với nhà báo, tác giả sách Trần Thu Hà. Bạn sẽ được nghe chị Hà chia sẻ về những khoảnh khắc "đau nhưng đáng" đã định hình con người chị và các bé con của chị hôm nay.


Đến cuối ngày, việc lập gia đình, sinh con, hay bất kỳ bước ngoặt nào đó sẽ tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể sẽ mãi không cách nào quay về là bản thân mình trước đây, như cách chị Hà không thể tìm lại “cô Hà ngày xưa".


Thế nhưng khi nhìn một cách sâu sắc vào những gì đang có ở hiện tại, bạn sẽ nhận ra mình thực sự giàu có như thế nào. Những gì đã trải qua dẫu khó khăn cũng thật xứng đáng biết bao nhiêu. Và bạn thực sự, cũng không muốn trở lại phiên bản chính mình của trước kia nữa.


Mong là bạn sẽ tìm được nguồn động lực cho riêng mình qua video này!

Xem đầy đủ tập 03

Xem đầy đủ tập 03


Câu hỏi số 1: Linh muốn bắt đầu với một khái niệm mà Linh thường nghĩ đến là "đau và đáng". Trong sự nghiệp của Linh, có lúc Linh làm nhiều thứ mà bản thân không thật sự cảm thấy vui. Nhưng sau một thời gian, mình lại thấy xứng đáng. Trong sự nghiệp của chị, có khoảnh khắc nào chị cảm thấy như vậy không?

Hà thấy có rất nhiều khoảnh khắc vừa đau vừa đáng. Dường như khoảnh khắc nào đau thì cũng đáng và đáng thì cũng hơi đau. Đau nhiều lắm.


Một trong những khoảnh khắc Hà thấy rất đau là khi Hà mới vừa quay trở lại công việc sau khi sinh con. Trước khi sinh con, Hà là một người rất có uy tín trong công việc, làm việc rất hiệu quả và năng suất. Có lúc mình còn làm nhiều hơn công việc được giao nữa. Sếp mình có nói một câu: "Nhiều khi bảo em xây một ngôi nhà thì em xây cả một thành phố."


Khi bắt đầu có bầu, Hà đã bị chậm lại rồi. Đến khi sinh con, mình nghỉ ở nhà. Hà cũng không nghỉ nhiều lắm, chỉ vài tháng thôi do áp lực kinh tế. Khi Hà nghỉ, bạn phó của Hà lên thay. Đến khi Hà quay lại, bạn phó không muốn trở lại vị trí cũ nữa. Quan trọng hơn, chính Hà cũng cảm thấy mình không hiểu câu chuyện mà mọi người đang nói. Mình đã bỏ lỡ rất nhiều thứ.


Thứ nhất là bạn làm thay không muốn trả vị trí cho mình. Thứ hai, chính mình cũng cảm thấy không xứng với vị trí đó nữa. Hà vẫn muốn tiếp tục làm việc đó, nhưng lại tự cảm thấy mình không xứng. Đúng là Hà không xứng đáng thật. Mọi người xung quanh cũng không thoải mái với chuyện này, họ cảm thấy mình không ổn.


Lúc đó Hà chới với lắm, cực kỳ chới với. Mình cảm thấy đau và cho rằng "ôi đây không phải là mình nữa". Hà thấy đây là một “cô Hà” khác. Khi đó, mình chưa muốn được gọi là "mẹ Hà", mình không thích mình là "mẹ Hà", mình muốn là “cô Hà”.

Câu chuyện này Linh rất đồng cảm. Khi có thai em bé đầu, toàn bộ cơ thể Linh đã thay đổi. Trước đó, Linh cũng giống như chị, là một người năng lượng, giống như trái banh rực lửa, làm mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng sau đó, trong tuần đầu tiên có thai, Linh đã nằm liệt cả tuần. Chính xác là nằm hai tuần trên sofa mà không thể đứng dậy. Ăn không được mà nôn cũng không được. Xem màn hình thì đau đầu. Nói chung là rất mệt.


Đó chỉ là bắt đầu thôi. Cả 9 tháng sau liên tục có nhiều khó khăn khác. Linh cảm giác mình hơi ngốc. Trước kia, nghe một khái niệm là hiểu ngay. Nhưng trong thời gian đó thì không thể nghĩ ra điều gì. Mình nghe mà không hiểu và suy nghĩ mãi cũng không được.


Linh đọc được một bài nghiên cứu cho thấy khi có thai, tế bào não của mình sẽ bị giảm xuống. Có thể hiểu là mình bị giảm IQ. Linh rất ngạc nhiên. Báo cáo cũng nói rằng sau giai đoạn có thai, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Khi đó, mình gặp cái gì đó khó hiểu, thì đó là "não bộ thai kỳ" hoặc "não bộ của người mẹ". Đúng là não bộ của người mẹ có sự thay đổi.


Khi Linh trở lại làm việc, Linh đứng nhìn người ta nói mà không hiểu gì. Mình cảm thấy như bị bỏ rơi, mới hai tháng nghỉ việc mà não đã thay đổi.


Trong thời gian nuôi con, cơ thể Linh sinh ra nhiều hormone để sản sinh sữa. Phải mất một thời gian để cơ thể mình trở lại bình thường. Đây là khó khăn lớn của bà bầu.

Hà nghĩ có thể đó là do tạo hóa. Về công việc thì mình có kém đi thật, nhưng lại cực kỳ nhạy về con. Ví dụ như Hà đang trong đám đông ồn ào, chỉ cần con e lên một tiếng là Hà nghe thấy. Thậm chí, có nhiều điều mà Hà không giải thích được. Ví dụ, Hà ở công ty cách nhà gần 20 km, tự nhiên mình cảm nhận được con đang khóc, sữa chảy giàn ra và sau đó mình không làm gì được nữa.

Cơ thể rất thông minh để người mẹ có thể nuôi con. Phải giảm một thứ gì đó để tăng thứ khác lên thì mình mới nuôi con được đến ít nhất 6 tháng.

Hà hơi giận chồng vì Hà ngạc nhiên là vì sao con khóc mà anh vẫn ngủ được. Còn mình khi con khóc, mình không thể ngủ được.

Câu hỏi số 2: Linh cũng gặp tình huống tương tự. Chồng Linh bị điếc một bên. Khi bé khóc, anh ấy nằm đè lên bên tai nghe được, nên anh ấy không nghe tiếng con khóc. Nhưng với em, anh ấy cũng có "chọn lọc" thật, tới phiên em thì tới phiên anh! Mình quay lại câu chuyện khi chị trở lại làm việc và chị thấy như mình đang bị bỏ lại phía sau, chị đã giải quyết như thế nào?

Hà không giải quyết được ngay đâu. Mất khá nhiều thời gian và phải chinh phục từng chút một, khá chật vật. Khi đó, Hà đối diện với nhiều thứ cùng một lúc. Đầu tiên là chuyện về con của Hà, bé rất yếu. Lúc mới sinh, bé bị trào ngược dạ dày và thực quản nên ói rất nhiều lần mỗi ngày.


Hà vẫn còn nhớ, mình có một cuốn sổ nhật ký ghi lại, ngày nào bé cũng ói khoảng 8 đến 15 lần. Máy giặt nhà Hà mỗi ngày chạy hai, ba lần giặt vì con ói đầy ra quần áo của mẹ và giường. Lúc nào Hà cũng để đầy hộp xung quanh để hứng. Nên Hà không quay lại công việc ngay được đâu. Mình bị thụt lùi đến mức mà mình phải chặc lưỡi. Mình coi như mất luôn “cô Hà” đó rồi.


Sinh một đứa con và vất vả như thế này, tầm 5 năm sau Hà mới tỉnh táo lại. Xong rồi sinh đứa thứ hai. Tổng cộng mất 10 năm. Đó chính là lý do tại sao Hà sinh hai đứa liên tiếp luôn. Khổ thì khổ một lần cho xong. Bố mẹ Hà hay gọi là "Trâu nhác kéo cả bối bừa", tức là làm hết một lúc đi.


Lúc đó, Hà tuyệt vọng đến mức nghĩ rằng chắc sẽ không bao giờ tìm được “cô Hà” ngày xưa nữa.

Câu hỏi số 3: Mình nghĩ đây mới là bình thường, đúng không? Mình cứ chấp nhận là mọi thứ đã thay đổi và mình không thể trở lại như cũ.

Hà đã nghĩ như thế thật, chính vì nghĩ thế nên mình đã thôi không chiến đấu hết sức nữa. Chắc do nuôi con lúc nào cũng khó và vợ chồng thì bất hòa nên mình giống như biến mất khỏi công ty.


Hà còn nhớ, sếp Hà đã nói một câu trong một cuộc họp ngay trước mặt Hà: "Cô Trần Thu Hà ở đâu rồi?" Mình đã khóc.

Câu hỏi số 4: Chuyện đó xảy ra sau khi sinh bé thứ nhất hay bé thứ hai?

Khi đó là sau khi sinh bé thứ hai. Tức là Hà đã 4, 5 năm không quay lại được tốc độ và phong độ ngày trước. Mình nhớ có một câu là "Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi." Lúc đó, mình đã nghĩ đẳng cấp cũng có thể mất đi.

Linh nghe chị mô tả và cảm thấy rất đau lòng. Bởi vì mình cùng cảnh ngộ khi Linh có bé thứ nhất, rất khó khăn. Với Linh, để có bé thứ hai cũng cực kỳ khó. Mình rất cố gắng để có thai, nhưng sau khi có thai, mình trở lại tình trạng ban đầu, “ngu ngốc” trở lại.


Rồi sau đó, mất 4 năm sau khi sinh bé thứ hai. Đến khoảng 2 năm gần đây Linh mới thấy bình thường trở lại. Coi như mình đã mất khoảng 6, 7 năm trong đời.


Linh cũng muốn đính chính với các khán giả trẻ đang suy nghĩ về việc có con. Tin mừng là mọi thứ sẽ trở lại như cũ nhé.

Nhiều khi nó còn trở lại theo một cách khác hơn. Bây giờ, Hà lại cảm ơn vì điều kỳ diệu đó. Hà có nói “những cái đau đều đáng hết”. Bây giờ Hà biết ơn vì ngày xưa mình đã sinh hai con.


Thỉnh thoảng, Hà cứ cảm ơn Xu, Sim đã có mặt trên đời này nên bây giờ mới có mẹ Hà như ngày hôm nay.

Khi bình tĩnh lại, Linh đã so sánh giai đoạn đó giống như thời gian mình đi học cấp hai, rồi lên đại học. Trong những năm đó, Linh rất tập trung và chỉ có ôn bài. Cuộc sống rất khó khăn vì lúc đó mình không có công việc, không có tiền. Mọi thứ rất khổ, nhưng mình vẫn rất cố gắng.


Qua thời gian đấy mới tới được ngày hôm nay, Linh nghĩ lại giai đoạn có thai mình đã rất khổ, cho em bé bú các kiểu, nhưng giai đoạn đó coi như qua rồi. Linh rất biết ơn 6 năm đó, vì cho tới hôm nay mọi thứ đã tốt hơn. Nhưng khi mình ở trong 6 năm đó, nói chuyện với chính mình, Linh đã rất tiêu cực. Linh đã phải cân nhắc rõ ràng xem mình muốn con hay không.

Hà còn nhớ cảm giác đợt mới sinh Xu được nửa năm thì trợ lý của mình, một người mình rất yêu quý, có dự định lấy chồng. Mình hỏi: "Em nghĩ kỹ chưa? Em nghĩ kỹ chưa?" Rồi mình gọi điện cho mẹ bạn ấy và nói: "Chị ơi, chị hỏi nó xem nghĩ kỹ chưa." Nghĩa là Hà ở trong tình trạng muốn ngăn cản người khác. Mình cảm thấy đồng nghiệp của mình đang nhảy vô lửa nên mình đang muốn ngăn lại.


Buồn cười là bây giờ mọi thứ rất dễ thương, cô ấy là một người mẹ rất hạnh phúc. Cô ấy đã không nghe lời mình. Nhưng chỉ có lúc đó thôi, còn bây giờ thì cả hai bà mẹ đều rất hạnh phúc cùng với con. Nhưng khi ấy, điều mình thốt ra là thật lòng.

Đúng vậy, mình chỉ nói thật thôi. Nhưng trong cuộc sống, mình cũng sẽ thay đổi dần đúng không? Đó chỉ là sự thật của lúc đó thôi.


Câu hỏi số 5: Bây giờ hãy nói một chút về "đáng và đau" trong cuộc sống cá nhân. Không biết chị có khoảnh khắc nào về "đau và đáng" trong cuộc sống không?

Hà có một biệt tài là Hà mắc sai lầm nhiều lắm. Hà nghĩ ai cũng đồng ý với việc đó. Hà cảm thấy dù sai nhiều hơn nữa thì vẫn bình thường. Ví dụ như mình yêu sai, lấy chồng sai, và trong hành trình vợ chồng sống với nhau thì mình cũng sai nhiều.


Một trong những cái đau của Hà là phải ly hôn. Tình yêu và cuộc ly hôn này đều rất bi kịch. Cả hai thứ làm cho đến tận bây giờ mình cảm thấy mình vẫn chưa tỉnh lại. Vẫn còn khá đau bởi vì người đó là người yêu đầu tiên của mình. Mình yêu đến 12 năm mới cưới.


Ngay trong ngày cưới mình đã cảm thấy: "Ủa, sai rồi". Không hiểu 12 năm đó mình đã nhìn nhận kiểu gì. Thực ra, anh ấy cũng rất yêu mình và anh ấy cũng sai trong việc lấy mình. Bây giờ khi ly hôn rồi, anh có gia đình mới, gia đình mới của anh cũng rất hạnh phúc. Mình mới nghĩ lại "ồ, hình như mình lấy nhầm chồng của cô ấy". Người này thuộc về cô ấy chứ không phải là mình.


Đó là cái đau mà mình thấy nó đáng khi mình sửa sai xong. Sau khi ly hôn, cuộc sống của ba mẹ con đã ổn hơn rất nhiều.

Câu hỏi số 6: Lý do vì sao, hoặc những yếu tố nào, khiến chị quyết định ly hôn?

Nó không có một yếu tố duy nhất nào, mà là trùng trùng duyên khởi, là một tỷ thứ nhỏ nhặt kết hợp lại. Hà vẫn còn nhớ những cảm giác đó, còn chuyện đã xảy ra thì nhiều nên không nhớ hết được. Hà còn nhớ ngày Hà có con cũng là lúc anh ấy khởi nghiệp. Anh ấy khởi nghiệp liên tục và thất bại liên tục. Nhà hết sạch tiền.


Hà vẫn nhớ khi đó Hà nhận lương. Khi sinh con, tiền lương ở Việt Nam chỉ có lương cứng thôi, rất ít. Nó ít đến mức khiến mình sốc. Không ngờ lương lại ít như vậy vì trước đó mình nhận tổng tiền luôn. Thế mà bây giờ tiền lương chỉ bằng 1/7, 1/8 của bình thường khi chưa sinh con thôi. Sau đó mình về nhà, vì lo rằng anh sẽ lấy để đi làm những việc khác nên mình chia tiền ra làm bốn phần và giấu ở khắp các nơi mình có thể nghĩ tới được như trong tủ, trong quần áo…


Hà vẫn nhớ cái cảm giác khi hết tiền trong ví, Hà đưa tay vào tủ để lấy tiền ra thì thấy tay mình trống không. Lúc đó cảm giác như mọi thứ sụp đổ, từng thớ thịt, từng đốt xương của mình rời ra, và mình sụp đổ. Khi ấy mình thấy kiệt sức, kiệt sức vô cùng. Cho đến một ngày, mình đã quyết định ly hôn khi anh ấy đánh mình trước mặt con và con khóc.

Câu hỏi số 7: Linh thấy có những người phụ nữ qua thời gian họ sẽ chọn tha thứ cho khoảnh khắc đó. Nhưng chỉ có người phụ nữ mạnh mẽ mới có khả năng đứng dậy và nói "Tôi không chấp nhận việc này", đúng không?

Thực ra Hà cũng không phải là người mạnh mẽ. Cũng có một vài bạn bảo mình là người mạnh mẽ. Nhưng đến bây giờ Hà nghĩ mình không thực sự mạnh mẽ lắm. Chỉ là bi kịch đẩy mình tới một giới hạn mà mình phải quyết định, nếu không sẽ không bao giờ làm được nữa.


Ngày xưa, Hà là một đứa trẻ phải trải nghiệm việc bố mẹ bất hòa. Hà đã rất đau lòng. Mình rất mong bố mẹ chia tay để được sống hòa bình. Hà đã từng mong điều đó trong nhiều năm, nên bây giờ mình hiểu cảm giác của con khi nhìn thấy bố mẹ cãi nhau, đánh nhau. Đó là một trong những lý do để mình quyết định ly hôn. Ngay lúc đó mình cảm thấy cần phải như thế.


Sau đó, gia đình một người bạn thân của mình cũng bất hòa như mình. Chị ấy không ly hôn. Sau đó chị ấy tự tử. Khi Hà nghe tin chị mất, Hà nhớ là mình đã ngã xuống bếp vườn. Hà đã nghĩ mình phải làm điều gì đó. Nếu không ly hôn thì mình sẽ chết.


Thế là Hà ly hôn. Thực ra, chọn ly hôn không phải là lựa chọn mạnh mẽ, mà là một lối thoát hiểm khi không còn cách nào khác. Với tuổi của Hà và trong xã hội ở vùng quê của Hà khi ấy thì ly hôn không phải là lựa chọn mạnh mẽ, mà là lựa chọn bất khả kháng.

Câu hỏi số 8: Vậy khi chị lựa chọn hướng đi này, chị đã bàn lại với gia đình như thế nào và mọi người phản ứng ra sao?

Hà không dám bàn. Hà sợ đến mức giấu gia đình vì bố mẹ Hà ở ngoài quê còn Hà ở đây. Hà giấu gia đình khoảng 1 năm sau mới nói. Vẫn cứ giả vờ, ngụy tạo rằng anh ấy đi công tác, anh ấy bận. Mình cứ giả vờ như vậy cho đến khi không thể giấu được nữa mới nói. Khi nói ra, mình biết là hóa ra bố mẹ đã biết lâu lắm rồi, nhưng không hỏi mà họ đợi một câu trả lời chính thức từ mình.


Vì Hà nhớ trước đó, khi Hà hỏi thử bố mẹ, mẹ Hà còn nói: "Cả hai dòng họ nhà mình từ xưa đến giờ chưa có ai ly hôn cả." Bố mẹ nghĩ rằng nếu ly hôn là bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ. Nên Hà rất sợ vì từ xưa đến giờ mình luôn muốn bố mẹ tự hào và vui vì mình. Mình luôn muốn trở thành hình mẫu vừa thành đạt trong sự nghiệp, vừa hạnh phúc trong gia đình, vừa nuôi dạy con giỏi, vừa đảm việc nhà, vừa giỏi việc nước.


Hà luôn muốn mình thành một hình mẫu như thế, nhưng bây giờ Hà không làm được. Hà cảm thấy thất bại trong vai trò là người con. Lúc đó, mình không nghĩ là mình thất bại trong vai trò làm vợ, làm mẹ, vì cái đó Hà chủ động được. Nhưng Hà nghĩ rằng mình đã thất bại trong vai trò là đứa con ngoan, làm cho bố mẹ tự hào.

Câu hỏi số 9: Khi chị nói chuyện với phụ huynh, họ phản ứng ra sao?

Phần lớn là chấp nhận. Hà không ngờ là nhẹ nhàng như vậy. Hơn một năm trước khi nói Hà rất căng thẳng, nặng nề. Nhưng khi nói được thì hóa ra bố mẹ đã biết từ lâu rồi vì bố mẹ cảm thấy được. Bây giờ Hà có con rồi nên Hà hiểu điều đó. Con mình nói không đau hoặc ổn, mình sẽ biết nó có ổn thật không. Mình hiểu được. Ngày đó bố mẹ cũng khá nhẹ nhàng.

Đúng là phụ huynh chỉ muốn con mình hạnh phúc thôi, còn mình làm bất cứ điều gì cũng được.

Ngày xưa Hà đã nghĩ bố mẹ muốn con hạnh phúc là phải có một gia đình trọn vẹn. Nhưng bây giờ Hà hiểu rằng bố mẹ chỉ muốn con mình hạnh phúc. Còn chuyện gia đình trọn vẹn giống như là một điều tốt nếu có, chứ không phải là tiêu chuẩn cần và đủ để con mình hạnh phúc. Chỉ có một điều đó thôi thì không đủ.


Thực sự, Hà nghĩ không giấu được sự bất hạnh của mình với người khác, rất khó. Mình có thể giả vờ, nhưng nhất là với những người yêu thương mình, mình không giấu được. Đôi khi mình vẫn cười, nhưng bố mẹ mình nhìn thấy ánh mắt, năng lượng của mình, bố mẹ sẽ cảm giác được mình không hạnh phúc. Với con Hà cũng thế. Ngày bé còn nhỏ, chưa biết nói, Hà nhớ rằng cứ khi nào hai vợ chồng cãi nhau, con mình lại quấy khóc. Nó khóc dữ lắm. Khi nào bố mẹ vui vẻ, hạnh phúc thì con mới tốt lên.


Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 02

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 03


ĐỌC THÊM

Về các khách mời khác trong chương trình tại đây
Yêu Thương Thì Bao Giờ Cũng Tốt Hơn Là Ghét Nhau
Con Cái Sẽ Kỳ Vọng Điều Gì Trong Mối Quan Hệ Với Bố Mẹ?
Phiên Bản Trước Đây Hay Phiên Bản Hiện Tại Sẽ Khiến Bạn Hạnh Phúc Hơn?