Bản Chất Của Bảo Hiểm Là Gì? Bí Quyết Dự Phòng Tài Chính Cho Người Trẻ

Trong bài viết này, bạn sẽ học được 2 từ khoá mới. Hãy viết xuống và tiếp tục nghiên cứu thêm nhé.

  1. Chuyển giao rủi ro
  2. Dự phòng tài chính

Linh muốn chia sẻ một câu chuyện hơi trái ngang về hành trình Sống 100 Tuổi của mình. Để duy trì lối sống lành mạnh, Linh đã đều đặn dành ra ít nhất 150 phút mỗi tuần để tập thể dục. Thậm chí những hôm rất bận, chỉ có thể ghé phòng gym 15 phút thôi, Linh vẫn mặc trang phục đi làm, mang đôi giày thể thao, và bước vào phòng tập. Bởi vì mình muốn giữ được sự kỷ luật và nhất quán. Và công ty cũng trang bị thêm một máy đi bộ để Linh và các bạn khác có thể vừa vận động, vừa làm những việc không cần mức độ tập trung quá cao. Nghe khá hoàn hảo, đúng không?

Nhưng rồi, một sự cố xuất hiện và làm cho kế hoạch hoàn hảo của Linh phải dừng lại. Trong lúc tập, Linh bị chấn thương vai và phải bắt đầu tập vật lý trị liệu hai lần mỗi tuần, kéo dài đến 6 tháng, vừa đau vai, vừa đau ví tiền, và cực kỳ mất thời gian. Vì mỗi sáng trước khi đến công ty, Linh phải đến gặp bác sĩ trước. Và trong những ngày chạy đi chạy về để tập vai đó, Linh bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những rủi ro trong hành trình sống khỏe chủ động của mình. Hoá ra, điều chúng ta nghĩ là tốt cho sức khỏe, như tập thể thao đều đặn, cũng có thể kéo theo những rủi ro ảnh hưởng đến tuổi thọ khỏe mạnh, sức khỏe tài chính, và làm xáo trộn cuộc sống của mình.

Vậy bạn cần làm gì để chủ động sống khỏe, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của những rủi ro có thể xảy đến? Hãy đọc nội dung bên dưới để biết thêm chi tiết nhé.

1. Cách Bảo Hiểm Hoạt Động Để Quản Lý Rủi Ro

Vì sao Linh lại viết một bài về bảo hiểm? Đây là khái niệm mà tất cả chúng ta đều nghe nhắc đến hàng trăm lần. Nhưng lặp lại một khái niệm hàng trăm lần không có nghĩa là bạn hiểu đúng về nó.

Trong bài viết này, Linh muốn giải thích về bảo hiểm một cách hệ thống, dễ hiểu. Mục tiêu là ngay cả những bạn chưa biết gì cũng sẽ hiểu đúng về khái niệm này. Đồng thời, cung cấp cho bạn một góc nhìn cụ thể về bảo hiểm ngắn hạn, như một cách để bạn nắm quyền chủ động với rủi ro trên hành trình Sống 100 Tuổi của mình, thay vì phó mặc cho may rủi.

Bảo hiểm áp dụng hai cơ chế chính để giúp bạn quản lý rủi ro và bảo vệ sức khỏe tài chính một cách hiệu quả. Đó là chuyển giao rủi ro và phân bổ rủi ro.

Đầu tiên, khi tham gia bảo hiểm, bạn đang thực hiện một hành động gọi là “chuyển giao rủi ro.” Nghĩa là bạn không còn phải tự mình gánh chịu toàn bộ rủi ro và chi phí nếu sự cố xảy ra, như chấn thương, bệnh tật hay thiệt hại về tài sản. Thay vào đó, bạn chuyển phần rủi ro này sang cho công ty bảo hiểm. Và đến khi có sự cố, công ty bảo hiểm sẽ thay bạn chi trả các khoản phí tổn. Nhờ vậy, thay vì phải lo lắng về việc lấy đâu ra số tiền lớn để trang trải, bạn sẽ nhận được bồi thường từ phía công ty bảo hiểm.

Số tiền bồi thường này sẽ tương ứng với mức thiệt hại thực tế xảy ra, và nằm trong giới hạn loại rủi ro bạn đã thực hiện chuyển giao. Ví dụ, nếu bạn chỉ chuyển giao rủi ro tai nạn, bạn không thể yêu cầu bồi thường cho việc khám bệnh thông thường. Bởi vì mục tiêu quan trọng nhất của bảo hiểm là giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho bạn khi rủi ro được bảo hiểm xảy ra, bằng cách chi trả số tiền bồi thường tương ứng để khắc phục hậu quả.

Cơ chế thứ hai là phân bổ rủi ro. Đây chính là nguyên tắc nền tảng trong mô hình hoạt động của bảo hiểm. Khi nhiều người cùng tham gia bảo hiểm, họ đóng một khoản phí nhất định vào một quỹ chung. Khoản phí này không phải để phục vụ cá nhân từng người, mà là để bảo vệ cả cộng đồng người tham gia. Ví dụ, trong một quỹ bảo hiểm y tế, hàng nghìn người cùng đóng góp. Khi có một số người gặp phải rủi ro về sức khỏe, số tiền từ quỹ này sẽ được dùng để hỗ trợ, chi trả cho những người không may đó.

Điều này tạo ra một lợi ích kép: mỗi cá nhân không phải đối diện với chi phí khổng lồ một mình, và số tiền trong quỹ bảo hiểm được sử dụng hiệu quả cho những trường hợp thực sự cần đến nó.

2. Tự Tiết Kiệm Hay Mua Bảo Hiểm Ngắn Hạn?

Đến đây, có thể bạn sẽ tự hỏi: "Tại sao mình không tự tiết kiệm mỗi tháng và giữ tiền trong tài khoản ngân hàng?" Đúng vậy, về lý thuyết, nếu không có chuyện gì xấu xảy ra, số tiền đó sẽ tăng dần, và bạn sẽ có một khoản tiết kiệm an toàn. Nhưng có một điểm đáng cân nhắc: bằng cách tự tiết kiệm, bạn đang đặt bản thân vào vị trí phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại về chi phí nếu rủi ro bất ngờ xảy ra.

Giả sử bạn tiết kiệm 3 trăm nghìn mỗi tháng trong một năm, thì sau 12 tháng bạn sẽ có ba triệu sáu trăm nghìn đồng - một khoản cũng ổn đó. Nhưng nếu chẳng may, như trường hợp của Linh, bạn bị chấn thương khi tập luyện và phải điều trị, thì các khoản chi phí có thể vượt xa số tiền tiết kiệm được. Chỉ riêng một bên vai này thôi, Linh đã phải gặp bác sĩ đa khoa, bác sĩ vật lý trị liệu, rồi cộng thêm chi phí chụp X-quang và MRI - tổng cộng hơn 30 triệu đồng. Nếu không có bảo hiểm, Linh sẽ phải tự trả toàn bộ số tiền đó, và số tiền tiết kiệm một năm ở trên chỉ là phần bé tí, không thể nào bù đắp được.

Những điều trên có phải là rủi ro bạn muốn gánh không? Chắc chắn là không, và đó là lý do mà mua bảo hiểm là một quyết định giúp bạn an tâm hơn. Bằng cách tham gia bảo hiểm, bạn sẽ giải phóng mình khỏi gánh nặng tài chính khi rủi ro xảy ra và chuyển nó sang cho một công ty lớn hơn, có khả năng chi trả.

Khi hiểu rằng bảo hiểm là cách bạn “trả phí” để chuyển giao các rủi ro của mình cho công ty bảo hiểm, bạn sẽ nhận thấy bảo hiểm có thể áp dụng cho hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

3. Quản Lý Rủi Ro Thông Qua Các Loại Hình Bảo Hiểm

Có nhiều loại bảo hiểm, và có nhiều cách để phân loại bảo hiểm theo chuyên ngành và cũng hơi khó phân biệt cho chúng ta. Nên trong bài viết này, Linh sẽ trình bày theo cách dễ hiểu nhất, đó là phân loại theo đối tượng được bảo hiểm.

Đầu tiên là nhóm bảo hiểm con người. Đây là loại bảo hiểm tập trung vào bảo vệ sức khỏe, tuổi thọ và thể chất của con người. Có ba loại quyền lợi bảo hiểm mà các bạn hay nghe đến.

Một là Bảo hiểm nhân thọ: Loại bảo hiểm này cung cấp quyền lợi tài chính cho gia đình hoặc người thụ hưởng trong trường hợp người được bảo hiểm qua đời hoặc khi họ đạt đến một độ tuổi nhất định. Nó giúp đảm bảo rằng người thân sẽ có sự hỗ trợ tài chính để ổn định cuộc sống, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn.

Hai là Bảo hiểm sức khỏe, giúp giảm bớt chi phí y tế khi bạn hoặc người thân gặp các vấn đề về sức khỏe. Bảo hiểm này chi trả cho các chi phí khám chữa bệnh, nhập viện, phẫu thuật và các dịch vụ y tế khác mà không cần phải xem xét nguyên nhân xảy ra.

Ba là Bảo hiểm tai nạn: Với loại bảo hiểm này, theo đúng cái tên, khoản bồi thường chỉ áp dụng trong trường hợp có tai nạn xảy ra. Khoản bồi thường có thể dùng để trả viện phí điều trị hoặc là một khoản tiền mặt khi có thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong đối với đối tượng được bảo hiểm.

Có nhiều bạn có thể nhầm lẫn hai loại này. Các bạn lưu ý để phân biệt nhé. Một cái là chi trả theo loại chi phí - ở đây là chi phí y tế. Một loại là theo nguyên nhân của rủi ro.

Nhóm bảo hiểm thứ hai là Bảo hiểm tài sản, giúp bảo vệ các tài sản vật chất như nhà cửa, xe cộ hay tài sản doanh nghiệp khỏi những rủi ro gây thiệt hại, hư hỏng, hoặc mất mát. Bất cứ ai sở hữu tài sản lớn như nhà cửa, xe cộ đều có thể gặp rủi ro và cần được bảo vệ.

Cuối cùng là nhóm bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Đây là loại bảo hiểm giúp bảo vệ cá nhân hoặc tổ chức trước các khiếu nại và chi phí pháp lý liên quan đến trách nhiệm gây thiệt hại cho người khác. Bao gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới, trách nhiệm sản phẩm, và trách nhiệm nghề nghiệp.

4. Hiểu Về Rủi Ro Khi Mua Bảo Hiểm

Sau khi hiểu tổng quan các loại bảo hiểm, bước tiếp theo để chọn được gói bảo hiểm ngắn hạn phù hợp là xác định rõ nhu cầu của bạn. Bạn cần tự hỏi: Mục tiêu của mình khi mua bảo hiểm là gì? Mình muốn bảo vệ trước những rủi ro nào?

Linh cũng đã tự đặt những câu hỏi này sau khi trải qua chấn thương vai trong lúc tập luyện. Chỉ đến khi đó, Linh mới nhận ra rằng ngay cả một hoạt động tưởng chừng an toàn như tập gym cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể, mà đôi khi chúng ta không lường trước được. Và thực tế, những rủi ro này lại phổ biến hơn bạn nghĩ.

Hãy xem một vài thống kê tại Mỹ về rủi ro trong tập gym. Mỗi năm, có hơn 460,000 ca chấn thương liên quan đến tập luyện được báo cáo. Những chấn thương này dẫn đến 63,000 ngày nghỉ làm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và thu nhập của người bị chấn thương. Đáng chú ý là 42% chấn thương khi tập thể dục được phân loại là trung bình đến nặng, và cần được chăm sóc y tế. Ví dụ như trường hợp của Linh.

Ngoài ra, bạn có biết ba bộ phận nào dễ gặp chấn thương nhất khi tập luyện tại phòng gym không? Theo khảo sát, đó là đầu gối (17%), vai (11%) và mắt cá chân (9%). Hoá ra chấn thương vai của Linh cũng không hề hiếm. Và Linh cũng bật mí luôn cho các bạn, top 3 những thiết bị thường gây chấn thương nhất là tạ và máy chạy bộ (mỗi loại chiếm 25%) cùng xe đạp tập (17%).

Khi đã hình dung rõ ràng hơn về mức độ phổ biến và nghiêm trọng của các chấn thương khi tập thể dục, có 2 điều bạn nên làm để sống khỏe chủ động.

Một là lên kế hoạch tập luyện an toàn và hiệu quả hơn. Ví dụ như tìm hiểu thật kĩ về các rủi ro trong bài tập và tập luyện thật đúng, hoặc nếu bạn có huấn luyện viên riêng, bạn có thể trao đổi về các rủi ro này để hạn chế tối đa những rủi ro có thể phát sinh.

Hai là chọn mua gói bảo hiểm phù hợp để khi có rủi ro xảy ra thì sức khoẻ tài chính của bạn cũng được bảo vệ. Ví dụ, với các bạn thường xuyên tập gym, các bạn có thể tìm hiểu về gói bảo hiểm dành riêng cho những người tập luyện của LivWell mang tên Bảo hiểm Vững Vàng Tập Luyện. Với mức phí khá rẻ khoảng 1 nghìn đồng mỗi ngày, bạn có thể nhận gói quyền lợi đến hơn 120 triệu một năm. Bao gồm chi phí y tế cho các tai nạn thường gặp ở phòng gym như vật lý trị liệu, nắn chỉnh cột sống, bong gân, giãn cơ. Gói bảo hiểm này cũng bảo vệ bạn trước rủi ro mất trộm tài sản cá nhân, và cả các thương tật vĩnh viễn tại phòng tập gym. Các bạn có thể quét mã QR bên dưới để tìm hiểu về gói bảo hiểm này nhé.

QR Bảo hiểm Vững Vàng Tập Luyện

5. Bảo Hiểm Là Khoản Dự Phòng Tài Chính Cá Nhân

Như chúng ta vừa phân tích ở trên, ngoài việc bảo vệ bạn trước những rủi ro về sức khỏe hay tai nạn, bảo hiểm còn đóng vai trò như một khoản dự phòng tài chính cá nhân vô cùng hiệu quả.

Hãy thử hình dung, bạn cần làm việc trong bao lâu để tự tích lũy một khoản dự phòng tài chính vài trăm triệu đồng cho mình? Trong khoảng thời gian đó, nếu chẳng may có sự cố xảy ra, liệu bạn đã có sẵn nguồn tài chính dự phòng đủ mạnh để ứng phó chưa?

Đây là lúc mà bảo hiểm trở nên hữu ích. Thay vì dành nhiều năm tích lũy từng chút một, bạn có thể bỏ ra một khoản phí nhỏ hàng tháng để mua bảo hiểm và có sẵn một "quỹ dự phòng" hàng trăm triệu đồng.

Khoản dự phòng tài chính này có thể giúp bạn như thế nào?

Trước hết, khoản dự phòng này sẽ giúp bạn trang trải các chi phí phát sinh khi xảy ra sự cố. Nó cho bạn khả năng tự chủ về tài chính, giúp bạn đứng vững trong mọi hoàn cảnh mà không phải rơi vào tình trạng nợ nần.

Ngoài ra, việc biết rằng mình đã có sẵn một “quỹ dự phòng” cũng giúp bạn an tâm hơn. Nhờ đó, bạn có thể tập trung vào những mục tiêu và dự định cá nhân mà không phải lo lắng về những điều bất ngờ có thể ập đến.

Nói tóm lại, bảo hiểm không chỉ là một công cụ tài chính mà còn là cách để bạn xây dựng nền tảng ổn định cho tương lai của mình. Nó giúp bạn vượt qua những thử thách tài chính bất ngờ, đồng thời giữ cho kế hoạch dài hạn không bị gián đoạn. Khi chúng ta nói về chủ đề “Sống 100 Tuổi”, việc lập kế hoạch tài chính và tạo quỹ dự phòng sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn và giúp bạn tiến gần hơn đến các mục tiêu mong muốn.

6. Bảo Hiểm Là Khoản Đầu Tư Vào Đội Ngũ

Đó là về mặt cá nhân. Còn với các doanh nghiệp thì sao? Mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên cũng là một cách đầu tư vào sức khỏe và sự gắn kết của toàn đội ngũ. Qua đó, không chỉ giúp xây dựng một khoản dự phòng tài chính cho nhân viên, mà còn đảm bảo đội ngũ của mình có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi cần thiết mà không phải lo lắng về chi phí điều trị. Điều này sẽ mang lại sự an tâm khi làm việc, giúp nhân viên tập trung và đạt hiệu suất cao hơn. Đối với doanh nghiệp, điều này hơi giống một khoản đầu tư, cụ thể là đầu tư vào nguồn lực con người vốn rất quan trọng cho bất kỳ tổ chức nào.

Với xu thế hiện đại ngày nay, việc chỉ cung cấp các gói bảo hiểm cho doanh nghiệp là chưa đủ. Tin tốt là thị trường đã xuất hiện những công ty công nghệ bảo hiểm có thể mang đến cách tiếp cận toàn diện hơn về sức khỏe cho doanh nghiệp và đội ngũ của mình. Ví dụ, với giải pháp One Health của LivWell, nhân viên của bạn sẽ được kết nối với một hệ sinh thái toàn diện về sức khỏe như: tập luyện tại các phòng tập của California Fitness, theo dõi các chỉ số sức khỏe với tính năng Quét khuôn mặt trên ứng dụng LivWell, hay sử dụng không giới hạn dịch vụ tư vấn sức khỏe tinh thần qua điện thoại. Bên cạnh đó, bộ phận nhân sự của doanh nghiệp còn được sử dụng một nền tảng số cho các hoạt động khuyến khích gắn kết nhân viên, như các cuộc thi nhỏ về chạy bộ hoặc đi bộ.

Việc cung cấp bảo hiểm kết hợp cùng các hoạt động gắn kết như vậy không chỉ mang lại lợi ích về mặt sức khỏe mà còn tạo nên một văn hóa sống khỏe chủ động về cả thể chất lẫn tinh thần trong công ty. Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về sản phẩm này và kết nối với team LivWell, các bạn hãy quét mã QR bên dưới nhé.

QR Bảo hiểm One Health

Lời Kết

Có vẻ hơi nhiều thông tin đúng không? Hãy làm một câu trắc nghiệm nhỏ để đảm bảo là bạn nhớ thông tin chính. Theo bạn, lợi ích lớn nhất của việc mua bảo hiểm là gì?

A. Mang lại lợi nhuận cao nhờ đầu tư

B. Giúp giảm thiểu thiệt hại tài chính khi có rủi ro xảy ra

C. Là một hình thức tiết kiệm bắt buộc cho tương lai

Nếu bạn chọn B, xin chúc mừng! Đây chính là lợi ích lớn nhất của bảo hiểm. Bảo hiểm hoạt động trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro: mỗi cá nhân hoặc tổ chức đóng một khoản phí vào một quỹ chung. Và quỹ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ những người tham gia không may gặp rủi ro, giúp họ giảm thiểu thiệt hại về tài chính.

Như vậy, bảo hiểm không phải là một khoản đầu tư sinh lời, mà là cơ chế giúp bạn dự phòng trước những rủi ro tài chính. Nó san sẻ gánh nặng của một người cho nhiều người khác – giúp bạn có thể vững vàng hơn trong những tình huống bất ngờ.

Và đó cũng là lý do vì sao bảo hiểm nên là một phần trong kế hoạch dự phòng cho tài chính dài hạn của bạn, và cũng là một cách để bạn bảo vệ tài chính của mình trước các rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong cuộc sống. Và đây chắc chắn là điều cần thiết cho hành trình đi đến tuổi 100 của tất cả chúng ta đúng không?

Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về bản chất của bảo hiểm và tầm quan trọng của nó trong việc giúp bạn đạt được sự an tâm, bảo vệ tài sản, và duy trì một cuộc sống chất lượng.

Cảm ơn LivWell đã đồng hành cùng chương trình Sống 100 Tuổi. LivWell là nền tảng về sức khỏe toàn diện cho phép bạn đổi số bước đi hàng ngày để lấy hàng ngàn voucher ưu đãi và sử dụng công cụ đánh giá sức khỏe. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí!
▶️ Tải app LivWell tại đây
Skills Bridge là công ty đào tạo cung cấp các chương trình phát triển kỹ năng cho các bạn trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các công ty đa quốc gia. Linh thành lập công ty với mục tiêu sử dụng 25 năm kinh nghiệm của mình cùng các chuyên gia khác trong nhiều lĩnh vực để hỗ trợ các bạn trẻ thành công trong sự nghiệp.
Để biết thêm chi tiết về các chương trình đào tạo và phát triển đa dạng hiện có của Skills Bridge, hãy truy cập link này.

Viết bởi

Có hơn 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tiếp thị và vận hành. Những nội dung của Thái Vân Linh cung cấp các công cụ và cảm hứng nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam thăng tiến trong công việc và khám phá trọn vẹn tiềm năng của mình.

Cảm ơn LivWell đã đồng hành cùng chương trình Sống 100 Tuổi. LivWell là nền tảng về sức khỏe toàn diện cho phép bạn đổi số bước đi hàng ngày để lấy hàng ngàn voucher ưu đãi và sử dụng công cụ đánh giá sức khỏe. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí!
▶️ Tải app LivWell tại đây
Skills Bridge là công ty đào tạo cung cấp các chương trình phát triển kỹ năng cho các bạn trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các công ty đa quốc gia. Linh thành lập công ty với mục tiêu sử dụng 25 năm kinh nghiệm của mình cùng các chuyên gia khác trong nhiều lĩnh vực để hỗ trợ các bạn trẻ thành công trong sự nghiệp.
Để biết thêm chi tiết về các chương trình đào tạo và phát triển đa dạng hiện có của Skills Bridge, hãy truy cập link này.

Viết bởi

Có hơn 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tiếp thị và vận hành. Những nội dung của Thái Vân Linh cung cấp các công cụ và cảm hứng nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam thăng tiến trong công việc và khám phá trọn vẹn tiềm năng của mình.