Làm sao để vượt qua cám dỗ nhất thời phát triển bản thân

Theo từ điển tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm (bạn cùng tuổi, bạn cùng lớp, đồng nghiệp hoặc người có cùng số năm kinh nghiệm trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định). Khi bản thân không đạt được những điều giống với những người đó, chúng ta sẽ có cảm giác áp lực, mặc cảm, tự ti về bản thân.

Mọi người thường cho rằng áp lực đồng trang lứa là tiêu cực. Nhưng bất cứ vấn đề nào cũng thường có cả hai mặt: tích cực và tiêu cực. Thực tế, không phải lúc nào áp lực đồng trang lứa cũng mang lại tác động xấu.

1) ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA TỪ GÓC NHÌN TÍCH CỰC HƠN

Linh nghĩ bản thân nên duy trì một mức độ áp lực. Vì nếu mọi thứ dễ dàng, nghĩa là bạn không học hỏi. Và không học hỏi bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Áp lực đồng trang lứa cũng tương tự như các áp lực khác. Nếu bạn biết tận dụng nó để biến áp lực từ sự thành công của những người xung quanh thành động lực cho chính mình thì bạn có thể trở thành một người thành công tương tự như họ. Vì theo một nghiên cứu về ảnh hưởng xã hội đối với sự phát triển tích cực của thanh thiếu niên cho thấy, nếu chúng ta tiếp xúc với những người tích cực thì chúng ta sẽ có xu hướng giống họ. 

Áp lực tích cực từ bạn bè đồng trang lứa tức là bạn bè khuyến khích bạn làm những điều tốt đẹp hoặc thúc đẩy bạn phát triển theo hướng có lợi. Bạn cần những người bạn sẽ “gây áp lực” để bạn có những thói quen lành mạnh. Bạn cần những người bạn có thể đưa ra những lựa chọn lạc quan hơn bi quan. Bạn cần những người bạn dám chỉ ra sự lười biếng, trì hoãn, thói hư tật xấu của bạn để loại bỏ chúng trong cuộc sống. Bạn có thể bắt gặp những người bạn tốt, gây áp lực tích cực như:

  • Cùng bạn tìm ra phương án giải quyết cho một vấn đề thay vì chỉ ngồi than vãn
  • Ngăn cản bạn ăn uống những thực phẩm không tốt cho sức khỏe
  • Động viên hay cùng bạn đến phòng tập thể dục những lúc bạn muốn trốn tập

2) LÀM SAO ĐỂ CÓ THỂ TÌM RA NHỮNG NGƯỜI BẠN MỚI CHÂN CHÍNH VÀ TÍCH CỰC NÀY?

a) Gạt Bỏ Nỗi Sợ Hãi Trong Bạn

Một số người trong chúng ta xem việc gặp gỡ những người mới là một sự kiện đáng sợ. Chúng ta quan tâm đến việc tạo ấn tượng tốt, lo lắng liệu người kia có thích mình không, làm thế nào để cuộc trò chuyện tiếp tục. Sự e ngại này có thể phát triển thành nỗi sợ hãi về tinh thần, vô tình ngăn cản chúng ta kết bạn với những người mới. Trên thực tế, tất cả những nỗi sợ hãi chỉ hiện hữu ở trong đầu bạn. 

Một nghiên cứu đã chỉ ra, phần lớn mọi người rất bận rộn và họ sẽ không có thời gian để quan tâm đến những điều trên hay chú ý đến bạn. Trong khi bạn lo lắng về ấn tượng của mình, họ cũng đang lo lắng về ấn tượng mà họ sẽ tạo ra cho bạn. Nên thật sự mà nói, họ cũng sợ hãi như bạn. Vậy nên lần tới, khi cảm xúc sợ hãi xuất hiện, hãy học cách chấp nhận nó. Bạn hiểu là mình lo lắng, nhưng cũng hiểu rằng người đối diện có thể cũng đang lo lắng như bạn. Điều bạn cần làm là hãy tự tin bước tới và mở lời trò chuyện trước. Đó là mở đầu cho một tình bạn mới mà bạn có thể gắn bó sâu sắc trong tương lai.

b) Bắt Đầu Nhỏ Với Những Người Bạn Biết

Nếu bạn chưa giao tiếp nhiều, việc gặp gỡ nhiều người mới sẽ khiến bạn lo lắng. Mẹo của Linh là hãy bắt đầu từ việc nhỏ trước. Giảm độ khó của nhiệm vụ bằng cách bắt đầu với vòng kết nối bạn bè của bạn, tức là những người bạn quen thuộc, cụ thể như:

  • Tiếp cận với những người quen: Bạn có những người bạn đã từng quen biết trước kia nhưng gần đây mất liên lạc không? Hãy thử tìm lại số điện thoại hay các tài khoản mạng xã hội của họ để gửi một tin nhắn chào hỏi thân thiện và ngỏ lời mời cho một buổi hẹn cà phê. Biết đâu bạn sẽ có cơ hội để kết nối lại một mối quan hệ cũ và tạo tiền đề cho một mối quan hệ mới, tốt đẹp trong tương lai. 
  • Làm quen với bạn bè của bạn bè: Hãy nhờ bạn bè của mình giới thiệu một vài người bạn chất lượng của họ. Và sau đó, mọi người có thể đi chơi hay đi cà phê cùng nhau. Nếu bạn cảm thấy thoải mái với bạn bè của mình, rất có thể bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái với bạn bè mà những người bạn chí cốt của mình giới thiệu.

c) Đưa Bản Thân Ra Khỏi “Vùng An Toàn”

Nhà tâm lý học lâm sàng Linda Blair nhận định: “Cơ sở để kết bạn là trải nghiệm được chia sẻ”. Việc tham gia vào một đội, nhóm hoặc các lớp học dựa trên điều gì đó bạn thực sự yêu thích hoặc tình nguyện cho điều gì đó bạn quan tâm, có thể là cách làm tuyệt vời để tìm kiếm tình bạn.

  • Tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm: Có nhiều nhóm sở thích, chẳng hạn như nhóm dành cho doanh nhân, người ăn chay, người yêu thích trò chơi mạo hiểm, người đam mê chạy bộ. Hãy chọn sở thích của mình và tham gia các nhóm tương ứng. Cuộc gặp gỡ dựa trên lịch sinh hoạt của mỗi nhóm, có thể là hàng tuần hay hàng tháng sẽ giúp bạn có nhiều thời gian để kết giao được người mới một cách nhanh chóng.
  • Tham dự các hội thảo, khóa học: Đây không chỉ là những sự kiện giúp bạn học hỏi và phát triển bản thân mà còn là con đường mới giúp bạn tìm ra những người cùng chí hướng và mục tiêu trong công việc và cuộc sống.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Việc tiếp xúc và nhìn nhận những tấm gương từ những người bạn tốt sẽ đem đến nhiều điều tích cực cho cuộc sống của bạn. Áp lực đồng trang lứa khi ấy sẽ là cơ hội để bạn nhìn ra được những thiếu sót của bản thân. Từ đó, bạn mới có thể chắt lọc những giá trị phù hợp với chính mình để học hỏi và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. 🌟


Bạn có thể xem thêm bài viết liên quan về 3 Yếu Tố Của Một Người Bạn Mà Giúp Mình Thành Công.

0 comments

  • Hiện chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên gửi bình luận cho bài viết này!

Để lại bình luận

Lưu ý, các bình luận sẽ phải được phê duyệt trước khi được đăng tải.