Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 50% người đi làm cần học thêm kỹ năng mới vào năm 2025. Những kỹ năng được cho là chủ đạo cũng sẽ thay đổi trong vòng chưa đến một năm, ảnh hưởng đến 40% người lao động hiện tại.

Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi này nhanh hơn dưới các tác động của đại dịch Covid 19, khủng hoảng kinh tế, sự biến động thị trường. Việc sa thải hàng loạt nhân sự ở nhiều công ty vào dịp cuối năm khiến nhiều người lo lắng. Thay vì suy nghĩ về những tình huống bi quan, hãy bắt đầu chuẩn bị cho bản thân trước những thay đổi này. Ngay cả khi tình hình có vẻ ổn định hơn, việc học kỹ năng mới để chuẩn bị cho một sự nghiệp thành công luôn là điều đúng đắn.

A. VÌ SAO BẠN NÊN NÂNG CẤP KỸ NĂNG NGHỀ NGHIỆP NGAY TỪ BÂY GIỜ?

Nói tóm lại, kinh nghiệm làm việc không phụ thuộc thời gian đi làm của bạn mà phụ thuộc vào những gì bạn đã làm ở công ty trong thời gian đó. Bạn cần biết được tổng quát nhiệm vụ cần làm của mình. Nó có liên quan đến những bộ phận khác không? Tác động của nó đối với những đồng nghiệp khác ra sao? Rồi những gì bạn đang làm sẽ ảnh hưởng đến công ty như thế nào? Nếu bạn ở vị trí Giám đốc trở lên thì bạn cần suy nghĩ thêm làm thế nào để nào để công ty có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, hoặc những suy nghĩ tương tự như vậy. 

Diễn giả người Canna Robin S. Sharma có một câu nói mà Linh rất thích: “Cái giá của sự vĩ đại là trách nhiệm”. Trên thực tế, thông phải đợi đến khi trở thành một người quản lý thì bạn mới cần chú trọng đến yếu tố này. Dù bạn đang ở vị trí nào thì bạn cũng cần biết chịu trách nhiệm cho công việc của mình. Khác biệt ở đây chính là trách nhiệm ở từng vị trí mà bạn đảm nhiệm. Vị trí càng cao, trách nhiệm sẽ càng lớn. Vậy nên điều đầu tiên bạn cần trang bị cho mình khi muốn thăng tiến lên vị trí cao hơn là mở rộng khả năng chịu trách nhiệm của mình trong công việc.


Kinh nghiệm làm việc không phụ thuộc thời gian đi làm của bạn mà phụ thuộc vào những gì bạn đã làm ở công ty trong thời gian đó.

Các bạn cũng như Linh đều hiểu rằng không có ngành nghề nào đứng yên. Chúng ta cần liên tục rèn luyện, nâng cấp và mở rộng các kỹ năng nghề nghiệp mà mình có để thích nghi. Cho tình hình đầy biến động như hiện nay và trong vài năm tới, việc nâng cấp các kỹ năng ngay từ bây giờ sẽ:

  1. Giúp CV của bạn trở nên nổi bật hơn, theo cách mà bạn hiểu rõ chính xác điểm mạnh của mình có lợi như thế nào cho vị trí ứng tuyển, thay vì các mô tả chung chung. Bạn có thể đọc thêm về 3 mẹo viết CV để tạo ấn tượng tại đây.
  2. Cải thiện hiệu quả và năng suất cho công việc hiện tại. Tạo ra các kết quả công việc có chất lượng trong thời gian ngắn giúp bạn tối ưu nguồn lực và có thêm thời gian phát triển các kỹ năng khác.
  3. Chủ động hơn với công việc hiện tại và mở rộng cơ hội cho các sự thay đổi công việc trong tương lai. Điều này có nghĩa, nếu công ty có thay đổi cấu trúc, hình thức hoạt động hay phát triển sản phẩm mới, bạn sẽ là một nhân viên dễ thích nghi hơn với những thay đổi này.
  4. Trong trường hợp mất việc làm, đây là một cơ hội để bạn tìm kiếm công việc mới, thậm chí thử sức với một lĩnh vực mới

Bây giờ hãy cùng Linh xem xét đến các kỹ năng có giá trị về mặt dài hạn để bạn có thể củng cố và nâng cấp bản thân ngay từ bây giờ. Danh sách bên dưới bao gồm các kỹ năng chuyên môn (kỹ năng cứng) và kỹ năng nơi làm việc (kỹ năng mềm), có thể ứng dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau.

B. NHỮNG KỸ NĂNG CÔNG VIỆC ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO TRONG TƯƠNG LAI

Các kỹ năng bên dưới được tổng hợp từ các nghiên cứu từ LinkedIn, Indeed, Coursera, HRForecast. Danh sách các kỹ năng được chọn lọc dựa trên mức độ phù hợp với môi trường làm việc và nhu cầu tuyển dụng ở Việt Nam.

1. Kỹ năng về máy tính, các nền tảng kỹ thuật số

Theo báo cáo về nhu cầu của nhà tuyển dụng đối với các kỹ năng kỹ thuật số, ít nhất 82% các tin tuyển dụng online ở Anh yêu cầu các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản. Báo cáo tương tự cũng chỉ ra rằng, các vị trí công việc yêu cầu kỹ năng kỹ thuật số cơ bản được trả cao hơn tới 29% so với các công việc không có yêu cầu này. 

Kiến thức kỹ thuật số bao gồm nhiều loại năng lực: kỹ năng giải quyết vấn đề trên máy tính (phần mềm và phần cứng), mạng xã hội, ứng dụng quản lý công việc, ứng dụng giao tiếp cho công việc, kỹ năng tìm kiếm thông tin.

Việc chúng ta sử dụng mạng xã hội hay các ứng dụng di động mỗi ngày cũng có thể trở thành kỹ năng cạnh tranh, nếu tiếp cận ở góc độ công việc. Ví dụ, việc sử dụng mạng xã hội sẽ rất hữu ích nếu bạn dùng các kênh này để xây dựng thương hiệu cá nhân và mạng lưới các mối quan hệ, thay vì chỉ xem các nội dung của người khác.

Hoặc nếu bạn có ý định tìm kiếm một công việc, Linh gợi ý bạn có thể bắt đầu tạo hồ sơ trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn để thu hút các nhà tuyển dụng, bên cạnh những cách thức tiếp cận cũ. Bạn có thể đọc thêm về Cách trình bày kỹ năng sử dụng máy tính trong công việc tại đây. Ngoài ra, tham gia các hội nhóm chuyên môn giúp bạn tăng khả năng học hỏi từ các chuyên gia trong ngành.

2. Kỹ năng quản lý dự án

Để phát triển kỹ năng này, bạn cần hiểu rõ khái niệm “dự án”. Nói một cách đơn giản, một dự án bao gồm các nhiệm vụ cần được hoàn thành để đạt được một kết quả cụ thể. Các dự án có thể từ đơn giản đến phức tạp và có thể được quản lý bởi một hoặc rất nhiều người.


Chúng ta đã phải học cách quản lý dự án ngay khi còn đi học. Chúng ta có nhiều dự án như đi chơi với bạn bè, làm bài tập ở trường, thi cuối kỳ. Đó đều là những dự án và nếu không sắp xếp tốt thời gian, nguồn nhân lực, chúng ta sẽ không đạt được kết quả tốt. 

Điều đó có nghĩa là, kỹ năng quản lý dự án là một kỹ năng cơ bản mọi người đều cần có để thực hiện các công việc hàng ngày. Theo cách hiểu này, chúng ta đã phải học cách quản lý dự án ngay khi còn đi học. Chúng ta có nhiều dự án như đi chơi với bạn bè, làm bài tập ở trường, thi cuối kỳ. Đó đều là những dự án và nếu không sắp xếp tốt thời gian, nguồn nhân lực, chúng ta sẽ không đạt được kết quả tốt. 

Khi chúng ta đi làm, càng ở cấp bậc cao hơn, bạn càng phải tham gia vào dự án có nhiều bộ phận tham gia, với vai trò và trách nhiệm lớn hơn. Các kỹ năng quản lý dự án như lên kế hoạch, sắp xếp thời gian, giao tiếp, làm việc nhóm, đàm phán là những điều cần phải được rèn luyện ngay từ bây giờ.

3. Phân tích dữ liệu (data analytics)

Khi mọi công ty đều ứng dụng công nghệ vào điều hành doanh nghiệp, phát triển quy mô khách hàng, kỹ năng đọc hiểu dữ liệu từ đó đưa ra giải pháp cho vấn đề chính là lợi thế cạnh tranh của bạn.

Theo Forbes, có tới 95% doanh nghiệp được khảo sát thừa nhận họ cần quản lý dữ liệu phi cấu trúc (thông tin nặng về văn bản như kết quả khảo sát, nội dung trao đổi với khách hàng) tại tổ chức của họ.

Có nhiều công cụ, phương pháp về phân tích dữ liệu, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn bằng các công cụ tìm kiếm. Trong phạm vi bài viết này, Linh chỉ muốn chia sẻ, phân tích dữ liệu là một kỹ năng có thể tiến hành theo các bước sau:

    a. Bước 1: Thống kê được dữ liệu cần thiết

    b. Bước 2: Trình bày các dữ liệu một cách dễ hiểu

    c. Bước 3: Từ việc phân tích dữ liệu, đưa ra các giải pháp, hỗ trợ việc ra quyết định

Dưới đây là một số từ khóa cho những ai muốn tìm hiểu kỹ hơn về kỹ năng này:

Các kỹ năng phân tích dữ liệu cơ bản cho mọi ngành nghề:

    a. Kỹ năng đọc hiểu các chỉ số trong báo cáo cho công việc bạn đang làm

    b. Kiến thức về xác suất và thống kê

    c. Kỹ năng Microsoft Excel nâng cao

    d. Tư duy phản biện

Các kỹ năng phân tích dữ liệu mang tính chuyên môn sẽ cần tìm hiểu thêm về:

    a. Kiến thức về ngôn ngữ lập trình phân tích như R, MATLAB và Python

    b. Khái niệm cơ bản về SQL

    c. Các công cụ và phần mềm Business Intelligence (BI) phổ biến

    d. Quản lý dữ liệu

    e. Trực quan hóa dữ liệu

    f. Máy học (machine learning)

Phát triển kỹ năng này cũng là một điểm cộng nếu bạn muốn tăng hiệu quả công việc và thăng tiến nhanh trong các ngành nghề khác. 

Ví dụ, trong công ty của Linh, các bạn làm sáng tạo nội dung cũng phải đọc hiểu các số liệu thống kê từ công cụ đo lường, từ đó hiểu hơn về người dùng và sản xuất các nội dung tốt hơn. 

Như bạn thấy, cho những công việc có vẻ như không liên quan, phân tích dữ liệu vẫn là một kỹ năng có tính ứng dụng với mọi ngành nghề.


95% doanh nghiệp được khảo sát thừa nhận họ cần quản lý dữ liệu phi cấu trúc (thông tin nặng về văn bản như kết quả khảo sát, nội dung trao đổi với khách hàng) tại tổ chức của họ.

- Nghiên cứu từ  Forbes

4. Sáng tạo và quản trị nội dung

Kỹ năng sáng tạo nội dung bao gồm viết nội dung, thiết kế cơ bản, quay phim chụp hình bằng điện thoại, biên tập video, sử dụng các phần mềm biên tập - chỉnh sửa nội dung.

Chúng ta không cần phải trở thành nhà sáng tạo nội dung, nhưng sở hữu các kỹ năng trình bày, kể chuyện là một điểm cộng lớn.

Mọi người đều thích những thông tin được diễn đạt một cách đơn giản, dễ hiểu, có sự kết nối cảm xúc với họ. Khi bạn trình bày một vấn đề khô khan, bạn cần thuyết phục người nghe vì sao vấn đề đó cần được coi trọng. Khi bạn bán hàng, bạn phải cho khách hàng thấy sản phẩm của bạn trở thành một phần cuộc sống của họ như thế nào.

Các bạn làm ở vị trí sale - marketing sẽ hiểu điều Linh nói ở đây rõ nhất. Nếu bạn biết cách viết và trình bày email giới thiệu phù hợp với từng đối tượng khách hàng, kết quả phản hồi sẽ tốt hơn là một nội dung chung chung có thể gửi cho bất kỳ ai.

5. Kỹ năng học hỏi nhanh


Tri thức đạt được qua học hỏi; sự tin tưởng đạt được qua nghi ngờ; kỹ năng đạt được qua rèn luyện; tình yêu thương đạt được qua yêu thương. 

- Thomas Szasz

Trở thành một người học tập chủ động có thể giúp bạn phát triển các kỹ năng và học cách thực hiện các nhiệm vụ công việc một cách nhanh chóng. Điều này có giá trị đối với nhà tuyển dụng vì nếu bạn học hỏi nhanh, việc đào tạo bạn có thể dễ dàng hơn. 

Kỹ năng học hỏi còn giúp bạn dễ thích nghi và linh hoạt cho các thay đổi: tham gia dự án mới, lĩnh vực mới, ngành nghề mới, môi trường mới.

Kỹ năng học tập bao gồm các nhóm kỹ năng chính sau:

a. Kỹ năng tổ chức: tổ chức, quản lý thời gian, quản lý thông tin, ghi chú, lập kế hoạch, tập trung

b. Kỹ năng giao tiếp: lắng nghe tích cực, sự đồng cảm, thuyết trình, diễn đạt bằng ngôn ngữ nói/viết

c. Kỹ năng tư duy phản biện: chú ý đến chi tiết, khả năng đánh giá, phân tích, đưa ra lập luận, giải thích, so sánh đối chiếu

d. Kỹ năng sáng tạo: giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng, tò mò, sự đổi mới, sự cởi mở

6. Kỹ năng tương tác với con người

Một nghiên cứu của McKinsey cho thấy đến năm 2030 khoảng 30% thời gian làm việc có thể được tự động hóa. Trong báo cáo “Kỹ năng mềm để thành công trong kinh doanh”, các nhà phân tích của Deloitte ước tính rằng đến năm 2030, gần 2/3 tất cả các công việc sẽ dựa trên kỹ năng mềm. Điều này có nghĩa rằng bạn nên tập trung vào các kỹ năng mà máy móc không thể thay thế được để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mình.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là thế mạnh của người lao động trong tương lai. Bởi nhóm kỹ năng này không thể thay thế bằng máy móc và đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực để rèn luyện.

Những kỹ năng mang tính tương tác như làm việc nhóm, trí thông minh cảm xúc, giao tiếp hiệu quả, thuyết trình đã, đang và sẽ là yếu tố quan trọng cho sự nghiệp thành công. 

Lời kết

Nghiên cứu của LinkedIn cho thấy, số lượng công việc không yêu cầu bằng cấp được đăng tải trên nền tảng này đã tăng 40% trong vòng 1 năm kể từ năm 2019. Số lượng các công việc với mô tả tập trung vào kỹ năng và hạng mục công việc thay vì bằng cấp đã tăng 21% cho năm tiếp theo (từ năm 2020 đến 2021).

Điều đó cho thấy rằng, dù bạn đang đứng ở vị trí nào, làm công việc gì, chúng ta cần luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân để tự tin đối mặt với mọi đổi thay của thị trường. Hơn nữa, Linh tin rằng, việc học bây giờ không chỉ dừng lại ở sau cánh cửa trường đại học, mà là một hành trình trọn đời. Nếu có ai hỏi Linh có đang học điều gì đó mới không, câu trả lời của Linh luôn là “Có chứ!”.

Mỗi ngày với Linh là một cơ hội để Linh học hỏi những điều mới, dù đó chỉ là hiểu thêm nghĩa của một từ tiếng Việt, hay tìm ra giải pháp cho vấn đề khó nào đó. Mong rằng bạn cũng như Linh, xem việc học là niềm hứng khởi khám phá tiềm năng của chính mình mỗi ngày. Cuối cùng, bạn sẽ thấy những kỹ năng được học tập, rèn luyện qua thời gian giúp bạn thăng tiến và thành công như thế nào trong tương lai.

Nếu bạn cần thêm gợi ý để bắt đầu phát triển các kỹ năng nghề nghiệp, hãy đọc thêm bài viết Bạn nên làm gì khi vừa đón nhận thất bại trong công việc?

Chúc bạn luôn kiên trì và thành công!