Làm Sao Biết Tiền Của Bạn Đi Đâu Về Đâu?

Theo tổ chức Tư vấn Tín dụng Quốc gia, 63% người Mỹ không có đủ 500 đô la tiền tiết kiệm để chi trả cho trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, trải qua một năm đầy biến động về kinh tế và thị trường, nhiều công ty đã cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí.

Linh cho rằng, ngay lúc này là thời điểm thích hợp để bạn đánh giá tình hình tài chính hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai. Để làm được điều này, điều đầu tiên là bạn cần hiểu rõ sự dịch chuyển của dòng tiền cá nhân - hiểu biết biết rằng tiền của mình đến từ đâu, đang đi đâu, về đâu.

1) THEO DÕI CHI TIÊU HÀNG THÁNG

a. Vì sao bạn cần theo dõi chi tiêu hàng tháng?

Theo dõi chi phí hàng tháng liên quan đến việc ghi lại TẤT CẢ số tiền bạn chi tiêu trong một tháng. Tất cả ở đây nghĩa là bao gồm các khoản chi phí lớn như tiền thuê nhà, tiền mua điện thoại mới, đến các khoản nhỏ như mua một ly cà phê hay thậm chí là tiền bơm lốp xe. Đọc đến đây, chắc nhiều bạn sẽ nghĩ là “Có cần phải chi tiết tới mức đó không?”. Nhưng hãy thử ghi chép chi tiết đến từng xu nhỏ như vậy đi, chỉ một, hai tháng thôi, bạn sẽ thấy những chi tiêu nhỏ nằm ngoài kế hoạch này cộng dồn lại đôi khi sẽ đủ lớn để làm vơi túi tiền của bạn. Như chia sẻ của chính trị gia Mỹ Benjamin Franklin: “Hãy cẩn thận với các chi tiêu nhỏ, một rò rỉ nhỏ có khả năng đánh chìm cả một con tàu lớn”.

Điều quan trọng là theo dõi chi tiêu thường xuyên sẽ vẽ ra cho bạn bức tranh toàn cảnh về dòng tiền của mình, nó đến từ nguồn nào, đang được chi tiêu vào những việc gì, và cho bạn cơ hội đánh giá xem mình muốn điều chỉnh dòng tiền vào ra như thế nào. Từ đó, bạn có thể phân bổ lại ngân sách chi tiêu, tính toán trước những khoản thu chi, và đặt ra các mục tiêu tiết kiệm, đầu tư hợp lý.

b. Cách tự động hóa việc theo dõi chi tiêu

Việc ghi chép này rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng cam kết thực hiện nó đều đặn mỗi ngày. Một số rào cản phổ biến là bạn cảm thấy thiếu động lực và mất thời gian. Đặc biệt là với những người không giỏi việc ghi chép chi tiết. Linh cũng cảm thấy như vậy. Đó là lý do Linh đã tìm kiếm các công cụ công nghệ để việc theo dõi chi tiêu này trở nên tự động và dễ dàng hơn. 

Tin tốt là trên thị trường đang có khá nhiều ứng dụng theo dõi chi tiêu và quản lý tài chính miễn phí mà bạn có thể dễ dàng tải về điện thoại. Ứng dụng mà Linh chia sẻ hôm nay là Money Manager, hiện có trên cả hai nền tảng Android và iOS. Money Manager sẽ giúp bạn theo dõi thu nhập và chi tiêu hàng ngày, đồng thời cung cấp cái nhìn tổng thể về tình trạng tài chính của bản thân thông qua các biểu đồ. 

Các biểu đồ này sẽ giúp bạn nhìn rõ được cách ngân sách của mình đang được phân bổ, thói quen chi tiêu qua từng tuần, từng tháng, hoặc năm để từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh phù hợp.

Giao diện phân bổ các khoản chi tiêu trên ứng dụng Money Manager

Giao diện phân bổ các khoản chi tiêu trên ứng dụng Money Manager

(Nguồn ảnh: www.realbyteapps.com)

c. Bạn cần bắt đầu như thế nào?

Rất đơn giản! Việc bạn cần làm là dành ra khoảng 5 đến 10 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ để nhập thông tin thu nhập và chi tiêu trong ngày vào ứng dụng Money Manager (hoặc các ứng dụng theo dõi chi tiêu tương tự) một cách chi tiết nhất.

Một vài thông tin chính cần nhập bao gồm: thời gian chi tiêu, số tiền chi tiêu, mô tả chi tiêu, phân loại chi tiêu (thức ăn, thuê nhà, giáo dục, giải trí, di chuyển, từ thiện). 

Lý do bạn cần nhập thông tin ngay trước khi đi ngủ là vì đó là lúc tất cả giao dịch trong ngày của bạn đã thực hiện, bạn có thể dễ dàng nhớ đến chúng.

Một vài lần, Linh đã khá bất ngờ khi mình đã thực hiện vài chục giao dịch mỗi ngày - cả thanh toán qua thẻ và bằng tiền mặt. Vì vậy, nếu bạn để đến qua ba ngày hay một tuần mới bắt đầu nhập thông tin thì số lượng giao dịch có thể lên tới hàng trăm - một con số khổng lồ đúng không? Như vậy vào cuối tuần, phần lớn chúng ta sẽ quên mất mình đã chi tiêu gì vào đầu tuần hoặc giữa tuần, đặc biệt là với giao dịch rất nhỏ.

Giao diện nhập thông tin chi tiêu trên ứng dụng Money Manager

Giao diện nhập thông tin chi tiêu trên ứng dụng

Money Manager

(Nguồn ảnh: www.realbyteapps.com)

Ngoài ra, nhập thông tin của hàng trăm giao dịch một lần cũng làm giảm động lực và khiến bạn bỏ cuộc giữa chừng. Đây là lúc bạn cần xây dựng “thói quen 10 phút” để nhập thông tin chi tiêu vào ứng dụng của mình.

Bí quyết trị "lười" 10 phút mỗi ngày

2) LẬP NGÂN SÁCH

Biết cách tạo lập ngân sách cũng sẽ giúp bạn quản lý dòng tiền và theo dõi tiến trình đạt được các mục tiêu tài chính của bản thân tốt hơn. Nhìn chung, có nhiều cách để bạn quản lý ngân sách của mình, có 3 phương pháp quen thuộc mà bạn có thể tham khảo:

3 phương pháp lập ngân sách thông dụng

3 phương pháp lập ngân sách thông dụng

a. Trả cho bản thân trước (Pay Yourself First) hay Lập ngân sách ngược: Bắt đầu bằng cách ưu tiên phân bổ tiền cho khoản tiết kiệm và trả nợ trước, sau đó mới tính đến các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Linh đã phân tích khá kỹ phương pháp này, các bạn xem thêm tại đây

b. Quy tắc 80/20: Quy tắc này khá đơn giản, dễ làm theo và duy trì, đặc biệt phù hợp với những bạn mới bắt đầu lập ngân sách. Theo đó, bạn sẽ:

          (1) Dành 20% thu nhập để chuyển vào tài khoản tiết kiệm (hoặc trả nợ)

          (2) Dành 80% thu nhập còn lại cho việc chi tiêu hàng ngày

20% là mức thấp nhất để bắt đầu cho một khoản tiết kiệm. Dù vậy, bạn có thể linh hoạt thay đổi tỉ lệ này thành 10/90, 30/70, 40/60 tùy theo tình hình chi tiêu của bản thân.

c. Quy tắc 50/30/20: Đây là quy tắc mở rộng và chi tiết hơn của quy tắc 80/20. Nguyên lý của quy tắc này hoạt động như sau:

          (1) Vẫn dành riêng 20% thu nhập để chuyển vào tài khoản tiết kiệm (hoặc trả nợ)

          (2) Dành 50% thu nhập để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu: nhà cửa, ăn uống, xăng xe hay các hoá đơn điện nước

(3) Đây là nhóm chi tiêu sau cùng. Dành 30% thu nhập để chi tiêu cho các mong muốn của bản thân: như đi xem phim, vé nghe nhạc, mua món đồ mình yêu thích

Cách lập ngân sách 50/30/20 này sẽ phù hợp với những bạn muốn quản lý chặt hơn chi tiêu của mình. Lúc này, bạn cần cân nhắc nhiều hơn về các nhu cầu của mình để xếp chúng vào đúng danh mục trước khi quyết định chi tiêu. Ví dụ, mua sách mới nên được phân bổ vào phần chi tiêu mong muốn hơn là chi tiêu thiết yếu. Dù vậy, nếu bạn muốn dành 5% thu nhập mỗi tháng để phát triển bản thân thì chi phí mua những cuốn sách để học hỏi này có thể là nhu cầu thiết yếu của bạn.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng tất cả các phương pháp đều là các quy tắc chung để chúng ta tham khảo. Dựa vào tình hình tài chính, nhu cầu, và tính cách của bản thân mà bạn hãy áp dụng và điều chỉnh cho phù hợp.

Lời kết

Toni Morrison từng chia sẻ: "Lập ngân sách không phải là từ chối những thứ bạn yêu thích, mà là cho phép bản thân tự do yêu thích những thứ bạn muốn". 2023 có thể là một năm đầy thách thức, nhưng với việc lập kế hoạch, chiến lược và kỷ luật phù hợp, Linh tin tài chính trong năm nay của bạn sẽ khỏe mạnh hơn và bạn sẽ sớm đạt được các mục tiêu tài chính của mình.


ĐỌC THÊM

Những chia sẻ của Thái Vân Linh về chủ đề phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp
Xây Dựng Thương Hiệu Cá Nhân Khi Nghỉ Việc (Đừng Đợi Nghỉ Mới Làm)
Thay Đổi Ngay Cách Giới Thiệu Bản Thân (Không Chỉ Khi Phỏng Vấn)
3 Kỹ Năng Quan Trọng Nhất Để Phỏng Vấn Thành Công
2 Tư Duy Giúp Thay Đổi Kết Quả Buổi Phỏng Vấn Của Bạn
Làm Sao Vượt Qua Trì Hoãn Khi Tìm Việc Mới?
Tư Duy Nào Sẽ Thay Đổi Sự Nghiệp Của Bạn?