Phiên bản tràn đầy nhiệt huyết, trẻ trung, hay phiên bản một người trưởng thành sâu sắc - sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn? Có phải khi chúng ta tiến xa hơn trong hành trình làm mẹ, sự nghiệp và cuộc sống hay cái "tôi" cũ luôn phảng phất như một bóng hình vừa đáng tự hào vừa tiếc nuối?


Trong phần tiếp theo cuộc trò chuyện của Linh và chị Hà, chúng ta sẽ cùng khám phá những khoảnh khắc đấu tranh nội tâm, sự thay đổi và cả nỗi đau không thể gọi tên khi trở thành một người mẹ. Để rồi nhận ra: chúng ta của hiện tại dù có những mất mát so với ngày trẻ, song cũng được bù đắp lại nhiều món quà vô giá để trở nên giàu có hơn rất nhiều.

Xem đầy đủ tập 03

Xem đầy đủ tập 03


Câu hỏi số 10: Sau khi chị sinh con, chị đã trở lại làm việc sau hai tháng rưỡi. Linh thấy như vậy khá là nhanh. Linh nghỉ tới 6 tháng nhưng thực ra Linh đã bắt đầu làm việc sau một tuần sinh con, làm việc ở nhà. Khi chính thức 100% quay lại công ty thì cũng là sau 6 tháng. Khi ấy Linh cũng cảm thấy khá mệt. Chị quay lại sau 2 tháng rưỡi thì chị cảm thấy như thế nào?

Thực ra là việc đó là không đúng luật vì theo luật ở Việt Nam thì Hà được nghỉ 6 tháng. Hình như sau khi sinh bé đầu Hà đã nghỉ 4 tháng. Còn bé thứ hai thì bắt đầu thay đổi luật là 6 tháng, Hà không nhớ rõ. Từ năm 2005, Hà đã phải ký một cam kết rằng tự nguyện trở lại làm việc và chấp nhận mọi chuyện xảy ra. Cam kết rằng Hà sẽ lo chu toàn được. Thực ra, Hà cũng quay trở lại công việc sau hai tuần sinh nhưng làm online. Sau 2 tháng rưỡi, Hà mới bắt đầu thực sự lên công ty.


Thời gian đó rất khó khăn. Hai bên nội ngoại cũng đã bàn bạc rồi. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình và cả hai bên đều biết là một mình Hà lo cho cả nhà. Chồng Hà thì đang thất nghiệp, hai bên nội ngoại không đặt câu hỏi tại sao Hà không ở nhà. Đúng là hoàn cảnh nó đúng như thế thật, mình phải đứng mũi chịu sào, lo hết tất cả mọi thứ.


Tuy nhiên, ở công ty của Hà thì mọi người lại không hiểu được. Chỉ có sếp tổng của Hà là có con, nhưng anh ấy lại ở xa và là đàn ông, nên anh ấy cảm thấy chuyện này cũng nhẹ nhàng thôi. Còn tất cả đồng nghiệp của Hà chưa có ai có con, nên họ nhìn thấy Hà tóc tai bù xù, sữa chảy ra đầy áo, phải đi về sớm, rồi lạc lõng như thế thì mọi người đã rất ngạc nhiên.


Trước đó, Hà đã bị chê cười khi nghén rất nhiều. Nên khi Linh kể, Hà hiểu rất rõ. Hà nghén đến mức ói khắp nơi. Đồng nghiệp của Hà chưa bao giờ nhìn thấy một người ói tới mức như vậy nên mỗi lần thấy Hà ói là họ sợ lắm, chạy dạt ra hết. Đến khi Hà ói xong, lau sạch và xịt mùi, họ vẫn còn thấy sợ. Hà còn nhớ ngày đó, Hà nghén đến mức khi nghe bài hát "Bức Thư Tình Thứ Hai" của Đỗ Bảo mình hay nghe, mình ói. Sau 17 năm Hà nghe lại vẫn còn cảm thấy sốc. Cứ nghe bài hát đó là Hà ói, trong khi bài hát đó không có lỗi gì cả.


Hà vẫn còn nhớ cảm giác ấy vì 3:30 chiều là được về sớm. Khi có con nhỏ thì mình sẽ được về sớm trước một tiếng vào lúc 3:30 chiều. Giờ đó trong tòa soạn là giờ đông bài đổ về nhất, nhộn nhịp nhất, các tin bài đổ về và hiệu quả nhất. Nhưng mình lại phải đứng lên để về.


Ngày đó Hà đi xe máy rất xa. Khi đó Hà có bé thứ hai. Hà còn nhớ cảm giác khi bị đụng xe trên đường thì bụng Hà đã to lắm rồi. Người đụng vào Hà thấy Hà đứng dậy. Khi nhìn tới bụng bầu của mình thì họ khóc rất nhiều, khóc gào thét lên. Trong khi họ là người đụng vào Hà, nhưng họ lại rất sợ hãi. Lúc đó Hà chưa cảm thấy sợ mấy, nhưng sau đó về nhà Hà nghĩ lại thì thấy sợ thật. Mình bầu như thế, lại đi xe máy, đường xa và còn trơn nữa do khi đó trời còn mưa. Mình đã làm cho những người xung quanh mình rất sợ, nhưng lúc đó mình buộc phải làm vậy nên cứ làm thôi.


Khi ấy, nhiều khi Hà còn không nhìn được mình từ bên ngoài. Người sếp từng gọi tên Hà trong phòng họp là một người rất tin tưởng Hà. Hà cảm giác mình làm ở đó là vì người sếp đó. Hà thấy mình là niềm tự hào của mọi người. Nhưng khi ấy, Hà còn nhớ khi đang ở phong độ tốt, ông ấy đã nói: "Lịch sử của công ty mình ở đây chia làm đôi: trước cô Hà và sau cô Hà". Ông ấy so sánh như thể "trước Công nguyên và sau Công nguyên" vậy nên mình tự hào về câu nói đó lắm.


Cho đến khi ông ấy bảo: "Cô Trần Thu Hà đi đâu rồi? Cô Trần Thu Hà đã ở đâu rồi?"

Câu hỏi số 11: Chị cảm giác như thế nào?

Hà muốn bỏ việc. Hà nghĩ rằng bây giờ mình quay lại, mình đã cố gắng hết sức rồi, không thể cố thêm được nữa. Hà đã cố 200% sức lực, bây giờ mình không thể cố thêm một chút nào nữa. Nhìn thấy người khác thất vọng về mình, nhìn thấy họ thất vọng trong ánh mắt, trong toàn thân của họ, mình chỉ muốn trốn đi, chỉ muốn biến mất.


Khi đó, Hà đã nghĩ hay là mình nghỉ việc, nhưng may mắn là vì mình phải gánh vác gia đình nên không nghỉ được. Nếu mà lúc đó mình thoải mái về kinh tế hơn, có khi mình đã nghỉ việc để giữ lại hình ảnh đẹp của mình trong công ty.

Câu hỏi số 12: Vậy chị đã giải quyết như thế nào? Chị đã làm tốt lại trong mắt anh ấy chưa?

Không làm tốt lại được. Trong khoảng thời gian đó, Hà không làm tốt được. Hà chỉ có cách là đề nghị anh ấy trừ bớt lương, rồi mình đi làm, Hà sẽ nhận phần lương ít hơn.

Câu hỏi số 13: Anh ấy có làm như vậy không?

Có, bởi vì phải chia việc cho một người khác để phụ mình. Đó là một tình huống mà không ai muốn hết. Hà biết cả công ty không ai muốn như vậy, và Hà cũng không muốn như vậy. Nhưng thực sự, lòng tự trọng của mình yêu cầu mình phải làm như thế.

Câu hỏi số 14: Vậy mình cần bao nhiêu thời gian để trở lại như trước?

Nói câu này không biết các bạn trẻ có buồn không, nhưng không bao giờ trở lại được. Hà đã trở lại theo một kiểu khác. 

Câu hỏi số 15: Kiểu khác là như thế nào? 

Hà trở thành một người mẹ, chứ không phải là một “cô Hà” nữa. Một người mẹ Thu Hà. Mình trở thành cái nickname "Thu Hà Mẹ của..." Còn mình mãi mãi không trở lại là “cô Hà” ngày xưa nữa.

Đối với câu hỏi này thì Linh cũng đã từng suy nghĩ về bản thân mình. Ngay khi nghĩ tới, nó khiến Linh buồn, bởi vì mình đã mất đi một “Linh cũ”. Nhưng nghĩ lại thì Linh của thời trẻ sẽ rất nể Linh của thời điểm này. Bởi vì Linh ở ngay lúc này vừa là một doanh nhân, vừa là một người mẹ cố gắng tập trung vào gia đình. Nhưng Linh ở hai mươi mấy tuổi chỉ biết tiến lên thôi, chỉ biết đến sự nghiệp của mình, chỉ có phát triển, cứ đi làm và đi làm. Linh đã nghĩ rằng những người không tập trung làm việc là những người lười biếng, không có tính chủ động.


Góc nhìn của Linh ở hai mươi mấy tuổi là như vậy. Nhưng Linh ở độ tuổi này sẽ đánh giá ngược lại. Linh ở độ tuổi này đang có nhiều hơn. Mình có tham vọng lớn hơn, không chỉ muốn sự nghiệp, mà còn muốn hai đứa con yêu thương mình, muốn chồng có mối quan hệ tốt với mình, muốn làm người mẹ tốt và có một gia đình tốt. Khi đánh giá lại, Linh nghĩ Linh ở lúc này sẽ thắng. Bởi vì mình có nhiều hơn, đúng không? Thực ra, mình cũng không muốn trở lại Linh như cũ.


Câu hỏi số 16: Khi chị nói không thể trở lại chị Hà như cũ, Linh rất đồng ý. Mình không nên, bởi vì bây giờ mình còn có nhiều hơn nữa. Mình có thể gọi đó là tài sản, phải không? Mình có những thứ mà bạn trẻ kia không có.

Đúng, cũng có thể nói như vậy. Hà đã nghĩ mình nên dùng từ "bây giờ rất khác". Bởi vì nếu so sánh nhiều hơn ít hơn cũng hơi khó. Mình có những cái mà không thể so sánh còn bên kia không có cái gì để so sánh cả. Về tính cách trong công việc, Hà thấy mình chín chắn hơn rất nhiều.


Ngày xưa, Hà là một người tiến tới, không chấp nhận câu trả lời "không". Còn bây giờ, Hà cảm thấy mình có lòng trắc ẩn hơn với những người khác. Đặc biệt, Hà bây giờ biết thương, thật sự có lòng để hiểu tại sao họ không làm được. Có những người không làm được, có những người yếu hơn, có những người từ chối, có những người nhút nhát, có những người sợ hãi. Mình hiểu được tại sao, bởi vì mình đã trải qua tất cả những cảm giác đó rồi. Bây giờ, nếu xét về mặt con người, Hà thấy bây giờ mình tử tế hơn rất nhiều.

Câu hỏi số 17: Chị có mô tả là trước đây hôn nhân của bố mẹ chị cũng không quá tốt, và sau này hôn nhân của chị cũng vậy. Không biết là với các con của chị, khi các bé thấy chị và chồng trước đây cãi nhau, thậm chí là anh ấy đã đánh chị một lần, thì không biết tinh thần các bé lúc đó như thế nào? Và chị đã cố gắng giúp các bé vượt qua thử thách đó ra sao?

Hà vẫn nhớ rõ. Chuyện này trôi qua phải đến 10, 14, 15 năm rồi, nhưng mình vẫn nhớ ánh mắt của con mình lúc đó. Ánh mắt đó sụp đổ và rất sợ hãi. Đến tận bây giờ, khi con đã 18, 19 tuổi, thỉnh thoảng con vẫn kể về những chuyện ngày xưa. Bé vẫn nhớ khoảnh khắc đó.

Câu hỏi số 18: Ngày đó, bé được bao nhiêu tuổi?

Ngày đó bé năm tuổi nhưng bé vẫn nhớ. Bé vẫn nhớ như in, nhớ hôm đó có những đồ đạc gì xung quanh, mọi việc diễn ra như thế nào. Một bé năm tuổi, một bé ba tuổi. Bé ba tuổi cũng vẫn nhớ. Hà nghĩ rằng chuyện đó là một tổn thương rất nặng đối với các con. Mình phải chấp nhận rằng có thể những tổn thương đó không biết đến bao giờ mới lành được. Mình sẽ nỗ lực hết sức.


Rất may con mình không chứng kiến quá lâu việc bố mẹ bất hòa. Hà đã chứng kiến chuyện bố mẹ bất hòa cho tới khi họ mất, tức là gần 50 năm. Con mình chỉ nhìn thấy bố mẹ bất hòa trong khoảng 5 năm. Dù sao, khoảng thời gian đó cũng ngắn hơn. Thực ra, có những vết thương rất lâu lành.

Câu hỏi số 19: Chị có thảo luận với các bé, có tìm cách để nói chuyện lại với các bé cho các bé hiểu những gì đã xảy ra không?

Có, thỉnh thoảng ba mẹ con mình có những cuộc trò chuyện, nhưng chưa có một cuộc trò chuyện nào nghiêm túc và trọn vẹn về đề tài này. Hà vẫn ngại. Lâu lâu, xem phim hoặc làm việc này việc kia mà gặp phải những tình cảnh đó thì mình cũng hỏi, và con mình nói rằng con vẫn còn nhớ hình ảnh đó như thế nào.


Về sau, khi Hà tìm hiểu thêm về tâm lý, Hà đã nghĩ rằng đó là một tổn thương của con, và Hà chỉ hy vọng tổn thương đó giúp con lớn lên, hiểu biết hơn thôi. Thực ra, mình không biết làm cách nào cả. Không thể có một phép màu nào có thể xóa hết ngay lập tức được.


Tuy nhiên, Hà thấy là lúc này, sau khi ly hôn, chính con mình cũng phải công nhận là nhà mình bây giờ vui hơn ngày xưa rất nhiều. Mối quan hệ giữa bố mẹ cũng ổn hơn ngày xưa. Bởi vì lâu lâu mới gặp một lần, bố mẹ cũng nói chuyện với nhau khá vui vẻ, hòa bình. Sau khi ly hôn thì các con ổn hơn, hạnh phúc hơn, và mẹ cũng thế. Thế nên, tổn thương đó cũng tốt hơn một chút.


Tuy nhiên, thực sự là vẫn có những mất mát không có cách nào khắc phục được. Ví dụ như bây giờ, khi con mình bắt đầu vào độ tuổi có bạn trai và có người yêu, Hà mới thấy rằng con mình không có một hình mẫu, một mối quan hệ lành mạnh và ấm áp ngay trước mắt từ khi còn nhỏ. Tức là con mình không được nhìn thấy ba mẹ hạnh phúc mỗi ngày. Thế nên, bây giờ khi con mình không có bạn trai, hoặc gặp những vấn đề gì đó trục trặc trong chuyện bạn trai, bạn gái, hoặc các bạn bè xung quanh trong lớp, thì tự nhiên mình cũng hay giật mình, tự kết tội mình rằng: "Có phải vì con mình bị tổn thương ngày đó mà bây giờ con cảm thấy thiếu an toàn trong mối quan hệ với người khác không?"


Có những lúc mẹ và con cùng đặt ra câu hỏi đó. Có phải vì bố mẹ không hạnh phúc nên bây giờ con mới như thế này? Cả bố mẹ nhiều lần đã đặt ra câu hỏi đó cùng nhau. Có lần có câu trả lời, có lần thì không có câu trả lời.

Khi Linh nghe câu chuyện này, Linh muốn chị hiểu là sự kiện chị bị đánh, đó không phải lỗi của chị. Anh ấy mới là người đã làm điều đó. Việc đó chị không thể kiểm soát được. Đấy là điều mà người thứ ba đã làm với mình. Mình không nên cảm giác có lỗi với con.

Hà luôn nghĩ đó là lỗi của Hà.

Không thể là lỗi của chị. Vì chị không thể kiểm soát được những gì người khác làm với mình. Điều mà chị kiểm soát được là cách chị phản ứng với nó. Chị đã phản ứng rất mạnh mẽ. Chị đã ly hôn với anh ấy, cho con thấy rằng mình không chấp nhận điều đó. Nếu ai đó giơ tay lên với các bé, các bé sẽ biết cách giải quyết như thế nào. Nhờ điều đó, Linh thấy chị nên thấy tự hào, vì mình đã dạy cho bé cách bảo vệ bản thân, cách để mạnh mẽ, đứng dậy, không chấp nhận việc đó.

Hà cũng hy vọng như vậy. Nói chung cũng khá khó khăn. Hà nghĩ mình có lỗi bởi vì Hà đã đẩy hoàn cảnh đến mức đó.

Không bao giờ, không bao giờ người nhỏ con hơn lại có lỗi khi người cao lớn hơn giơ tay lên đánh họ. Đặc biệt là khi là anh ấy làm như vậy mà không vì lý do gì. 

Hay có phải vì Linh lớn lên ở Mỹ nên Linh mới nghĩ như thế không?

Không phải. Giả sử bây giờ, hai người chúng ta là người lớn. Mình nhỏ con so với người khác, nhưng đối với bé 5-6 tuổi thì mình là lớn. Nếu muốn thì mình hoàn toàn có thể đánh, xô đẩy các bé nhỏ, nhưng mình không bao giờ làm những việc đó. Những người cao lớn hơn không nên làm việc đó.


Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Cảm ơn New World Saigon Hotel đã tài trợ địa điểm quay cho chương trình.

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 03

Xem CÁC BLOG CỦA TẬP 03


ĐỌC THÊM

Về các khách mời khác trong chương trình tại đây
Yêu Thương Thì Bao Giờ Cũng Tốt Hơn Là Ghét Nhau
Con Cái Sẽ Kỳ Vọng Điều Gì Trong Mối Quan Hệ Với Bố Mẹ?
Phiên Bản Trước Đây Hay Phiên Bản Hiện Tại Sẽ Khiến Bạn Hạnh Phúc Hơn?